Xích lô không mùi men và những chuyện… chẳng nơi nào có được

“Anh nào bị phát hiện đánh bài, nhậu dù khi chưa đến phiên chạy, hay lúc ế khách đều bị phạt. Mỗi lần vi phạm “đuổi” cho chạy ngoài ba ngày, những lần sau cứ rứa mà nhân đôi nhân ba lên nên không ai dám uống ”. Và thế là xích lô Huế không bao giờ nghe mùi men…

Xích lô Huế không mùi men

Hơn 35 năm trước, vì choáng ngợp trước lăng tẩm, đền đài, sông Hương, núi Ngự nên thơ, nhà thơ đến từ xứ “áo vải cờ đào” Đỗ Thị Thanh Bình thốt lên “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”. Những lời thơ ấy đến tay nhạc sĩ Trương Tuyết Mai và nay đã trở thành ca khúc bậc nhất viết về cố đô: “Huế - Tình yêu của tôi”. Ngoài vẻ đẹp, ở Huế còn có nhiều chuyện... chẳng nơi nào có được, ví như chuyện tôi sắp kể dưới đây…

Những “lần đầu tiên”

Chuyện giữa tôi với ông Phạm Hoàng Mai - Chủ tịch LĐLĐ TP.Huế, liên tục bị cắt ngang bởi các cuộc điện thoại. Lúc thì công ty “xin ý kiến” để xây dựng thang bảng lương, đóng kinh phí Công đoàn, nghỉ đẻ, thưởng Tết… Gần bốn năm trước, ông Mai bắt tay thực hiện ý tưởng lập đường dây nóng 24/24h kết nối giữa người lao động, Công đoàn cơ sở với LĐLĐ TP.Huế, ông Mai và những cán bộ LĐLĐ TP.Huế “vắt chân lên cổ” cũng chẳng thể hết việc.

Tại TP.Huế có 12 ngàn lao động, quá nửa trong số đó là cán bộ các đơn vị hành chính, sự nghiệp, còn lại là “quân” của các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn. Ở nơi đi đâu người ta cũng xáp mặt nhau như ở Huế, có 850 doanh nghiệp quả là con số rất hoành tráng. Nhưng thật ra “điểm danh” thì có đến hơn một nửa là doanh nghiệp dưới... 5 lao động.

Quy mô nhỏ, manh mún nên mấy năm rồi nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ lương, nợ BHXH, không giải quyết đúng, đủ chế độ chính sách khiến người công nhân bức xúc, đơn thư, kiện cáo xảy ra triền miên. “Đường dây nóng từ ngày được khai trương, người lao động, Công đoàn cơ sở thông tin kịp thời mọi vấn đề, từ chế độ sính sách, quyền lợi; giải đáp chính sách pháp luật… Từ đó, chúng tôi nắm bắt, can thiệp giải quyết kịp thời mọi bức xúc của người lao động”, ông Mai nói.

Đơn cử, trường hợp của chị Trần Thị Bích Nguyệt (phường An Đông, TP.Huế) có bốn năm làm nhân viên cấp dưỡng ở một trường tiểu học ngoài công lập. Ngày chị xin thôi việc, trường hứa sẽ giải quyết chế độ cũng như bảo hiểm thất nghiệp nên chị đã tin và chờ đợi. Thế rồi trường trây ỳ không giải quyết hơn một năm ròng. Không việc làm, một mình phải nuôi bốn đứa con nhỏ, chị Nguyệt rơi vào cảnh túng quẫn.

Sau cuộc gọi đến đường dây nóng và được sự can thiệp của cán bộ Công đoàn, chị Nguyệt nhận được toàn bộ số tiền thôi việc và bảo hiểm. “Tui như người sắp chết đuối vớ được phao. Đường dây liên lạc của LĐLĐ TP.Huế dẫn đường, chỉ lối và bảo vệ quyền lợi cho người lao động là việc làm rất nhân văn”, chị Nguyệt xúc động nói.

Ông Mai kể, Công đoàn Huế có rất nhiều việc “lần đầu tiên” và trở thành mô hình của cả nước, mà đến nay khi nhớ lại vẫn còn nguyên cảm giác tự hào. Đó là vào năm 1989, những người đứng đầu LĐLĐ TP.Huế đặt câu hỏi vì sao không mạnh dạn thành lập tổ chức Công đoàn ở cấp phường, xã, bởi đây có một lực lượng lao động đông đảo, tâm tư ai cũng mong muốn đứng vào tổ chức Công đoàn.

Những thành viện thuộc nghiệp đoàn xích lô ga Huế giúp đỡ nhau trong công việc hằng ngày. Ảnh: Đ.K

Ban đầu đề xuất lên lãnh đạo thành phố, rồi tỉnh, nhưng chẳng ai đồng ý vì chẳng dại gì “cầm đèn chạy trước ôtô”. “Sau đó, ý tưởng của chúng tôi được trình ra T.Ư, thật may mắn là được cho phép làm thí điểm. Rứa là lần lượt Công đoàn phường Phú Nhuận, Phú Hội, Vĩnh Ninh… ra đời, hoạt động rất hiệu quả”, ông Mai nhớ lại.

Thấy Huế làm được, nhiều địa phương xin được nhân rộng mô hình ra cả nước, nhưng kết cục thì chỉ có Huế được “làm thí điểm” cho đến năm 2004, khi Quyết định thành lập Công đoàn xã, phường, thị trấn của Tổng LĐLĐVN ra đời. Sau tiếng vang của mô hình Công đoàn phường, xã, năm 1993, LĐLĐ TP.Huế đề xuất thành lập nghiệp đoàn bốc xếp Bắc sông Hương và hoạt động hiệu quả từ đó đến nay.

“Thật ra thời gian đầu thành lập, nạn lưu manh, côn đồ, bảo kê khiến nghiệp đoàn đứng trước nguy cơ tan rã. Nhưng rồi, chúng tôi nhận ra rằng khi nào giới anh chị còn đứng trong nghiệp đoàn thì khi ấy sẽ không yên và nhờ công an can thiệp, tách dần họ ra khỏi cuộc chơi. Từ đó, công việc, tiền công rõ ràng, công bằng nên hạn chế được tình trạng tranh giành, ẩu đả, gây gổ đánh nhau và tồn tại cho đến ngày hôm nay”, ông Mai chia sẻ.

Vào Nghiệp đoàn để… thành người tử tế

Tình cờ tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Hóa, khi ông vừa xong chuyến xích lô đưa hai cô tây dạo một vòng quanh Đại Nội Huế. Tấp xe lên vỉa hè, ông hào hứng khoe: “Từ khi cai được rượu, con người tui tử tế hẳn”. Chuyện là mấy năm trước, ông Hóa cùng nhóm bạn xích lô cứ chiều chiều “kéo” rượu đế, trạc cúc áo ngồi nhậu chay trên vỉa hè ngã tư Phạm Hồng Thái – Lê Lợi khiến bao người lắc đầu ngao ngán. Sau đó, một cuộc điện thoại “khẩn” của Chủ tịch UBND TP.Huế yêu cầu ông Phạm Hoàng Mai đến đưa “quân” mình về xử lý.

“Tui sai người chạy qua, mấy ông vẫn đang say sưa hát ca. Hỏi ra mới hay họ không phải là người của Nghiệp đoàn mà là xe “trá hình”, cũng sơn xe màu tím y chang như xe của Nghiệp đoàn. Dù vậy, tụi tui nhất quyết đưa về làm việc, phân tích thiệt hơn chuyện rượu chè cho mấy ông nghe. Bất ngờ là họ viết đơn xin được vào Nghiệp đoàn, tu chí làm ăn”, ông Mai kể.
Trở lại câu chuyện ông Hóa, vốn nghiện rượu nặng nên những ngày đầu vào Nghiệp đoàn, lúc làm việc người ông Hóa lơ ngơ, tay chân run rẩy, chiếc xích lô như đá tảng chỉ muốn đứng yên. “Có khi thèm rượu muốn phát điên, nhưng rồi nghĩ đến cảnh “bị bắt quả tang” xấu hổ, phần nữa không rủ rê được ai nhậu cùng nên quyết tâm cai rượu. Có sức khỏe, đạp được nhiều chuyến, chở được nhiều khách hơn, có tiền nuôi con ăn học”, ông Hóa kể.

Ông Mai cho biết, hiện trên địa bàn TP.Huế có hơn 1.000 lao động phi kết cấu gồm xích lô, xe thồ, bốc vác. Đã từng có một thời, từ du khách cho đến những người đứng đầu thành phố kêu trời với nạn xích lô, xe thồ vác dao rượt nhau, đến chuyện say xỉn lái xe ngông nghênh trên đường gây mất an toàn giao thông. Nhưng kể từ khi các Nghiệp đoàn ra đời, chuyện đã hoàn toàn khác, trật tự, nghiêm túc hơn. Bây giờ, chỉ cần ai đưa cánh tay túm cổ áo người khác là đã có đơn lên LĐLĐ TP.Huế, ai nhậu trong giờ làm việc là đã bị xử phạt thật nghiêm.

Từ ngày nghiệp đoàn được thành lập, hình ảnh xích lô du lịch Huế ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách. Ảnh: Đ.K

Ông Lê Văn Trai, Tổ trưởng tổ xích lô ga Huế, thách đố tôi tìm được ai trong số 87 thành viên trong tổ miệng có mùi men. “Anh nào bị phát hiện đánh bài, nhậu dù khi chưa đến phiên chạy, hay lúc ế khách đều bị phạt. Mỗi lần vi phạm “đuổi” cho chạy ngoài ba ngày, những lần sau cứ rứa mà nhân đôi nhân ba lên nên không ai dám uống ”, ông Trai nói.

Ông Trai ngày trước là cựu học sinh Trường Quốc học Huế. Vì cảnh “đói không chịu thấu” mà ông đứt việc học giữa chừng. Đi bộ đội trở về thì đã luống tuổi và rơi vào cảnh “vô công rồi nghề” nên gia đình sắm cho chiếc xích lô ra ga Huế mưu sinh. Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề đạp xích lô, ông nuôi năm đứa con khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn.

“Hai đứa con gái đầu ra trường đã xin được việc làm. Ba đứa đang học cấp ba, đại học, chúng nó rất ngoan, học giỏi nên tui cũng an tâm. Tui xác định rồi, dù chi đi nữa cũng phải học, không thể khác được. Theo cái nghề di truyền từ đời ni sang đời khác như nghề đạp xích lô ni cực không ai chịu nổi”, ông Trai tâm sự.

Ông Hồ Quốc Pháp, 40 năm theo nghiệp xích lô ở ga Huế cho biết, mỗi tháng, những thành viên Nghiệp đoàn xích lô, xe thồ ga Huế mỗi người đóng 50 ngàn đoàn phí và được giữ lại 30 ngàn để tổ chức các hoạt động, thăm nom nhau lúc ốm đau, hiếu hỉ. Được hỗ trợ đóng bảo hiểm tai nạn, được LĐLĐ TP.Huế hỗ trợ cho vay vốn nên cuộc sống của nhiều thành viên nay đã khá hơn.

“Dù công việc có “hên xui, bấp bênh”, ngày đắt khách kiếm tiền trăm, ngày ế ẩm không một ngàn dính túi. Nhưng “khổ cũng đã khổ rồi. Đã vào Nghiệp đoàn thì phải xác định rằng miếng cơm chừng đó anh em chia nhau mà sống. Giành giật, cướp rồi nhìn mặt nhau sao được. Đã ra đây, ai cũng có nguyên một đoàn tàu kéo sau lưng, đó là gia đình và những đứa con”, ông Hồ Quốc Pháp, nói.

Rời sân ga Huế, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông Lê Văn Trai lôi từ trong túi chiếc áo khoác đã sờn cũ ra tờ giấy mời của LĐLĐ TP.Huế đến dự chương trình “Tết sum vầy”, món quà ông được tặng là 500 ngàn đồng. “Tụi tui biết ơn chị Liên (bà Nguyễn Thị Tố Liên, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế), chừ là anh Mai đã đỡ đần mười mấy năm qua. Không có tổ chức Công đoàn, không có những người như bà Liên, ông Mai thì tụi chừ không biết đã đi về mô nữa…”, ông Trai xúc động nói.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/xich-lo-khong-mui-men-va-nhung-chuyen-chang-noi-nao-co-duoc-514844.bld