Xin thêm một câu hỏi “tại sao?”

Thảm họa thua 1-4 của U23 Việt Nam trước U23 Myanmar tại trận tranh HCĐ môn bóng đá nam SEA Games 26 là trái đắng đối với những người hâm mộ nước ta, bởi chỉ cách đây không lâu, tại giải VFF Cup 2011 tổ chức tại Việt Nam, họ đã thua ta tới 5 bàn trắng (!).

Phản ứng tại chỗ của những cổ động viên Việt Nam vượt biển Đông lặn lội sang tận Indonesia để theo dõi trận đấu, qua truyền hình, là những nét mặt ngơ ngác và những dòng nước mắt nghẹn ngào từ những khuôn mặt tưởng như rất cứng cỏi. Còn ngày hôm sau, thay bằng việc “tổng sỉ vả” cho bõ tức thì nhiều tờ báo đặt ra những câu hỏi như để tìm cho ra những nguyên nhân khó trả lời: “Tại sao?”.

Tờ “Thể thao & Văn hóa” đặt trên trang nhất liên thanh 4 câu hỏi to đùng: “Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao?” để rồi tự đưa ra giả định: “Tại cầu thủ quá kém? Tại huấn luyện viên Falko Goetz quá tồi? Tại VFF mắc sai lầm nghiêm trọng? Hay tại sự sa sút của cả một nền bóng đá?” và kết luận “Hàng triệu người hâm mộ Việt Nam đang chờ câu trả lời”.

Cách đây hơn 4 năm (7-2007), trên trang báo này, tôi đã viết một bài với cảm hứng đang ngây ngất không phải do men chiến thắng mà cũng từ một trận thua nhưng được báo chí khi đó bình là “một bi kịch lạc quan”. Đó là trận đội tuyển Việt Nam thua 2-0 trước đội Iraq trên sân Rajamangala (Bangkok) trong trận tứ kết Asian Cup. Nên nhớ thêm rằng, kết quả trận đấu đó cũng làm nguôi ngoai các vụ cá độ tại SEA Games 2005 khiến nhiều cầu thủ phải liên quan đến chốn pháp đình. Dẫu sao đấy là lần đầu tiên Việt Nam được lọt vào một trận tứ kết của Châu Á...

Trong cái cảm hứng ấy mà bài báo rút “tít”: “Trăm năm bóng đá Việt Nam” mong nhắc nhở rằng chỉ một năm nữa (tức 2008) bóng đá Việt Nam tròn thế kỷ. Lại bàn đến chuyện lịch sử. Cho dù người Trung Hoa hùng hồn chứng minh rằng “túc cầu” có từ thời “Hoàng Đế” cách đây hơn 4700 năm vẫn còn hình vẽ lưu trong cổ vật; người Italia nhắc đến trò “harpastum” đã phát triển khắp đế chế La Mã ngay từ đầu công nguyên; người Nhật thì có môn “kerami” xuất hiện từ thế kỷ VI... Đến như ta cũng dẫn được trò “đấu cù” tương truyền có từ thời Phạm Ngũ Lão luyện quân đánh giặc Nguyên-Mông, hay chỉ vào các bức chạm gỗ trên vách đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) mà đoan chắc rằng môn bóng đá ta cũng từng có... truyền thống.

Dẫu sao thì “chính sử” của bóng đá thế giới vẫn phải bắt đầu từ nước Anh, cho dù FIFA ra đời tại nước Pháp (1903). Nước Anh cũng không tham gia sáng lập, nhưng lại có truyền thống soạn luật nên cuối cùng thì cũng như món võ đấm bằng tay (boxing), đến lượt món đá bóng bằng chân cũng đều được quy về gốc là nước Anh. Các trận thi đấu bóng đá giữa các quốc gia sau đó 5 năm đã chính thức được đưa vào nội dung Olympic và trở thành một bộ môn thể thao quốc tế vào năm 1908.

Vậy mà cũng vào năm ấy, chính xác là vào ngày Chủ nhật 20.7.1908, trận giao hữu giữa hai đội bóng đá “thuần Việt” đã diễn ra ở Sài Gòn. Mặc dầu người Việt đã có mặt trong đội hình các đội bóng của Tây từ trước đó, nhưng trận đấu giữa 2 đội Phú Mỹ và Chợ Đũi còn ghi nhận sự ra đời của “Hội đánh trái cầu football của người An Nam” được coi như cái mốc ra đời của bóng đá Việt Nam (?). Như thế người Việt Nam ta hội nhập với môn thể thao này đâu có muộn. Phong trào đá bóng lan rộng ra cả nước ngay lập tức.

Rồi chỉ hai thập kỷ sau đó, năm 1928 mặc dầu còn là xứ thuộc địa, nhưng người Việt Nam đã thành lập một “Tổng cuộc bóng tròn” riêng và một đội tuyển bóng đá đầu tiên của người Việt Nam đã sang thi đấu tại Singapore. Lần đầu xuất ngoại, đội ta thua đậm 4-0 và rất lâu về sau này, khi nước ta chưa độc lập thì cũng chưa bao giờ hạ được đội bóng của thành phố “bé hạt tiêu” này. Giao lưu với các bạn xung quanh thì lúc thắng lúc thua (tuyển Nam Kỳ thắng Xiêm (Thái Lan) 3-1 (1930) rồi lại thua 0-4 (1932) trong khi cùng năm đó “Ngôi sao Gia Định” thắng lại 5-2... Năm 1933, đàn bà cũng bắt đầu chơi bóng, ghi nhận lần đầu bằng trận đấu giữa chị em Cái Vồn đấu với Xóm Chai (2.7.1933)... Những năm 1940 đã có các giải giữa 3 kỳ trong nước hay 5 kỳ trên toàn Đông Dương.

Nước ta độc lập, Nha Thể thao được thành lập trong Bộ Thanh niên rồi qua Bộ Quốc gia Giáo dục, cụ Chủ tịch nước cũng ra sân SEPTO (nay là sân Hàng Đẫy) đá quả bóng danh dự khởi động cho trận đấu giữa đội Thanh niên Hoàng Diệu với Vệ Quốc đoàn vào ngày 8.3.1946... cổ vũ tinh thần “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt”.

Cảnh xem đá bóng trên sân vận động Quân đội hồi cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Ảnh: TL

Ra chiến khu kháng chiến có nhiều cầu thủ, trong đó có danh thủ Trương Tấn Bửu sau ngày chiến thắng cùng nhau gây dựng bóng đá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kỷ niệm 100 năm bóng đá thế giới, FIFA vinh danh ông như cầu thủ tiêu biểu của bóng đá Việt Nam.

Chỉ hơn 20 năm vừa hòa bình vừa chiến tranh (1955-1975), trong muôn vàn khó khăn mà trong ký ức những người yêu bóng đá không quên được những trận đáng ghi vào lịch sử: Lần đầu tham gia giải khu vực GANEFO (1963) tại Indonesia, đội Việt Nam (miền Bắc) cũng tranh hạng ba với Argentina (đội tài tử) hòa 2-2, mất huy chương đồng vì... rút thăm, trên cả đội Trung Quốc và nước chủ nhà (năm đó Cộng hòa Ả Rập Thống nhất vô địch, Bắc Triều Tiên á quân). Đến GANEFO (1965) tại Bình Nhưỡng, đội ta chỉ thua nước chủ nhà vừa dự World Cup từng thắng Italia, với chỉ số tối thiểu 0-1, hòa Trung Quốc 3-3. Đội tuyển Thanh niên Việt Nam thắng tuyển Thanh niên Liên Xô 1-0 ngay tại Moskva (10.8.1966) rồi hòa Thanh niên Bắc Kinh 1-1 ngay tại thủ đô nước bạn (11.9.1966)...

Trong khi đó ở nửa nước phía Nam, đội tuyển Việt Nam Cộng hòa dự SEA Games mở màn (1959) đã giành chức vô địch, rồi năm 1966 lại giành giải Merdeka cũng tại Indonesia và lại thắng chính Myanmar 1-0. Rồi những giải đấu sôi động như Việt-Trung-Triều-Mông, SKD (Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa)... Rồi nước nhà thống nhất, khôi phục các giải toàn quốc... Cuối cùng rồi cũng Đổi mới, xã hội hóa, hội nhập, biết bao nhiêu biến cố vui buồn mà chẳng mấy ai ghi lại...

Bài báo năm ấy, tôi có nhắc đến một cầu thủ nổi tiếng của Thể Công là ông Ngô Xuân Quýnh cùng với mấy nhà báo già chuyên viết về thể thao chỉ mong làm được một bộ sử bóng đá. Các ông vận động, đã được mấy nhiệm kỳ Ban Chấp hành VFF ra chủ trương soạn sử, góp nhặt hiện vật bảo tàng. Tổng biên tập VietNamnet hứng khởi nhân giải Euro lập tại sảnh tòa báo một không gian trưng một số hiện vật về bóng đá VN, tôi cũng được mời tới bàn bạc tính toán việc tổ chức việc viết sử... Nhưng rồi trái bóng cứ lăn tứ tung, mọi người hút theo trái bóng để vui buồn từng trận, chẳng ai ngoái lại phía sau... Bài báo ấy kết luận rằng nếu như năm 2008 có được một tin vui nào đó thì phải mở hội ăn mừng...

Và cái đêm chung kết Suzuki Cup trên sân vận động Mỹ Đình năm 2008 ấy, mọi người đã chứng kiến lần đầu ta giành quán quân nhờ vào cái đầu của Công Vinh vào phút chót một trận cầu căng thẳng. Và giữa đám đông cuồng nhiệt của cổ động viên Hà Nội, tôi gọi điện thoại cho một vị quan chức Liên đoàn nói rằng đúng là điềm trời báo ứng, đó chính là ngày ghi nhận Bóng đá Việt Nam tròn trăm tuổi...

Chợt buồn vì chưa thấy có trang sử nào được viết cho một bộ sách, chưa có viên gạch nào được đặt cho nền móng một bảo tàng, nhà báo già và cả danh thủ Ngô Xuân Quýnh cũng đi rồi, đến cái tên “Thể Công” cùng Câu lạc bộ Quân đội nửa thế kỷ truyền thống vẻ vang cũng đã “kết thúc nhiệm vụ lịch sử” chẳng có “điếu văn”, một bức tượng đồng định vinh danh Trương Tấn Bửu cũng dở dang, các câu lạc bộ trôi nổi theo các ông chủ, có ai giữ lấy cái gốc của những Bưu điện, Công an, Đường sắt, Dệt, Xi măng hay Hải quan... một thời lừng lẫy. Còn mấy ai trong lớp bạn trẻ biết đến những tên tuổi vang bóng một thời của bóng đá Việt Nam... Vì thế chúng không bao giờ biết đến để đặt ra câu hỏi vì sao trong quá khứ, chắc chắn là trong những điều kiện nghèo khó hơn nhiều so với hiện nay, bóng đá Việt Nam cũng làm được những điều bây giờ mơ vẫn chưa thấy.

Cụ Phan Ngươn Đang, người có trách nhiệm gắn bó với bóng đá Việt Nam từ thuở mới gây dựng lại sau chiến tranh cất công ngồi ghi chép lại “Những câu chuyện bóng đá có ích khi được nhắc lại”. Trong vô vàn những câu chuyệ̣n nhỏ nhưng chứa đựng nhiều điều sâu sắc, xin chép lại một câu chuyện có ích để bạn đọc cùng nhớ. Đó là trận đấu của đội tuyển Thanh niên Việt Nam tại Liên xô, cụ Đang kể:

“Trận cuối cùng đá với Đội tuyển Thanh niên Liên Xô chọn trong hơn 100 đội của toàn liên bang. Sắp sửa đến ngày thi đấu có ý kiến với lãnh đạo ta là nên thay đối thủ khác vì đá với đội này sợ thua nhiều quá coi không được. Tôi không đồng ý, đã bố trí rồi thì cứ đá, họ đá 2 chân, ta cũng đá 2 chân. Vào hôm đó, cầu thủ được chuẩn bị tư tưởng “coi như ra chiến trường”. Trên khán đài có chừng 3500 sinh viên Việt Nam đang học tại Mạc Tư Khoa.

Tôi dặn anh em 30 phút đầu phòng thủ chắc, tìm sơ hở! Mới được 5 phút, Trần Duy Long được Thọ chọc quả bóng vượt qua 2 cầu thủ hậu vệ Liên Xô, rồi tạt mạnh banh đi sát đất trúng chân trung vệ bạn (cao 1m85) và tới Phùng Mạnh Ngọc (1m55). Tự nhiên Ngọc bất ngờ tung chân đá mạnh... Cầu thủ bạn giật mình đối phó. Ai ngờ Ngọc động tác giả không đá. Quả bóng lăn qua bên trái, bất ngờ Tô Đức Phàn vượt lên. Chỉ có Phàn và thủ môn Liên Xô. Phàn tung chân sút mạnh. Thủ môn nhào một cái “hịch”, ai dè Phàn cũng lại làm động tác giả chặn quả bóng và đẩy nhẹ vào góc thủ môn đang nằm đó ngó mắt nhìn: 1-0.

Gần hết 90 phút, trận đấu càng trở nên căng thẳng quyết liệt. Họ sút trúng cột cầu môn ta mấy lần và ta cũng sút trúng cột cầu môn họ hai lần. Trọng tài thổi còi kết thúc...

Hàng ngàn sinh viên Việt Nam từ khán đài tràn xuống ôm rồi cõng đội bóng ta, hò reo. Riêng tôi, có hai cô sinh viên đến nắm tay tôi khóc. Tôi nói: “Sao vậy cháu?. Đá bóng thua thì khóc mà đá thắng cũng khóc là sao?” Cô sinh viên lớn tuổi nói: “Chú ơi! Nhân dân ta chiến tranh cực khổ, chết chóc, chiến thắng thế này mừng không khóc sao được”. Nín một tí, cô ấy nói tiếp: “Chú biết không, em này nè (chỉ cô sinh viên trẻ) cách đây mấy ngày nhận được thơ nhà ở Hà Nội báo cả gia đình bị máy bay ném bom chết rồi!”. Tôi tự buông tay ra khóc nức nở: “Ôi, dân tộc ta, Bác Hồ ơi!”. Kể câu chuyện đó, anh em cầu thủ lặng im, suy nghĩ.

Thật ra thời đó, người cầu thủ tự coi mình là chiến sĩ đang ở chiến trường dốc hết sức tập luyện ra thi đấu. Kỷ luật chặt chẽ và tự giác. Còn lãnh đạo thì nghiêm túc, khiêm nhường, yêu thương săn sóc cầu thủ. Có óc tính oán, ví dụ khẩu hiệu phòng ngự phản công có giá trị cao trong từng giai đoạn. Ta yếu, chủ động tấn công không đủ khả năng, phản công là sở trường. Nghiên cứu từng trận đá và rút kinh nghiệm chu đáo”.

Nhìn lại trận đấu mới đây cũng như tình trạng bóng đá hiện tại xin thêm một câu hỏi “tại sao?” và tự đưa ra giả định: Phải chăng bóng đá Việt Nam không quan tâm đến truyền thống của chính mình để giữ gìn và phát triển, điều mà không một nền bóng đá lớn hay câu lạc bộ bóng đá lớn nào không quan tâm?

Dương Trung Quốc

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/xin-them-mot-cau-hoi-tai-sao/67742