XK thủy sản vào Châu Âu : Lại... gặp khó !

Thời gian qua, XK thủy sản đã gặp những khó khăn không nhỏ do một số DN làm mất uy tín liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Việc mới đây, Bộ Y tế và Chính sách xã hội Tây Ban Nha thông báo phát hiện chất salminella trong một lô hàng thủy sản NK từ VN và yêu cầu có các kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này, cho thấy, cùng với những khó khăn chung của thị trường XK, đường tới Châu Âu của thủy sản VN đang gặp nhiều thác ghềnh.

Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc Bộ Y tế và Chính sách xã hội Tây Ban Nha vừa thông báo bãi bỏ biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với sản phẩm cá của Cty Tin Thinh Co. Ltd, Cty Truc An Co. Ltd và Cty Pacific Seafood Freezing Factory N.V. – Nam Viet, nhưng đồng thời lại mở lệnh cảnh báo Y vụ đối ngoại số 2009-339PO ấn định các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với sản phẩm cá tra xúc xích cắt khoanh pagasius hypophthalamus của Dong Thap Trading Copration (Chi nhánh DOCIFISH) sau khi phát hiện có chất salminella trong một lô hàng của DOCFISH xuất sang Tây Ban Nha. Thông báo này cho biết, các biện pháp kiểm soát chỉ được bãi bỏ khi có đảm bảo chính thức của Cơ quan thẩm quyền VN tại nơi sản xuất gốc và/hoặc kết quả kiểm nghiệm đáp ứng yêu cầu của EC hoặc cho tới khi EC thiết lập các biện pháp kiểm soát đồng bộ đối với tất cả các nước thành viên EU. Từ vụ việc trên cho thấy đang có rất nhiều rào cản kỹ thuật được dựng lên nhằm cản trở thủy sản VN vào thị trường EU. Trong số các nước EU, Tây Ban Nha được đánh giá là nước tiêu thụ cá tra và cá ba sa VN nhiều nhất với lượng NK mỗi năm ước tính khoảng 40.000 tấn. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù biết thị trường EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng nhưng một số DN VN chỉ vì mong muốn đạt chỉ tiêu XK mà đôi khi "quên" những yêu cầu đó khiến cho một số DN XK thủy sản VN đang bị "mắc cạn" ở thị trường này mà vụ việc trên đây là một điển hình. Cùng với rào cản này thì một rào cản mới cũng đang hiển hiện trước mắt các DN XK thủy sản VN. Đó là kể từ ngày 1/1/2010, Quy định 1005/2008 của EC có hiệu lực. Theo đó, EC sẽ thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU). Tất cả các lô hàng thủy sản muốn vào thị trường này phải chứng minh được nguồn gốc về vùng biển khai thác, tàu khai thác... Giám đốc một DN có thâm niên lâu năm XK thủy sản sang EU nhận định, quy định này chắc chắn sẽ gây khó cho các DN thủy sản VN bởi trên thực tế, thủy sản VN ngoài một số ít được nuôi trồng còn đa số là được ngư dân đánh bắt ở khắp các vùng biển, và phần lớn các DN đều thu mua nguyên liệu của ngư dân chế biến và XK. Do đó, các DN XK khó có thể cung cấp, chứng minh được nguồn gốc lô hàng, mà nếu có làm được sẽ phải mất nhiều thời gian... Vị giám đốc này e ngại: "Trong giai đoạn đầu, IUU sẽ có tác động không nhỏ đến XK thủy sản của VN vào EU, bởi đây là thị trường NK thủy sản lớn nhất của VN" (chiếm trên 40% tổng lượng thủy sản XK). Trước thực trạng này, được biết, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN đang có kế hoạch tiếp xúc với đại diện Châu Âu để có hướng giải quyết phù hợp trước những khó khăn, vướng mắc trên Cũng theo vị giám đốc trên thì thị trường EU khắt khe là thế nhưng nếu DN vượt qua được rào cản, xem như DN vượt qua được rào cản của các thị trường nhập thủy sản khác trên thế giới. Không chỉ “chuẩn” về VSATTP thị trường EU được xem là nơi có giá bán thủy sản tốt nhất hiện nay của các DN VN. Trên thực tế, về tổng thể thì chất lượng thủy sản VN ngày càng đáp ứng được những tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe hơn từ các thị trường NK, nhất là EU. Bộ Y tế và tiêu dùng Tây Ban Nha cũng đã từng ra thông báo trong đó nhấn mạnh sản phẩm cá tra, cá ba sa XK của VN đáp ứng các quy định về VSATTP của EU. Điều này cho thấy chất lượng thủy sản của VN đa số đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường EU, nếu DN VN kiểm tra sản phẩm chặt chẽ hơn trước khi XK chắc chắn sẽ không để tình trạng trên làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của mình. Riêng về quy định IUU, các chuyên gia Bộ NN&PTNT khuyên rằng, ở thời điểm này các DN nên bình tĩnh, chủ động cập nhật quy định của EU và tích cực tham gia hoạt động tập huấn, phổ biến quy định IUU và kế hoạch hành động quốc gia do Bộ NN&PTNT tổ chức. EU hiện là thị trường NK thủy sản lớn nhất của VN, chiếm 25,4% tổng kim ngạch XK thủy sản. Vì vậy, các DN sản xuất, chế biến và XK thủy sản sang thị trường EU nên có biện pháp đảm bảo chất lượng VSATTP để tránh các sự cố như trên và đảm bảo XK giữ vững thị trường và thị phần của thủy sản XK của VN. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng, để có thể đạt kim ngạch XK thủy sản của cả năm 2009 đạt ngưỡng 4,4 tỷ USD các DN cần tích cực làm tốt công tác thị trường, tiếp cận với các kỳ hội chợ thương mại sắp diễn ra tại các thị trường trọng điểm để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác mới. Đồng thời, cần tăng cường liên hệ với các đối tác tại các thị trường lớn trước những ngày lễ tết trong các tháng cuối năm để đàm phán hợp đồng và chuẩn bị tốt nguồn cung. Kể từ ngày 1/1/2010, Quy định 1005/2008 của EC có hiệu lực. Điều này chắc chắn sẽ gây khó cho các DN thủy sản VN.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.com.vn/tianyon/index.aspx?articleid=133310&channelid=38