Xóa bỏ biên chế giáo viên: Phải được tuyển… hiệu trưởng?

Trong khi nhiều người cho rằng xóa biên chế sẽ “giết chết” tình yêu nghề của giáo viên, các chuyên gia giáo dục lại nhìn nhận, chỉ có xóa biên chế giáo viên mới sống được với nghề. Điều quan trọng là xóa bằng cách nào?

Thầy N.V. P (Phủ Cừ - Hưng Yên) là một giáo viên đã có thâm niên gần 20 năm đứng lớp. Mặc dù đã có biên chế, nhưng thầy P là một trong số ít giáo viên đồng tình với việc cần xóa bỏ biên chế. Thầy P cho rằng: “Sự thực biên chế đã “kìm hãm” sự phát triển của giáo viên rất nhiều không chỉ ở thu nhập mà còn ở tư duy. Nhiều giáo viên trở thành “nô lệ” của biên chế, họ phải rất khó khăn mới vào được biên chế (có thể bằng năng lực, tiền hoặc các mối quan hệ) vì vậy khi vào rồi rất nhiều người có tâm lý "rung đùi", yên tâm. Họ kêu gào thu nhập thấp nhưng cam chịu việc tăng lương theo định kỳ và không đòi hỏi vì mặc định rằng… vào biên chế ai chả thế” – thầy P nói.

Bỏ biên chế, giáo viên có thể chịu nhiều sức ép nếu không có cơ chế công bằng (ảnh minh họa: IT)

Đồng tình với việc bỏ biên chế để “cởi trói” thu nhập cho giáo viên nhưng thầy P cũng cho rằng nếu bỏ nên bỏ từ trên xuống: “Nếu chỉ có giáo viên chịu hợp đồng thì từ việc là “nô lệ” của biên chế họ sẽ chuyển sang thành “nô lệ” của… hiệu trưởng. Nếu hiệu trưởng vẫn nắm trong tay quyền sinh, quyền sát không phải chịu áp lực bị đuổi việc thì môi trường giáo dục sẽ rất dễ rối loạn”.

Nói về điều này, thạc sỹ Trần Trung Hiếu – Giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng, muốn xóa bỏ biên chế ngành giáo dục phải làm được những việc sau: Phải thực hiện từ trên xuống, từ Trung ương đến địa phương, từ bậc học đại học đến mầm non mà cơ quan bỏ biên chế đầu tiên là Bộ GD ĐT.

Thứ hai, trong quá trình triển khai không nên phân biệt giữa cán bộ quản lý với giáo viên, trường công lập hay tư thục và tất cả quy trình này đều phải có sự giám sát của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân là Quốc Hội.

Thứ ba, cần sửa đổi lại rất nhiều điều trong hệ thống các bộ Luật của nhà nước liên quan đến công việc bỏ biên chế mà việc làm này thì Bộ GD ĐT chỉ là cơ quan tham mưu, còn cơ quan có đủ thẩm quyền quyết định là Quốc hội.

Bày tỏ quan điểm của mình, TS Phạm Thị Ly – chuyên gia giáo dục tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện được chủ trương đó thì thầy cô giáo cần phải có được tiếng nói quan trọng trong nhà trường, đặc biệt là trong việc tuyển chọn hiệu trưởng.

“Nói cách khác, quyền lực của hiệu trưởng và giáo viên phải được cân bằng, thông qua hội đồng sư phạm do giáo viên bầu chọn. Hội đồng sư phạm cần có tiếng nói trong việc đánh giá và lựa chọn hiệu trưởng, cùng với hội đồng trường, hội đồng phụ huynh và cơ quan cấp trên. Còn hiệu trưởng thì có quyền quyết định đánh giá và tuyển dụng với cá nhân từng giáo viên, dựa trên các chuẩn mực và yêu cầu công việc trong hợp đồng” – TS Ly nói.

Bà Ly cũng phân tích, từ trước đến nay, hiệu trưởng hầu như chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên đã bổ nhiệm họ, mà không có cơ chế giải trình trách nhiệm của họ với giáo viên và phụ huynh. Chính vì thế, cải cách chế độ làm việc (trong đó có thu nhập) của giáo viên phải gắn liền với cải cách cơ chế bổ nhiệm hiệu trưởng, dựa vào hội đồng trường, hội đồng sư phạm, và hội đồng phụ huynh, nhằm cân bằng tiếng nói các bên và hài hòa lợi ích của các bên.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/xoa-bo-bien-che-giao-vien-phai-duoc-tuyen-hieu-truong-775715.html