Xôn xao thật - giả phiên đấu giá bức tranh 'Phố cũ' của Bùi Xuân Phái

Mới đây, bức tranh 'Phố cũ' ký tên danh họa Bùi Xuân Phái xuất hiện trong buổi họp báo trước phiên đấu giá do Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn tổ chức đã khiến đông đảo người yêu nghệ thuật dấy lên tranh luận: thật hay giả?

Chiều 21-7, tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn số 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội đã diễn ra triển lãm 14 tác phẩm nghệ thuật đặc biệt của 2 bộ tứ trụ hội họa Việt Nam: Trí - Lân - Vân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái).

Trong đó, bức tranh đề tên “Phố cũ” được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái mà Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn giới thiệu có kích thước 50 x 40 cm, chất liệu sơn dầu với giá khởi điểm là 8.000 USD. Tuy nhiên, công chúng ngỡ ngàng bởi bức tranh này gần giống với bức tranh “Phố cũ” mà ngày 22-10-2006 Nhà đấu giá Sotheby’s (Singapore) đã bán với giá 11.443 USD và ngày 25-5-2014, Nhà đấu giá Christie’s (Hồng Kông) bán với giá 12.804 USD.

Xôn xao “Phố cũ”

Theo sư thầy Thích Minh Thịnh (chùa Minh Khánh), chủ nhân của bức tranh đề tên “Phố cũ”: “Tôi không phải là nhà sưu tầm, chỉ là người yêu tranh. Tôi có hai bức tranh, một là bức Ký họa cô Như (có lời đề tặng của họa sĩ Gia Trí tặng cho cô Như) và một bức “Phố cũ”. Cô Như là người phụ trách hậu cần, không có gia đình. Nhà cô tại số 19 Phan Bội Châu có nhiều tranh. Là người có tâm, cuối đời cô công đức rất nhiều các chùa chiền. Tôi thích hai bức tranh này”.

Nói thêm về nguồn gốc bức tranh, sư thầy Thích Minh Thịnh kể: “Có một giai đoạn, trước khi cô Như mất, tôi đã ngỏ lời trả lại hai bức tranh của cô. Song, cô Như nói: Nếu thầy không thích thì bán để làm từ thiện. Nguồn gốc của bức tranh đó là như vậy”.

Tại buổi họp báo, đã có ý kiến trái chiều được đưa ra, như mức độ rách, cũ của bức tranh “Phố cũ” nhiều quá. Đáng lẽ tranh chỉ khoảng 50 năm tuổi nhưng cũ đến trăm tuổi. Vậy do người sử dụng không cẩn thận hay còn lý do nào khác? Trả lời nghi vấn này, sư thầy Thích Minh Thịnh cho biết: “Bức tranh này khi tôi mang về tôi không trưng ở chùa vì nó không thích hợp. Làm gì có chỗ sang trọng để treo bức tranh, lúc tôi để trong nhà kho, lúc dựng lên trên mặt tủ. Thỉnh thoảng nghệ sĩ đến chơi ngồi ngắm rồi lại úp lên mặt tủ. Trước đó tôi không biết ai làm giả hay không. Nói thật tôi cũng chẳng quan tâm”.

Trả lời câu hỏi: “Vậy nếu bức tranh là giả, nhà đấu giá Chọn xử lý ra sao?”, ông Vũ Tuấn Anh - người sáng lập, Giám đốc điều hành Nhà đấu giá Chọn khẳng định: “Chúng tôi đã có hợp đồng làm theo đúng luật đấu giá. Chúng tôi có ký hợp đồng với thầy Thích Minh Thịnh, thầy cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm”. Đồng thời, trong thời gian một tháng, nếu ai có bằng chứng và xác nhận là tranh giả, ban tổ chức sẽ hoàn lại 100% giá trị bức tranh cũng như bồi thường thiệt hại tinh thần cho người mua”.

Thị trường tác động mạnh đến nghệ thuật

Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc đấu giá tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn liệt kê những căn cứ để đưa tranh ra đấu giá. Đầu tiên, Nhà đấu giá thẩm định chủ sở hữu qua nhiều kênh. Ông Quốc Hùng cho biết, cần phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có cả tính cách của chủ sở hữu, tiếp đó, là đến các chuyên gia thẩm định hiện vật. “Chuyên gia của chúng tôi là chuyên gia của Bảo tàng Mỹ thuật”. Song, tên những chuyên gia ấy là gì thì chưa được công bố.

Ông Quốc Hùng tự tin với tạo hình của bức “Phố cũ”, bởi lẽ: “Nếu đặt bức này bên cạnh sẽ thấy 2 bức của Sotheby’s (Singapore) và Christie’s (Hồng Kông) đã từng đưa ra trước đây non nớt hơn. Kể cả với trường hợp ảnh chụp tranh của họ không phản ánh hết được thì với khoa học nhận dạng, bức “Phố cũ” mà Nhà đấu giá Chọn đưa ra xác suất giả ít hơn. Tôi có niềm tin, dũng cảm đương đầu đưa bức tranh ra ánh sáng”.

Ông Trần Quốc Hùng nhấn mạnh rằng, thị trường tranh Việt Nam nếu không có nhà đấu giá có chuyên môn thì sẽ bị động, phải phụ thuộc vào các giao dịch giá sàn của bên ngoài. Ví như tranh danh họa Lê Phổ ở các nhà đấu giá tăng lên thì giá tranh Lê Phổ tại thị trường tranh nghệ thuật Việt Nam phải lên, và ngược lại. Ông Hùng cũng bày tỏ mong muốn, người Việt phải tác động vào thị trường của người Việt (dù tác động vào đến đâu thì chưa biết). Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn chỉ là một phần, một mong muốn góp một tham chiếu giao dịch vào thị trường tranh nghệ thuật chung tại Việt Nam: “Tôi không bán buôn, không bán lẻ, tôi làm giao dịch mẫu của thị trường”.

Gần đây, giới yêu hội họa xôn xao với một từ lóng là “rửa tranh”, có người hiểu theo nghĩa một bức tranh kiệt tác bị sao chép lại, người thì hiểu theo nghĩa một bức tranh bị gán cho một câu chuyện hành trình để thuận mua vừa bán. Ông Vũ Tuấn Anh bày tỏ quan điểm của mình: “Nghệ thuật gắn liền với câu chuyện là đúng, nhưng không có nghĩa chúng ta sáng tác câu chuyện đó ra, mỗi bức tranh đặt vào một lịch sử nhất định, làm phong phú bằng cách miêu tả lại chứ không phải bịa ra một câu chuyện hoàn toàn mới là không có. Câu chuyện của nó phải là thật”.

Ông Vũ Tuấn Anh đưa ví dụ, khi “vàng thau lẫn lộn”, muốn xác định vàng thau thì phải qua công đoạn khò, khò thì vàng sẽ giữ nguyên màu còn thau thì không. Theo ông, đấu giá chính là một thiết chế để phân biệt rõ vàng, thau. Chưa bàn về mỹ thuật, bản thân người mua trước tiên phải có những đánh giá về tác phẩm; các chuyên gia vào cuộc, thậm chí “đánh nhau” trên thị trường tranh nghệ thuật quốc tế và Nhà đấu giá sẽ đưa các tác phẩm tốt ra thị trường.

Nguyễn Ngọc Trâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/xon-xao-that-gia-phien-dau-gia-buc-tranh-pho-cu-cua-bui-xuan-phai/735588.antd