Xu hướng tiêu dùng: Cải thiện mức sống và phương tiện đi lại

Công ty TNHH Savills Việt Nam (đơn vị tư vấn, quản lý bất động sản quốc tế) vừa công bố “Sổ tay thị trường 2016”, đưa ra những nghiên cứu yếu tố tác động đến thị trường bất động sản. Savills Việt Nam nhận định, với mức thu nhập tăng, nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm nâng cao, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tập trung vào việc cải thiện mức sống và nâng cấp phương tiện đi lại.

Với thu nhập ngày càng tăng, người dân ngày càng ý thức cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Nhật Nam

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thập niên vừa qua đạt trung bình 13% năm, riêng năm 2015 đạt 6,7%. Tổng cục Thống kê dự đoán mức tăng trưởng trong năm 2016 và 2017 lần lượt đạt 6,6% và 6,7%. Trong năm 2015, khối xây dựng và công nghiệp đóng góp lớn nhất, chiếm 3,2% tăng trưởng GDP, tiếp theo là khối dịch vụ với 2,4%. Mức thực tăng doanh thu bán lẻ thấp trong giai đoạn 2011-2014 phản ánh tác động tiêu cực từ suy giảm kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng chậm, 2% trong năm 2015 cho thấy, khả năng hấp thụ thấp do đầu tư mới và nhu cầu tiêu dùng thấp.

Yếu tố tiếp theo là dân số, theo Savills, đã tăng xấp xỉ 5,7 triệu người, giai đoạn 2009-2015, tương đương mức tăng 1%/năm. Dân số thuộc độ tuổi lao động (từ 15 đến 64) có dấu hiệu ngừng phát triển, tuy vẫn chiếm 70% tổng dân số. Mặc dù số lao động giảm, tỷ lệ dân số phụ thuộc tăng nhưng kinh tế Việt Nam dự báo không chịu ảnh hưởng nhiều và xu hướng là lao động phổ thông sẽ dần được thay thế bởi lao động có chuyên môn. Đáng chú ý, Việt Nam có tăng trưởng việc làm dương nhờ số lao động tại các ngành kinh tế tăng nhiều hơn số mất việc và thất nghiệp. Trong đó, khoảng 50% dân số làm việc trong nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp và Khai khoáng, giảm 2%/năm; nhóm công nghiệp chế tạo khoảng 30%, dịch vụ 20%, tăng 2%/năm.

Nếu giai đoạn 2005-2010, tốc độ đô thị hóa tương đối thấp, khoảng 3,5%/năm thì giai đoạn sau mức tăng trở lại 4% do nền kinh tế ổn định. Về chỉ số giá tiêu dùng, từ năm 2014, lạm phát phổ thông của Việt Nam (4,1%) gần hơn với lạm phát cơ bản (3,3%), một phần phản ánh hiệu lực của chính sách tiền tệ hướng tới lạm phát thấp và ổn định.

Vậy thị trường bất động sản chịu tác động như thế nào? Thống kê của Savills cho thấy, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ giảm trung bình 2%/năm tính từ năm 2012. Tuy nhiên, khu vực ngoài trung tâm có mức tăng 2,62%, phản ánh mục tiêu phát triển mới của nhiều chủ đầu tư cần có quỹ đất lớn để đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng tăng. Tại thị trường Hà Nội, giá thuê mặt bằng bán lẻ giảm trung bình 6,8%/năm tính từ năm 2012; mức giảm nhiều nhất thuộc khu vực cao cấp (7,8%/năm) do nhiều trung tâm bán lẻ chất lượng cao gia nhập thị trường khu vực ngoài trung tâm, với mức giá thuê thấp hơn. Thông tin đáng chú ý là mặc dù tổng diện tích mặt bằng bán lẻ 8 thành phố lớn đạt 2,8 triệu mét vuông (trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 75%), song so với các thành phố lớn trong khu vực như: Băng Cốc, Kuala Lumpur, Singapore, mật độ tính trên đầu người của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều.

Liên quan đến phân khúc văn phòng cho thuê, tính từ năm 2010, nguồn cung tăng khoảng 50%. Giá thuê ổn định mặc dù công suất thuê tăng 27%. Ngành Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm và Công nghệ thông tin có nhu cầu thuê tăng cao nhất. Trong năm 2016, tổng vốn đăng ký từ các dự án FDI nhóm ngành sản xuất và chế biến chiếm 72%, trong khi bất động sản chiếm 6%. Đây là hai ngành phát triển mạnh, với nhu cầu diện tích văn phòng thấp nhưng nhu cầu vốn cao. Theo Savills, với mức thu nhập tăng, nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm nâng cao, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tập trung vào việc cải thiện mức sống và nâng cấp phương tiện đi lại.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/847408/xu-huong-tieu-dung-cai-thien-muc-song-va-phuong-tien-di-lai