Xử lý doanh nghiệp tăng giá bất thường theo giá điện

Mức tăng giá điện đã được Chính phủ và các Bộ ngành tính toán rất kỹ để không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu bày tỏ. Chính vì vậy, tất cả các doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá sản phẩm lên cao hơn thực tế đều bị rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm, ông Hiếu khẳng định.

Giá vẫn tăng dù được dự báo trước Tăng giá than, giá điện, các công ty sản xuất xi măng sẽ phải chịu thêm chi phí đầu vào chừng 120.000 đồng/tấn, ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đồng tình: Giá điện, than, nước tăng cùng lúc cũng khiến giá thành của thép đội lên khoảng 600.000 đồng/tấn. Lãnh đạo nhiều Hiệp hội ngành nghề đều chung nhận định: Chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá đầu ra, dù đây là chuyện bất khả kháng vì giá tăng sẽ tác động đến sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là khi hàng ngoại giá rẻ luôn đón đợi cơ hội để tràn vào. Dù nằm trong nhóm các mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá và không phụ thuộc nhiều vào giá điện, giá xăng, nhưng ngay sau Tết Nguyên đán, giá sữa, cả sữa bột và sữa nước đã không ngừng tăng. Đây là đợt tăng giá sữa thứ hai, kể từ đầu năm 2010. Bà Bùi Thị Hương - Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam xác nhận: Vinamilk đã tăng giá một số mặt hàng sữa với mức xê dịch khoảng 8% do nguyên liệu nhập khẩu tăng. Sữa bột nhập ngoại tăng giá mạnh nhất. Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh sữa đều cố tình né "luật", chỉ tăng dưới 20% và khoảng cách thời gian giữa hai lần tăng không ít hơn 15 ngày để phù hợp với quy định của Bộ Tài chính. Bởi vậy, cho tới thời điểm này, vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý vì đẩy giá sữa lên cao, dù lợi nhuận của nhiều loại sữa nhập khẩu được các cơ quan chức năng tính toán, đã lên tới hàng trăm phần trăm. Tăng giá hàng hóa, dịch vụ một phần do tâm lý người tiêu dùng. Ngăn chặn hiệu ứng tăng giá về tâm lý Hiệu ứng tăng giá dây chuyền theo tâm lý trên thị trường mới đáng sợ và cần được ngăn chặn gấp để tránh tác động xấu tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào khẳng định. Theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, 4 nhóm giải pháp nhằm hạn chế tăng giá theo giá điện đã được Liên bộ Tài chính - Công thương cùng thống nhất đưa ra: Theo dõi sát những biến động do ảnh hưởng của tăng giá ở cả khu vực sản xuất và tiêu dùng, kiến nghị Chính phủ các giải pháp điều chỉnh nếu có biến động lớn. Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp, tiểu thương lợi dụng tình trạng tăng giá điện để "té nước theo mưa". Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề điều chỉnh giá, tránh sự hoang mang cũng như những hiệu ứng tăng giá về tâm lý. Các ngành các cấp thực hiện linh hoạt các giải pháp trong điều hành...

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2010/3/126883.cand