Xử lý nghiêm xe khách 'nhồi nhét' khách

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2017, tại nhiều bến xe trong cả nước, số lượng hành khách về quê sẽ tăng đột biến. Một số nhà xe, lái xe, phụ xe sẽ tận dụng cơ hội này để “nhồi nhét”, hoặc tùy tiện tăng giá vé bắt chẹt hành khách. Lực lượng tuần tra kiểm soát đường bộ, nhất là các trạm cảnh sát giao thông cần quyết liệt xử lý xe khách chở quá số người quy định.

Đi trên xe khách mang BKS 36B-013.66 chạy từ Hà Nội về Thanh Hóa trong đợt nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, tôi và nhiều hành khách bị “nhồi” chật kín cả hai lối đi trên xe. Do nhiều hành khách không vào bến mua vé, cho nên phụ xe “bắt chẹt” phải trả 120.000 đồng/khách về tới TP Thanh Hóa, trong khi giá vé niêm yết tại bến xe Giáp Bát tuyến Hà Nội-TP Thanh Hóa chỉ có 85.000 đồng/lượt khách. Hành khách nào xuống TP Ninh Bình, thì trả 100.000 đồng/khách, cao hơn 30.000 đồng so với giá vé quy định tuyến Hà Nội - Ninh Bình. Dịp Tết Dương lịch vừa qua, đi trên chiếc xe khách mang biển BKS 35B-009.56 của nhà xe Hiển Tình chạy từ Ninh Bình đi Hà Nội vào chiều chủ nhật (ngày 18-12-2016) tôi cũng bị phụ xe “nhồi” sáu hành khách trên một ghế ngang thiết kế bốn chỗ ngồi. Thấy tôi và một số hành khách phản ứng, phụ xe liền bảo xe nào chả thế. Sau khi yêu cầu xuống xe, tôi đón một chiếc xe khác chạy về Hà Nội. Đến trạm thu phí trên quốc lộ 1A gần cầu Giẽ, tôi và gần chục hành khách bị lái xe bán sang xe khách BKS 29B-601.50 của nhà xe Thiên Trường chạy cùng chiều Hà Nội. Tất cả số hành khách trên bị dồn ngồi lên nắp ca-pô xe với yêu cầu của phụ xe phải tháo giày, dép. Một hành khách không chấp nhận và phàn nàn về sự chèn ép khách liền bị lái xe 29B-601.50 tên Cường đột ngột dừng xe, văng tục, đẩy đuổi xuống đường... Bạn đọc Nguyễn Văn Lê, ở phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Thực tế xe khách “nhồi nhét”, bắt chẹt tăng giá vé như nêu trên chưa được ngăn chặn dứt điểm, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, Tết, lễ hội Xuân. Nguyên nhân trước hết là do nhiều hành khách không chấp hành quy định vào bến mua vé đi xe, mà tùy tiện đón xe dọc đường. Kế tiếp là do một số trạm, một số cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường bộ thiếu kiên quyết, thiếu trách nhiệm xử lý xe khách chở quá số người quy định, tạo thêm cơ hội cho một số lái xe, phụ xe “nhờn luật”.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, tại nhiều bến xe trong cả nước, số lượng hành khách sẽ tăng đột biến. Giám đốc bến xe Giáp Bát (thuộc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội) Nguyễn Tất Thành, cho biết: Với mục tiêu phục vụ hành khách nhanh chóng, thuận lợi, văn minh lịch sự, bến xe Giáp Bát đã huy động 100% số cán bộ, nhân viên làm việc, ứng trực từ Tết Dương lịch năm 2017 và từ ngày 17-1-2017 đến hết ngày 27-1-2017 (Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Bến Giáp Bát kiên quyết xử lý lái xe dừng đỗ xe trên đường xuất bến; không chấp nhận xe chở khách thiếu các điều kiện quy định, xe bị đình tài, xe không có hợp đồng vào bến hoạt động; tăng cường phối hợp lực lượng công an và ngành chức năng xử lý hàng rong, bảo đảm an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ngành nước và môi trường, kiêm Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết: Ngoài số lượng xe chạy các tuyến cố định, lực lượng xe tăng cường của bến xe Nước Ngầm gồm 60 chiếc giúp cho bến chủ động giải quyết các nhu cầu vận chuyển hành khách khi tăng đột biến. Nếu lượng xe chưa đủ đưa đón khách vào những ngày cao điểm, bến Nước Ngầm huy động thêm các xe hợp đồng, du lịch. Hiện tại, bến Nước Ngầm đã bổ sung nhiều quầy bán vé, nâng tổng số lên hơn 40 quầy vé; bổ sung hàng chục biển báo hướng dẫn hành khách, hoàn thiện hệ thống cầu thang, hệ thống mái che, bố trí đủ cán bộ, nhân viên hướng dẫn phục vụ hành khách vào bến, mua vé, lên xuống xe thuận lợi, không phải chờ đợi lâu. Những ngày đầu tháng 1-2017, bến xe Nước Ngầm còn chủ động sắp xếp, bố trí hợp lý cho hàng trăm nốt xe chạy các tuyến Hà Nội - Đác Lắc, Nghệ An, Hà Tĩnh... được Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm hoạt động, bảo đảm có chỗ đỗ, có đủ vị trí đón khách.

Dịp này, Sở GTVT Hà Nội quyết tâm điều chuyển nhiều luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô-tô đang hoạt động tại các bến xe trong thành phố, nhưng chưa hợp lý, chưa phù hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải, gây ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, như: Điều chuyển hàng loạt phương tiện hoạt động tại bến xe Nước Ngầm đi các tỉnh Đác Nông, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu về bến xe Yên Nghĩa; điều chuyển các phương tiện hoạt động tại bến xe Giáp Bát, chạy tới các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang về bến xe Mỹ Đình...

Tết Đinh Dậu đang đến gần, chuyện tàu, xe lại “nóng” lên, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các điểm có lễ hội Xuân. Do vậy, ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; tăng cường kiểm soát “xe dù, bến cóc”, công bố rộng rãi điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân phản ánh kịp thời về tình trạng xe “nhồi nhét” khách. Các doanh nghiệp, HTX vận tải, đại diện các nhà xe cần tăng cường giám sát lái xe, phụ xe, tránh “nhồi nhét”, tăng giá vé bắt chẹt hành khách trong dịp Tết.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/31875102-xu-ly-nghiem-xe-khach-%e2%80%9cnhoi-nhet%e2%80%9d-khach.html