Xử lý ô nhiễm do Nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc ở Đà Nẵng: Dân thua thiệt đủ đường!

Những ngày qua nhiều người dân khu vực thôn Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) lại kêu cứu đến báo Lao Động về việc hai nhà máy thép trên địa bàn tiếp tục gây ô nhiễm và người dân phấp phỏng không biết bao giờ sẽ bị di dời đi nơi ở khác.

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, cuối năm 2016, người dân địa phương đã kéo đến nhà máy thép để yêu cầu đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: HỮU LONG

Cuối năm qua, sau nhiều lần bị người dân bức xúc bao vây chặn đường ra vào, hai nhà máy thép đã cam kết đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại và trồng hàng rào cây xanh xung quanh để hạn chế ô nhiễm đến các khu dân cư. Tuy vậy lời hứa này đều không được thực hiện, trong khi người dân đứng trước nguy cơ phải rời bỏ mảnh đất gắn bó với họ từ mấy mươi năm qua.

Ô nhiễm ngày càng trầm trọng

Tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực thôn Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) - khu vực gần Nhà máy Dana - Úc và Dana - Ý hoạt động, thời gian qua vẫn không có chiều hướng giảm. Trái lại, theo người dân địa phương thôn Vân Dương, những tiếng ồn do hoạt động nấu thép, khói bụi hằng ngày được thải ra ngoài môi trường ảnh hưởng đến đời sống của bà con nơi đây.

Tiếp xúc với PV, ông Mai Xuân Thọ - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Vân Dương (xã Hòa Liên) bày tỏ sự thất vọng vì sau nhiều lần người dân địa phương phản ánh với chính quyền và đỉnh điểm của sự xung đột này là cuối năm 2016, người dân kéo ra đường chặn xe vận chuyển nguyên liệu vào Nhà máy thép Dana - Ý yêu cầu được đối thoại thì lãnh đạo UBND thành phố mới chịu “xuống nước” tổ chức các cuộc họp với các bên nhằm tìm giải pháp lâu dài, nhưng câu chuyện ô nhiễm đến thời điểm này vẫn chưa có hồi kết. “Lãnh đạo thành phố nói lên phương án giải tỏa đền bù cho người dân chúng tôi nhưng gần hết quý I/2017 vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Đã vậy, trong thời gian chờ đợi quyết định người đi hay ở thì người dân đặc biệt là trẻ nhỏ ở thôn Vân Dương vẫn sống trong cảnh khốn khó vì ô nhiễm” - ông Thọ bức xúc.

Ông Trương Dũng (thôn Vân Dương 2) dẫn PV đến gần khu vực bờ tường ngăn cách khu dân cư với nhà máy thép rồi kể, Nhà máy thép Dana - Ý từng hứa trồng cây xanh khu vực này để hạn chế ô nhiễm, cam kết đầu tư máy móc, trang thiết bị để hạn chế tối đa tình trạng bụi bặm, tiếng ồn phát ra. “Nói là vậy nhưng mọi chuyện đều trái ngược lại. Ngày nào cũng từ chiều đến tối là chúng tôi chịu không thấu vì việc chế biến thép này gây bụi khủng khiếp. Mấy đêm khuya vừa qua, chúng tôi còn bàng hoàng khi nghe hàng loạt tiếng nổ ầm ầm” - ông Dũng nói và cho biết mong muốn của người dân thôn Vân Dương là cần được có không khí trong lành để thở. Giải pháp tận cùng, buộc phải rời bỏ mảnh đất của mình thì đi đâu, khi nào được thực hiện và trong thời gian bao lâu?

Người dân đi, nhà máy ở lại (!?)

Ngày 25.1, UBND TP. Đà Nẵng ra văn bản liên quan đến việc xử lý tình trạng ô nhiễm của 2 nhà máy thép trên địa bàn xã Hòa Liên. Theo đó, lãnh đạo Đà Nẵng cho chủ trương di dời giải tỏa các hộ dân tại khu vực xung quanh 2 nhà máy thép. Thời gian thực hiện di dời giải tỏa được phân kỳ trong 2 năm 2017 - 2018. Riêng các hộ dân nằm sát tường rào 2 nhà máy, các hộ thực sự bức xúc sẽ được chính quyền tiến hành đền bù, tái định cư, chậm nhất trong tháng 4.2017, người dân sẽ được nhận tiền đền bù để an tâm sinh sống. Đây rõ ràng là một chủ trương có lợi cho nhà máy vì người dân ở đây đã sống lâu đời, ổn định tại đây trước khi nhà máy thép đến. Tuy vậy vì quá ô nhiễm nên dân buộc phải ngậm ngùi chấp nhận.

Ông Phan Văn Minh (thôn Vân Dương 1) mọi chuyện hiện vẫn… giậm chân tại chỗ. “Người dân chúng tôi lâu nay đều sống trong tâm lý nơm nớp lo lắng vì chính quyền gần như không có bất kỳ động thái nào sau các lời cam kết về bảo vệ môi trường. Từ đầu năm đến nay, chẳng có một ngành chức năng nào đến làm công tác giải quyết cho bức xúc của người dân cả” - ông Minh nói.

Theo tìm hiểu của PV, UBND TP. Đà Nẵng đã từng giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đề xuất phương án về lâu dài di dời hai nhà máy hoặc phương án để lại hai nhà máy và chọn địa điểm các khu tái định cư để di dời, giải tỏa các hộ dân. Và UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương di dời… người dân. Liệu có thiên lệch quá không, khi “kẻ gây hại” lại nhận ưu đãi, nạn nhân là người dân đã nhiều đời sinh sống tại đây lại bị thua thiệt.

HỮU LONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/xu-ly-o-nhiem-do-nha-may-thep-dana-y-va-dana-uc-o-da-nang-dan-thua-thiet-du-duong-650568.bld