Xử lý và phòng ngừa hăm tã ở trẻ nhỏ

Hăm tã là những vết mẩn đỏ xuất hiện ở khu vực quấn tã. Trường hợp bệnh nhẹ, da có thể nổi đỏ. Trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện những vết lở gây đau. Những vết này thường thấy ở vùng háng hoặc các nếp gấp ở đùi và mông. Trường hợp nhẹ nếu được điều trị sẽ khỏi sau 3-4 ngày.

Nguyên nhân

Trong suốt nhiều năm, người ta cho rằng có rất nhiều nguyên nhân gây ra hăm tã như: mọc răng, chế độ ăn uống, a-mô-niac trong nước tiểu. Tuy nhiên, ngày nay các nhà khoa học tin rằng bệnh hăm ta có các nguyên nhân sau:

· Độ ẩm quá cao

· Xây xước hay chà xát

· Nước tiểu, phân (hoặc cả hai) tiếp xúc với da trong thời gian dài

· Nhiễm trùng do nấm

· Nhiễm khuẩn

· Dị ứng với các vật liệu của tã.

Khi bị ẩm ướt quá lâu, da sẽ mủn đi. Da ẩm cũng dễ bị tổn thương khi chà xát. Hơi ẩm trong tã bẩn dễ dàng gây hại cho da của trẻ, khiến da trầy xước, dẫn tới hăm tã.

Yếu tố thuận lợi

Hơn một nửa trẻ em 4-15 tháng tuổi bị hăm tã ít nhất một lần trong vòng 2 tháng. Hăm tã xuất hiện nhiều hơn ở:

· Trẻ lớn – chủ yếu ở độ tuổi 8-10 tháng.

· Trẻ không được vệ sinh sạch sẽ và khô ráo.

· Trẻ đi ngoài thuờng xuyên, đặc biệt là nếu tã dính phân để qua đêm.

· Trẻ bắt đầu ăn dặm.

· Trẻ phải uống thuốc kháng sinh hoặc trẻ bú mẹ mà người mẹ có sử dụng thuốc kháng sinh.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Cần gặp bác sĩ nếu:

· Mẩn đỏ không giảm đi hoặc có dấu hiệu nặng hơn sau 2-3 ngày điều trị.

· Xuất hiện các vết phồng rộp hoặc chợt loét mưng mủ.

· Bé đang dùng kháng sinh và có mẩn màu đỏ tươi với nhiều chấm đỏ ở viền ngoài. Đó có thể là nhiểm trùng do nấm.

· Bé sốt kèm nổi mẩn đỏ.

· Mẩn đỏ gây đau đớn. Bé có thể mắc căn bệnh mang tên viêm mô tế bào.

Xử trí

Khi trẻ bị hăm tã, quan trọng nhất là giữ vùng bị hăm thật sạch sẽ và khô ráo. Thay tã ướt hoặc bẩn càng sớm càng tốt. Việc này giúp làm giảm độ ẩm tích tụ trên da.

· Dùng nước và khăn mềm nhẹ nhàng rửa sạch vùng quấn tã. Chỉ khi phân khó chùi rửa mới dùng xà phòng và nước. Nếu tổn thương nặng hơn thì sử dụng loại bình có tia nước để tránh phải kỳ cọ.

· Lau khô chứ không cọ rửa. Để vùng này tự khô hoàn toàn.

· Bôi một lớp dày thuốc mỡ hoặc kem để bảo vệ (loại chứa ôxit kẽm hoặc vaseline). Những loại thuốc mỡ này thường rất đặc, dính và không cần lau sạch ở lần thay tã sau. Nên nhớ rằng việc chùi rửa mạnh sẽ làm da bé dễ bị tổn thương hơn.

· Tránh sử dụng các loại khăn giấy ướt có thể làm khô da. Chất cồn và hương liệu trong nhiều loại khăn giấy ướt có thể gây kích ứng da. Cũng có thể sử dụng bông gòn và nước ấm thay khăn giấy ướt.

· Không nên quấn tã quá chặt, đặc biệt là qua đêm. Giữ cho tã lỏng để phần ướt và bẩn trên tã không chà xát nhiều lên da. Có thể sử dụng loại tã có kích thước rộng rãi cho thông thoáng.

· Khi thời tiết ấm áp, để bé chơi mà không quấn tã giúp da bé thoáng khí, chỗ hăm chóng lành hơn. Bạn cũng có thể để bé ngủ mà không quấn tã và dùng miếng lót chống thấm đặt dưới mông bé để phân và nước tiểu không bị tràn ra giường.

· Chỉ sử dụng loại kem có chứa corticoid khi có chỉ định của bác sĩ. Các loại kem này thường ít được sử dụng và có thể gây hại cho da của bé.

Phòng ngừa

· Cách tốt nhất để phòng ngừa hăm tã là giữ cho mông bé luôn khô ráo. Thay tã thường xuyên hoặc thay ngay khi tã ướt hoặc bẩn.

· Làm vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục của bé mỗi lần thay tã.

· Lau khô chứ không kỳ cọ.

· Nếu con bạn thuộc loại dễ bị hăm, hãy bôi một lớp thuốc mỡ mỏng lên mông bé sau mỗi lần thay tã để bảo vệ da.

· Không nên sử dụng phấn rôm vì các hạt phấn sẽ gây hại cho phổi của trẻ. Nếu vẫn muốn dùng phấn thì nên dùng loại có chứa bột ngô. Rắc phấn lên tay bạn, nhớ tránh xa người bé và không bao giờ rắc trực tiếp phấn lên người hoặc gần người bé. Luôn để hộp phấn xa tầm tay của con. Khi thay tã, cần rửa sách phấn dính ở các nếp gấp trên da bé.

· Khi con bạn bắt đầu ăn dặm, chỉ nên cho bé làm quen với một loại thức ăn mới mỗi lần. Theo dõi vài ngày trước khi đưa thêm thức ăn mới. Làm vậy giúp bạn dễ dàng xác định liệu thức ăn có phải là thủ phạm gây hăm tã không. Nếu đúng vậy thì nên ngừng cho bé dùng thực phẩm này một thời gian.

· Không nên quấn tã quá chặt khiến tã không được thông thoáng, mặc đồ rộng rãi cho bé.

· Không giặt quần áo với chất tẩy rửa có mùi hương, không dùng nước xả vải. Cả hai thứ này đều có thể gây kích ứng da cho con của bạn. Sử dụng nước nóng và xả nhiều lần đối với tã của bé. Bạn có thể thêm ½ cốc dấm cho lần xả đầu để hạn chế chất kích ứng da có tính kiềm.

· Cho con bú càng lâu càng tốt. Bú mẹ giúp tăng cường sức đề kháng cho bé khỏi nhiễm khuẩn nói chung và giúp bé hạn chế phải sử dụng thuốc kháng sinh nói riêng - một trong những nguyên nhân gây hăm tã.

· Một số nghiên cứu cho thấy, ở trẻ phải dùng kháng sinh, tần suất và độ nặng của nhiễm trùng do nấm Candida giảm đáng kể nếu bé được dùng thêm probiotics (chẳng hạn sữa chua men sống).

Chọn tã vải hay tã sử dụng một lần ?

Tã thường được làm từ vải hoặc những vật liệu sử dụng một lần. Tã vải có thể giặt sạch khi bẩn và có thể sử dụng lại. Tã dùng một lần thì phải bỏ đi sau mỗi lần sử dụng. Nếu giặt tã bằng máy, bạn nên xả kỹ và ngâm trước. Không giặt chung tã bẩn với quần áo khác. Dùng nước nóng và xả gấp đôi thông thường. Không sử dụng nước xả vải hoặc sản phẩm chống tĩnh điện đối với tã vải vì có thể gây mẩn đỏ đối với da nhạy cảm.

Nghiên cứu cho thấy hăm tã ít xảy ra hơn đối với trẻ sử dụng tã dùng một lần. Mặc dù vậy, việc thay tã thường xuyên mới là điều quan trọng. Với bất kể loại tã nào, bạn cũng nên thường xuyên thay tã khi cần thiết để giữ cho da bé sạch, khô và khỏe mạnh.

Nên nhớ, không bao giờ để trẻ một mình trên bàn thay tã hoặc những nơi cao hơn mặt sàn. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thế đột ngột trở mình và rơi xuống sàn.

Anh Thư

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/xu-ly-va-phong-ngua-ham-ta-o-tre-nho