Xử lý vi phạm giao thông: Không ngoại lệ, không có vùng cấm… sẽ thắng!

'Làm quyết liệt là chúng ta thắng' - đó là thông điệp mạnh mẽ nhất được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi gắm tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ngày 19/9 vừa qua.

Cùng với đó, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết, việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Ngày 23/9/2023, các Tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) đã phối hợp với Công an 5 địa phương trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn các tỉnh: Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh kiểm soát, phát hiện, xử lý 199 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và 1 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Đáng chú ý, trong các trường hợp vi phạm có nhiều trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo (có trường hợp xuất trình thẻ nhà báo cho tổ công tác) và cán bộ công chức.

 Cà Mau đã tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi “Đã uống rượu, bia – không lái xe” thu hút gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân tham gia. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Cà Mau đã tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi “Đã uống rượu, bia – không lái xe” thu hút gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân tham gia. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Không biết tự bao giờ, đã sinh ra kiểu xin xỏ, thậm chí có thể gọi là “thói quen”, là “lệ xin xỏ” khi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, cố tình trì hoãn không ký vào biên bản xử phạt, năn nỉ xin tha, viện lý do này nọ, gọi điện thoại cầu cứu người quen… Điều nguy hiểm là thói quen ấy, cái lệ ấy, đã dần ngấm vào tư duy nhiều người (mà nếu thành thật soi lại có lẽ có cả người viết là tôi), xem đó là chuyện đương nhiên nên làm, phải làm khi vướng tình huống vi phạm giao thông.

Mà điều nguy hiểm nữa là báo chí càng nói, càng phê phán, cơ quan chức năng càng khuyến cáo, càng tuyên truyền, thì thói quen xin xỏ khi vi phạm giao thông không những không bị từ bỏ, không giảm bớt mà còn ngày càng phổ biến. Nhất là khi có những quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn, với mức phạt vi phạm tăng lên rất cao, đến mức hàng chục triệu đồng và treo bằng nhiều tháng, vấn nạn này có vẻ ngày càng phổ biến.

Sự nguy hiểm của cái lệ này, như nhìn nhận của ThS Trần Nam - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: Điều này đang gây nên những hậu quả như: Pháp luật không được thực thi triệt để, trở thành không gian mà những mối quan hệ cá nhân, xã hội chi phối theo hướng đảm bảo lợi ích nhóm thay vì lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia. Nó cũng là một biểu hiện của sự thách thức luật pháp không đáng được cổ súy trong xã hội pháp quyền.

Thêm nữa là gây khó khăn trong việc thực thi công vụ của đội ngũ thừa hành, cụ thể là CSGT. Về lâu dài nếu điều này còn tái diễn thì quyền lực nhà nước sẽ dần giảm sức mạnh, giảm đi tính nghiêm minh. Cuối cùng nó sẽ dẫn đến một nhận thức phổ biến trong người dân là: Có nhiều điều có thể chi phối pháp luật và không việc gì họ phải thượng tôn pháp luật như tinh thần mà mỗi công dân cần có.

Người xưa có câu “thuốc đắng dã tật”, thực tế việc đảm bảo trật tự an toàn, giao thông tới nay cho thấy, điều này là hoàn toàn chính xác. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau thời gian thực thi, dù vẫn còn hiện tượng xin xỏ như đã nói nhưng Nghị định 100 /2019/NĐ-CP về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông với những biện pháp áp đặt quyết liệt, đã cho thấy những hiệu quả đáng kể.

Ngay trong năm đầu được thực hiện, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có tác dụng lớn trong việc kéo giảm số vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê, năm 2020 trên cả nước đã xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, giảm sâu về cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Đây là năm đầu tiên trong thời gian dài số người bị chết vì tai nạn giao thông ở nước ta giảm xuống dưới 7.000 ca.

Thành công của Nghị định 100 /2019/NĐ-CP cho thấy văn hóa giao thông xuống cấp lâu nay, ngoài câu chuyện ý thức kém khi chấp hành pháp luật và cách ứng xử của người tham gia giao thông mà còn là ở việc thực thi pháp luật không nghiêm. Thế nên, nói như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: “Trong câu chuyện xử lý vi phạm giao thông, làm quyết liệt là chúng ta thắng”. Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông vì thực tiễn cho thấy cứ “làm quyết liệt là chúng ta thắng”.

 Kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe ôtô tại vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe ôtô tại vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Điều đáng mừng là sau Nghị định 100 /2019/NĐ-CP, sự quyết liệt ấy ngày càng được thể hiện ở mức rất cao. Thủ tướng Chính phủ từng có Công điện nhấn mạnh, vẫn còn tình trạng có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông. Cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm. Thời gian gần đây, thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã và đang kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài xử lý theo quy định, lực lượng Cảnh sát giao thông còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội chia sẻ với báo chí rằng, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, của thành phố Hà Nội, xử lý nghiêm minh, đặc biệt sẽ có văn bản gửi các cơ quan khi kiểm tra phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Đối với các trường hợp có hành động chống đối, cản trở, nếu cấu thành tội phạm, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý hình sự theo đúng quy định.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến “quy tắc hai không”: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã phát huy “sức công phá mạnh mẽ” trong công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực. Vì thế, hoàn toàn có thể tin rằng khi “quy tắc hai không”: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” tiếp tục được áp dụng nghiêm minh trong xử lý vi phạm giao thông, những nỗi đau khôn cùng do tai nạn giao thông mới có thể vơi bớt.

Thư Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xu-ly-vi-pham-giao-thong-khong-ngoai-le-khong-co-vung-cam-se-thang-post266445.html