Xử lý vi phạm qua hộp đen: Mới dừng ở nội bộ

ANTĐ - Gần 50.000 phương tiện giao thông trong diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS - hộp đen) nhưng đến nay, kỳ vọng sử dụng dữ liệu từ thiết bị này vào việc đảm bảo ATGT vẫn chưa được như mong đợi.

Vẫn chưa thể xử lý vi phạm giao thông qua hộp đen

Chưa thể xử phạt vi phạm qua hộp đen

Theo quy định, toàn bộ các xe ô tô chở khách chạy tuyến cố định, xe chở khách theo hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe chở container phải có thiết bị GPS, tổng số tại thời điểm này khoảng gần 49.000 xe. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thiết bị GPS gắn trên xe phải ghi nhận liên tục, lưu giữ 5 thông tin cơ bản về hoạt động của xe bao gồm: Tốc độ chạy xe, thời gian làm việc của lái xe, hành trình xe, số lần đóng mở cửa xe, thời gian và số lần dừng đỗ xe.

Từ 1-3-2014, dữ liệu của toàn bộ hộp đen do đơn vị lắp đặt trên các phương tiện vận tải sẽ phải truyền liên tục về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Sau đó máy chủ sẽ tiếp tục xử lý và tổng hợp thông tin. Mỗi phương tiện chạy trên đường có lắp thiết bị GPS sẽ được giám sát liên tục bằng một biểu đồ riêng, thể hiện rõ 5 thông tin trong toàn bộ thời gian thiết bị hoạt động.

Mọi thứ dù đã sẵn sàng, song theo ông Nguyễn Văn Quyền, việc xử phạt qua hộp đen vẫn chưa được áp dụng trong thời gian tới. “Hiện nay, Nghị định 171 của Chính phủ cũng đã có quy định xử phạt liên quan tới thiết bị GPS, song bước đầu, việc khai thác thông tin từ thiết bị này mới nhằm giúp doanh nghiệp vận tải quản lý lái xe, phương tiện, giúp cơ quan chức năng giám sát doanh nghiệp. Việc xử lý mới dừng lại ở phạm vi nội bộ”. Tới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ làm việc với các lực lượng chức năng để có sự phối hợp, sử dụng thông tin từ thiết bị GPS vào việc xử phạt vi phạm giao thông.

Quy định nhiều, kết quả có như mong đợi?

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT thời gian qua đã chỉ ra nhiều tồn tại liên quan đến thiết bị GPS như không trích xuất được dữ liệu, không có đầy đủ bộ phận như quy định, thiết bị GPS không đạt chuẩn… Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận: “Một số thiết bị GPS được lắp đặt trước khi Bộ GTVT ban hành quy định dù các doanh nghiệp đã có điều chỉnh nhưng không ít thiết bị vẫn trục trặc. Những trường hợp này Tổng cục sẽ đôn đốc các Sở GTVT, doanh nghiệp vận tải khắc phục, chỉnh sửa”.

Theo quy định tại Thông tư 55 của Bộ GTVT về việc quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-4-2014, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến cố định và thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến từ 1 đến 3 tháng khi: Không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị GPS. Mức phạt tương tự cũng được áp dụng với các trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GPS của toàn bộ các xe thực hiện khai thác trên tuyến trong vòng 3 tháng liên tục cho thấy có từ 5% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến, người lái vi phạm hành trình hoặc có từ 20% trở lên số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến, người lái xe vi phạm quy định về tốc độ hoặc vi phạm đón khách, trả khách không đúng nơi quy định...

Hiện, Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 91 và 93 về điều kiện kinh doanh vận tải, trong đó sẽ yêu cầu thêm các đối tượng ô tô phải lắp đặt thiết bị GPS như xe tải chở hàng từ 10 tấn trở lên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thiết bị GPS cũng chỉ như một công cụ nhằm siết chặt sự quản lý của doanh nghiệp chứ không phải chiếc “đũa thần” có thể giải quyết được mọi vấn đề. Bằng chứng là vẫn còn nhiều tồn tại đối với thiết bị này, cụ thể như, khó giám sát được lái xe có ngồi lái liên tục 4 giờ đồng hồ hay không, thời gian đóng mở cửa để đón khách dọc đường…

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/xa-hoi/xu-ly-vi-pham-qua-hop-den-moi-dung-o-noi-bo/539652.antd