Xử nghiêm cán bộ đi lễ chùa: Tội tình lễ hội

Cần phải xem xét tổng thể, yêu cầu các đơn vị báo cáo rõ có bao nhiêu cán bộ nghỉ làm, rồi xử lý tránh tình trạng phạt cho có.

Thông tin bất ngờ

Thời gian qua liên tiếp Bộ Công thương và BHXH TP Hà Nội xử lý cán bộ đi lễ chùa trong giờ hành chính, trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/2, Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết: "Chuyện đi lễ chùa vào ngày làm việc bị báo chí phát hiện và họp xem xét kỷ luật là nên làm.

Thực tế chuyện đầu xuân đi lễ chùa là một tập quán, một thủ tục của người Việt, có từ hàng ngàn năm nay, nhưng trong những năm gần đây nó biến tướng đẩy lên thành đi lễ chùa trong ngày làm việc, dùng xe công để phục vụ và việc này là vấn đề đáng phải thông tin.

Tôi còn nhớ thời tôi còn làm việc ở văn phòng quốc hội cũng có một số người rủ đi xem phát ấn ở lễ hội đền Trần - Nam Định. Tôi có hỏi người phát ấn là ai thì họ nói là ông chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh ngồi phát. Sau tôi được biết tại văn phòng quốc hội, số ĐBQH, người có chức, có quyền cũng có đi, có người không đi đều nhờ người lấy cho những lá bùa đem về Hà Nội giữ lại.

Thực ra đó cũng là niềm tin tâm linh, tôi cho rằng làm gì cũng phải nghiêm minh, công bằng, không nên khép lại một hoạt động mang màu sắc văn hóa nhưng cũng không nên làm quá nó. Còn chen lấn, xin bùa, xin ấn thì cái này thiết nghĩ nên nghiên cứu loại bỏ đi".

Xử lý cán bộ đi lễ chùa trong giờ hành chính. Ảnh minh họa

Xử lý cán bộ đi lễ chùa trong giờ hành chính. Ảnh minh họa

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý cho rằng việc đi lễ chùa sau kỳ nghỉ Tết đã thành thói quen hàng chục năm nay, từ trước tới nay vẫn như thế, nên muốn thay đổi thói quen này chưa thể kiểm soát được hết. Nó chỉ có thể thay đổi được hết khi người đứng đầu có ý thức, có kế hoạch, ở đây có đặc điểm người đầu tàu không có công việc, rảnh rỗi nên tìm việc để làm.

Giờ mà lật lại thì cần quán triệt cho những người đứng đầu nếu không quản lý được nhân viên thì xử lý, quy trách nhiệm.

Bên cạnh đó, ông Tri phân tích: "Đây chỉ là một vài hiện tượng nổi bật, báo chí phát hiện phản ánh còn hiện nay thì nó chưa thể xử lý được hết, đây chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm khổng lồ. Sau đợt xử lý này có khi họ sẽ chuyển sang không đi theo tập thể cơ quan mà đi lẻ tẻ, không nhất thiết phải đi xe cơ quan mà đi xe cá nhân".

Đồng tình, Luật sư Trần Quốc Thuận cho hay, việc xử lý nghiêm 2 trường hợp vừa qua, có thể chỉ mang tính thị uy nhưng không thực chất. Cũng như đi chùa, mấy năm trước nhiều người lấy xe công đi lễ nhưng không có ai xử lý. Năm nay, lại có vài cán bộ đi thì sinh ra xử phạt, cho nên nếu nghiêm thì phải yêu cầu các cơ quan lên danh sách để xử hết những người bỏ việc đi lễ ngày đầu năm không làm việc.

Nhưng ở đây, cách đấu tranh đang đi theo hướng "đầu voi đuôi chuột", chỉ làm biểu tượng.''

"Tôi ủng hộ phải thành lập kỷ cương, nhưng thành lập phải có nguyên tắc, bình đẳng, chứ không phải cấm đoán. Ví dụ người đi chùa thì phạt còn người đi chơi không xử, ở nhà la cà kéo dài ngày Tết, đi làm nhưng không làm thì không phạt. Theo tôi, cứ ai không làm việc tại cơ quan mà không xin phép thì xử lý hết. Mọi việc đừng chỉ mang tính thị uy, việc đó là không nên'', ông Thuận nói.

Báo chí không đưa thì sao?

Về hướng xử lý, theo ông Thuận, cần điều tra đưa ra các số liệu thống kê cụ thể, cho nên vấn đề lập lại kỷ cương thì phải công bằng, xử lý cho nghiêm, trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau. Từ các cơ quan trung ương, đến các cơ quan khoa học phải tự kiểm tra cơ quan mình, xem bao nhiều người ngày đầu năm không đến cơ quan mà không xin phép thì xử lý hết, không chỉ đi chùa mới xử. Với các đơn vị có cán bộ trốn đi lễ chùa mà không biết thì phải xem trách nhiệm bộ phận quản lý cán bộ.

"Nhà nước ta có cái tệ việc gì báo chí đưa lên thì tập trung vào xử lý, còn báo chí không đưa thì không sao. Trong khi đáng lẽ sau hai trường hợp vừa qua thì phải kiểm tra hết Bộ Công thương, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội xem bao nhiêu cán bộ như vậy, đừng trăm trăm vào nghỉ đi lễ chùa, mà quên đi những cán bộ đi chơi với người yêu, đi nhậu nhẹt, ngủ không đi làm.

Câu chuyện phải nhìn rộng ra một cách thông minh hơn, những cơ quan có cán bộ đi thì cứ quy trách nhiệm các lãnh đạo phòng ban cụ thể, họ là người quản lý trực tiếp sẽ nắm rõ số lượng. Cái gì cũng phải quy trách nhiệm người đứng đầu, để họ kiểm soát cán bộ của chính mình", ông Thuận chia sẻ thêm.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho hay, nếu thủ trưởng gương mẫu thì nhân viên sẽ noi theo, nó sẽ thành nề nếp. Thực chất, nó chỉ là mối quan hệ giữa các cơ quan Bộ ngành với địa phương, nhiều khi các tỉnh nhân dịp lễ hội tổ chức thì mời lãnh đạo lên với tỉnh.

Cho nên để chấm dứt thì quy định phân cấp, cán bộ lãnh đạo phòng ban phải chịu trách nhiệm, chịu hình phạt khi cán bộ làm sai quy định.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xu-nghiem-can-bo-di-le-chua-toi-tinh-le-hoi-3328801/