Xử nghiêm việc nâng khống giá trị tài sản bảo đảm

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hành vi cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm là hành vi nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, ngày 24/5, tội vi phạm quy định trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đã nhận được một số góp ý của đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang), Điều 206 dự thảo Luật đã sửa đổi tên thành “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và bổ sung thêm hành vi kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép.

Ảnh minh họa

Theo ông Tâm, Điều 4 Luật Các TCTD và Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước đã quy định hoạt động NH gồm nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung cấp dịch vụ thanh toán qua NH. Hơn nữa, kinh doanh vàng và ngoại hối không chỉ có NH mà còn có thể có các tổ chức kinh tế khác thực hiện, do vậy, ông đề nghị chỉ cần điều chỉnh tên điều luật là “Tội vi phạm các quy định trong hoạt động ngân hàng” là đủ. Còn đối với hành vi kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép, ông Tâm lưu ý, cân nhắc quy định bằng một danh mục riêng sau tội kinh doanh đa cấp trái phép.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó cho biết, các ý kiến đề nghị sửa tên điều luật thành “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng” để phù hợp với phạm vi quy định tại Điều này. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, tên Điều 206 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý là “Tội vi phạm quy định về hoạt động NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào Điều 206 vì hành vi này ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của các TCTD cũng như ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Ý kiến khác đề nghị không bổ sung hành vi này.

Trình bày báo cáo giải trình trước Quốc hội, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nhận thấy, hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là lĩnh vực mới, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước mới cấp phép cho khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa có đánh giá cụ thể về các trường hợp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép và hậu quả do các đối tượng này gây ra. Do đó, trước mắt chưa nên hình sự hóa loại hành vi này mà chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính là đã bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa và phù hợp với chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp.

Cũng tại Điều 206, có ý kiến đại biểu đề nghị không quy định xử lý hình sự đối với hành vi “Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi định giá để cấp tín dụng” tại điểm c khoản 1 Điều này vì Luật Các TCTD không bắt buộc TCTD chỉ cấp tín dụng khi có tài sản bảo đảm và cũng không quy định định giá tài sản bảo đảm phải cao hơn giá trị khoản cấp tín dụng. Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tiễn xử lý tội phạm về hoạt động tín dụng, NH thời gian qua cho thấy hành vi cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm trong các trường hợp quy định phải có tài sản bảo đảm là hành vi nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, Điều 206 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định xử lý hình sự đối với hành vi này trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng là phù hợp.

Theo TBNH

Nguồn ANTT: http://antt.vn/xu-nghiem-viec-nang-khong-gia-tri-tai-san-bao-dam-0127057.html