Xứ Quảng qua di sản tư liệu thế giới

Mộc bản sách 'Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên' (quyển số 22, mặt khắc 6), khắc việc vua Lê Thánh Tông đặt đạo Quảng Nam vào năm Tân Mão (1471). Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, phủ là Quảng Nam. Và tên gọi Quảng Nam cũng xuất hiện từ đây.

Mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên” về đặt đạo Quảng Nam, năm Tân Mão (1471).

NDĐT- Mộc bản sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên” (quyển số 22, mặt khắc 6), khắc việc vua Lê Thánh Tông đặt đạo Quảng Nam vào năm Tân Mão (1471). Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, phủ là Quảng Nam. Và tên gọi Quảng Nam cũng xuất hiện từ đây.

Mảnh đất Quảng Nam có lịch sử lâu đời, là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới, có đô thị cổ Hội An nằm dọc sông Thu Bồn, xưa kia là đất quận Nhật Nam… Hãy cùng chúng tôi ngược hành trình, tìm hiểu xứ Quảng qua Di sản tư liệu thế giới: tài liệu Châu bản và Mộc bản Triều Nguyễn.

Lịch sử hình thành vùng đất Quảng Nam xưa

Sách xưa ghi rằng, sau cuộc hôn nhân giữa Công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành, Chế Mân đã dâng vùng đất Châu Ô và Châu Rí cho nhà Trần, vua Trần Anh Tông cho di dân khẩn hoang, lập ấp và đổi tên thành Thuận Châu và Hóa Châu. Năm 1402, sau khi chiếm ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly đánh Chiêm Thành lấy đất Chiêm Động, Cổ Lũy đặt thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Năm 1470, năm Hồng Ðức nguyên niên, vua Lê Thánh Tông, sau trận đại thắng với Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là Trà Toàn, lấy lại Hóa Châu, gồm đất Chiêm Ðộng, Ðồ Bàn, Ðại Chiêm và Cổ Lũy lập thành đạo Quảng Nam.

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), đang bảo quản hơn 55 nghìn mặt khắc tài liệu mộc bản trên các lĩnh vực. Trong đó, mộc bản sách “Đại Nam nhất thống chí” (quyển 5, mặt khắc 1), ghi chép về vị trí địa lý của tỉnh Quảng Nam: Phía đông đến bảo Yên Sơn; phía tây giáp huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên; phía nam giáp huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi và phía bắc đến cửa ải Hải Vân. Cũng trong mộc bản sách này (tại quyển 5, mặt khắc 8), ghi chép hình thế của tỉnh Quảng Nam: phía đông có biển bao vòng, phía tây có núi che chở, phía nam liền tỉnh Quảng Ngãi, phía bắc hướng về Kinh Đô. Núi cao thì có núi Tào, núi Ấn, núi Chủ, núi Ngũ Hành. Sông lớn thì có sông Chợ Củi (Sàn Thị), sông Cẩm Lệ và sông Bến Ván (Bản Tân). Đồng ruộng rộng bằng, dân cư đông đúc.

Qua quá trình chuẩn hóa tài liệu, chị Trần Thị Minh, Trưởng phòng Tổ chức sử dụng tài liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, cho biết: Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Quảng Nam xưa, được rất nhiều tài liệu Mộc bản triều Nguyễn ghi lại, hiện đang được trung tâm tổ chức bảo quản cẩn trọng. Tại mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên” (quyển 1, mặt khắc 21), ghi chép về vùng đất này đất tốt, dân đông, sản vật giàu có (năm Nhâm Dần, 1602).

Công tác kiểm tra các bản khắc Mộc bản được ghi nhật ký cẩn thận.

Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Nam thuộc xứ Đàng Trong, chịu sự cai quản của chúa Nguyễn. Và Hội An vẫn được chúa Nguyễn chọn làm nơi giao thương với các nước trên thế giới. Mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên” cũng chép rằng, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi huyện Điện Bàn thành phủ Điện Bàn vào năm 1604; chúa Nguyễn Phúc Chu đi thăm dinh Quảng Nam, đến phố Hội An, nhận thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp nên đặt tên là cầu Lai Viễn vào năm 1719.

Giới thiệu với chúng tôi phiên bản Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đề nhất kỷ”, chị Trần Thị Minh, cho biết: Bản khắc về việc năm 1802, sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Nguyễn, vua Gia Long cho dời tỉnh lỵ Quảng Nam từ Hội An đến xã Thanh Triêm, huyện Diên Phúc (năm 1806). Còn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, khắc việc vua Minh Mệnh cho đổi huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phúc. Đến năm 1824, vua Minh Mệnh cho đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, đào hơn hai tháng thì xong, đặt tên sông Vĩnh Điện, cầu sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện. Mộc bản sách này cũng ghi chép về việc, vua Minh Mệnh cho đặt thêm huyện Quế Sơn thuộc Quảng Nam (năm 1827). Cùng năm đó, vua Minh Mệnh cho đổi dinh Quảng Nam thành trấn Quảng Nam.

Về Hội An, đô thị cổ nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Đây từng là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nhiều tài liệu Châu bản và Mộc bản ghi rằng, Hội An là cảng thị sầm uất lúc bấy giờ nên thuyền buôn của các nước hay vào đây buôn bán. Trong Bản tấu của Tuần phủ Nam - Ngãi, ghi: Một chiếc thuyền Hồng Mao (nước Anh), vượt biển từ Tân Gia Ba (Singapore) đến đậu ở vũng Trà Sơn xin buôn bán (năm 1834). Bản tấu của Bộ Hộ (ngày 10 tháng 9 năm Thiệu Trị 6 - 1864), chép việc cấp gạo cho thuyền người Thanh bị nạn ngoài cửa biển Đại Chiêm và cho đến trú tạm ở phố Hội An.

Để quản lý và củng cố vùng đất Quảng Nam trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các vua Nguyễn đã bổ nhiệm quan lại để quản lý vùng đất này như: Bản tấu của Bộ Lại năm Thành Thái 18, về việc thăng bổ Tri huyện huyện Hòa Vang. Hay Bản tư trình của Tổng đốc Nam-Ngãi về việc bổ thụ Tri huyện huyện Duy Xuyên, năm Duy Tân 5 (1911).

Danh nhân tiêu biểu ở Quảng Nam

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhân dân Quảng Nam dù liên tiếp trải qua nạn binh đao nhưng luôn thể hiện tinh thần hiếu học, điều này đã được minh chứng dưới triều Nguyễn. Từ vua Gia Long đến vua Khải Định, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tổng cộng 48 khoa thi Hương và 39 khoa thi Hội (Đình). Nho sinh Quảng Nam đã tham dự và đạt kết quả tại 42 khoa thi Hương và 22 khoa thi Đình.

Tại các kỳ thi Hương, Quảng Nam đỗ tổng cộng 254 vị cử nhân (trong đó, sáu vị đỗ thủ khoa); 15 vị đỗ Tiến sĩ và 24 vị Phó bảng. Tiêu biểu trong các nhà khoa bảng Quảng Nam đỗ đạt dưới triều Nguyễn, phải kể đến như: Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Phan Quang, Đỗ Thúc Tĩnh, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu…

Tại bản dập Mộc bản sách khắc về ba nhà Khoa bảng Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến, ghi (xin lược ý): Huỳnh Thúc Kháng là người học rộng, năm 29 tuổi ông đỗ tiến sĩ, là một trong những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Trung kỳ. Sau cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham dự nội các Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, ông được cử làm Quyền Chủ tịch nước. Cuối năm 1946, ông là Đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 21-4-1947, ông lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành.

Trưng bày, giới thiệu Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

Mộc bản sách khắc về Phan Châu Trinh, đỗ Phó bảng khoa thi năm Tân Sửu (1901). Là người đề xướng phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ từ năm 1906. Năm 1908, Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt và bị đầy ra Côn Đảo, đến năm 1911 được thả tự do và sang Pháp hoạt động. Ông tham gia hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đến năm 1925, ông về nước và tiếp tục hoạt động. Ngày 24-3-1926, ông bị bệnh nặng rồi qua đời tại Sài Gòn.

Mộc bản khắc về nhà khoa bảng nổi tiếng Phạm Phú Thứ, đỗ giải nguyên khoa thi năm Nhâm Dần (1842) và Đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Là đại thần của triều đình, ông cùng Nguyễn Trường Tộ là những người có quan điểm canh tân đất nước trong những năm cuối thế kỷ XIX. Ông giữ nhiều trọng trách trong triều đình, đến chức thượng thư bộ hộ, ông mất tại quê nhà năm 1882. Sau khi mất, với những cống hiến của ông, triều đình Huế phong tặng ông Hiệp biện đại học sĩ.

Trưởng phòng Tổ chức sử dụng tài liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Trần Thị Minh, cho biết, còn một số tài liệu Mộc bản triều Nguyễn khắc về các nhà khoa bảng, như danh sĩ cuối triều Nguyễn Phạm Liệu, Phó bảng Hồ Hằng Tánh, Phó bảng Hoàng Kim Tích (Hoàng Diệu), Phó bảng Nguyên Thuật, Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Duy Hiệu.

Hiện, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang bảo quản 34.619 tấm, với 55.320 mặt khắc tài liệu mộc bản; gồm 152 đầu sách, với 1.953 quyển, trên các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tư tưởng - triết học - tôn giáo, văn thơ và ngôn ngữ - văn tự. Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV Nguyễn Xuân Hùng cho biết: “Chính vì những tính chất quan trọng và độc đáo về nội dung, vật mang tin và phương pháp chế tác nên Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam”.

***Ngày 6-6 tới đây, tại TP Hội An (Quảng Nam), Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, phối hợp tổ chức triển lãm: “Hội An - Quảng Nam, những dấu mốc lịch sử qua Di sản tư liệu thế giới”, nhân Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI. “Triển lãm sẽ giới thiệu gần 70 hồ sơ, tài liệu, bao gồm phiên bản mộc bản, ảnh chụp, scan bản dập tài liệu mộc bản, bản scan bản gốc tài liệu Châu bản triều Nguyễn. Qua đó, giúp công chúng hiểu thêm về những giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ nói chung và Di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản Triều Nguyễn, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, hiểu hơn về đất và người xứ Quảng”, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV Nguyễn Xuân Hùng, cho biết.

MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/33064802-xu-quang-qua-di-san-tu-lieu-the-gioi.html