Xứ sở bò tót có một chính phủ thực sự sau 10 tháng bế tắc

Ngày 31-10, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Tây Ban Nha, nhà lãnh đạo theo đường lối bảo thủ, ông Mariano Rajoy, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Tây Ban Nha, chấm dứt 10 tháng bế tắc chính trị khiến quốc gia này không thể có một chính phủ thực hiện chức năng đầy đủ.

Đại diện các đảng ở Tây Ban Nha chúc mừng ông Mariano Rajoy (bên phải) vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 29-10. Ảnh: AFP

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Tây Ban Nha lần này cũng đánh dấu chiến thắng cá nhân nói riêng của ông Rajoy và khẳng định những uy tín của ông sau hàng loạt các sóng gió trên chính trường quốc gia Tây Ban Nha.

Thế bế tắc chính trị tại Tây Ban Nha đã bắt đầu từ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12-2015 do không đảng nào giành được đa số ghế trong Quốc hội. Các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới đều thất bại buộc Tây Ban Nha phải tiến hành bầu cử lần hai vào ngày 26-6, song kết quả vẫn không khác nhiều. Đảng Nhân dân (PP) của ông Rajoy giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội nhưng vẫn không chiếm đủ đa số để tự đứng ra thành lập chính phủ mới.

Thế bấp bênh về chính trị tại Tây Ban Nha kéo dài tới tận ngày 27-10. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên hôm 27-10, ông Rajoy cần một đa số ủng hộ trong Quốc hội 350 ghế, nhưng đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu lần hai, nhà lãnh đạo này chỉ cần nhiều phiếu ủng hộ hơn phiếu chống để quay trở lại quyền lực. Trong cuộc bỏ phiếu trên, ông Rajoy giành được 170 phiếu ủng hộ, 111 phiếu chống và 68 phiếu trắng từ các nghị sĩ quốc hội.

Như vậy, sau 10 tháng bế tắc, xứ sở bò tót đã có một chính phủ thực sự. Giới quan sát nhận định, ông Rajoy trở lại chức vụ thủ tướng với nhiệm kỳ 4 năm trong một hoàn cảnh chính trị rất bấp bênh: Chính phủ mới thuộc phe thiểu số, Quốc hội thì chia rẽ sâu sắc.

Theo AP, hiện nay, đảng PP của ông Rajoy vẫn đang ở vào một thế bấp bênh do đảng này nắm ít số ghế nhất tại Quốc hội so với bất kỳ đảng cầm quyền nào tại Tây Ban Nha kể từ những năm 1970. Đây chính là khó khăn lớn cho chính ông Rajoy nếu như ông muốn thông qua các quyết sách quan trọng tại quốc hội. Do vậy, ngay sau khi nhậm chức, đảng PP của ông Rajoy cho biết dự kiến sẽ thành lập một chính phủ thiểu số, sau khi giành được sự ủng hộ từ đảng Ciudadanos (Công dân) nhỏ hơn và sự hậu thuẫn ngầm từ nhiều nghị sĩ đảng Xã hội - những người đã bỏ phiếu trắng. Phát biểu sau đó, ông Rajoy thông báo sẽ công bố Nội các mới của mình vào ngày 3-11.

Cũng theo ông Rajoy, nhiệm vụ của chính phủ mới tại Tây Ban Nha trong thời gian tới là thúc đẩy các nỗ lực cải cách nền kinh tế. Theo các nhà phân tích, dù không có một chính phủ thực sự trong 10 tháng qua, kinh tế Tây Ban Nha vẫn có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 18,9% trong quý 3, so với mức 20% trong 3 tháng trước đó. Đây lại là tỷ lệ thấp nhất tại Tây Ban Nha trong vòng 6 tháng qua. Bên cạnh đó, chính phủ mới tại Tây Ban Nha cần xử lý hồ sơ đòi độc lập của xứ Catalan.

"Với những khó khăn mà chúng ta đang phải trải qua, tôi cam kết sẽ bảo vệ các lợi ích chung quốc gia. Tôi nghĩ Tây Ban Nha là một quốc gia tuyệt vời và chúng ta sẽ tiếp tục như vậy. Chúng ta có thể hợp tác và lãnh đạo đất nước cùng nhau- giống như tất cả các quốc gia châu Âu khác khi chính phủ không chiếm đa số tại Quốc hội”, Thủ tướng Rajoy tin tưởng nói.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xu-so-bo-tot-co-mot-chinh-phu-thuc-su-sau-10-thang-be-tac/