Xuân Thiêm, một người thơ đáng quý

Đọc sách “Xuân Thiêm, Thơ - văn tuyển chọn, NXB Hội Nhà văn)...

(Đọc sách “Xuân Thiêm, Thơ - văn tuyển chọn, NXB Hội Nhà văn)

Thơ - văn tuyển chọn của nhà thơ Xuân Thiêm là một cuốn sách dày, chắt lọc tinh hoa của một đời cầm bút.

Xuân Thiêm sinh năm 1926, có thơ in báo từ năm 1948 và nhiều bài thơ hay của ông đã xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước. Chẳng hạn như bài thơ Người con Vệ quốc, Xuân Thiêm viết năm 1957 mà lứa các nhà thơ thời chống Mỹ nhiều người thuộc lòng: Gặp con nào hỏi tỉnh, quê/ Chỉ biết con là Vệ quốc/ Quê mẹ hai đầu hai bốt/ Đêm đêm trăng lặn con về - Đã hai mùa chiêm gặt vội/ Bão dồn ngỡ giạt cánh chim/ Con nằm bờ tre, gốc vối/ Chắp dần đường máu về tim - Những cơn lướt sướt mưa tuôn/ Xào xạc đổ về gió bấc/ Canh dài mẹ không trọn giấc/ Hai dòng nước mắt thầm thương - Dù biết từ lâu nhà mẹ/ Có đèn soi lối đêm đêm/ Ba gian nhà tre giặc đốt/ Còn trơ hàng gạch bó thềm - Từ đó mưa phùn gió rét/ Lòng già thương xót nhiều hơn/ Mẹ cậy lên từng viên gạch/ Xây căn hầm nhỏ nuôi con… Ông có những bài thơ nhiều người cùng thế hệ rất yêu thích như Đò chiều, Vóc dáng sông Hồng, Người đan võng, Đồng đội tìm nhau, Cô gái Bạch Long Vĩ... Những lời thơ thật giản dị cứ như thầm thì với người đọc về nỗi đau và sự mất mát, thấm thía vô cùng: Sao ngủ mãi thế em/ Gối đầu lên bờ cát/ Sao chẳng nói nữa em/ Hay mải nghe sóng hát? - Sóng đẩy mặt trời lên/ Em vẫn nằm ngang đó/ Chiều tà vẫn thấy em/ Dưới gốc thông bóng ngả - Sớm, tôi đi bào ngư/ Đêm về canh giữ biển/ Em vẫn nằm đấy ư/ Lòng tôi đau ứ nghẹn... Cô gái Bạch Long Vĩ là một bài thơ kể chuyện, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá là bài thơ hay nhất trong cuộc đời thi sĩ của Xuân Thiêm.

Trong tác phẩm - đời người này, ngoài phần I - Thơ là phần II - Văn. Nhiều năm đặc trách theo dõi và chăm lo lực lượng sáng tác ở các hội văn học nghệ thuật địa phương, Xuân Thiêm có nhiều chuyến đi và nhiều cuộc tiếp xúc. Bởi thế mới có cái mảng văn - gồm những ghi chép, hồi ức, chân dung văn học và lý luận phê bình nghiên cứu. Đọc kỹ mảng viết này của ông, kẻ hậu sinh thấy được thần thái của cả một thời. Đó còn là những tư liệu quý giá về những tên tuổi của một thời như nhà thơ Cu Ba nổi tiếng thế giới Phelix Pitarodrighez, nhà văn Nguyễn Công Hoan, Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, nhà thơ Huy Cận... Những chi tiết mang tính lịch sử, được kể lại hấp dẫn như một câu chuyện. Nhân vật có ngôn ngữ và tính cách không hề mang tính phác thảo - như ông khiêm nhường đặt tên cho phần Chân dung văn học của mình. Sự tinh tế hóm hỉnh của người viết bộc lộ qua nhiều chi tiết, qua lối kể chuyện hết sức tự nhiên. Xin trích một đoạn:

“Buổi ấy người phục vụ đến phòng dọn dẹp, anh Trân nói một hồi dài với người ấy bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, vừa nói vừa chỉ tay về phía tờ lịch có hình cô gái Đức treo trên tường rồi lại chỉ về mình. Còn nữ nhân viên dọn phòng - đã đứng tuổi, thì nói tiếng Đức, càng nói càng cao giọng, một tay vỗ vỗ vào cái “của quý” của mình, đôi má đỏ ửng. Cứ thế hai người diễn tiểu phẩm bất đồng ngôn ngữ.

Nghe dưới phòng anh Trân có tiếng ồn ào, tôi rủ anh bạn phiên dịch xuống tận nơi. Thì ra... Khách muốn xin tờ lịch mang về Việt Nam làm kỷ niệm nhưng vô ý cứ chỉ tay vào hình cô gái trên lịch. Nữ nhân viên phục vụ lại tưởng rằng ông bạn muốn “tỉnh tình tinh” với mình nhưng ngặt nỗi đang thấy kinh không thể chiều ông bạn Việt Nam được.

Bà ta còn nói: Việt Nam có chiến tranh, khổ quá nên bà ấy chẳng tiếc Việt Nam cái gì.

Nghe tôi kể lại, bác Hoan không trách cứ còn nói đùa: Tiếc cho lão Trân, suýt nữa thì vớ bở”. (Bác Nguyễn Công Hoan, một tấm lòng nhân hậu).

Người làm thơ thì yêu thơ là điều dễ hiểu. Nhưng để có thể yêu và trọng các bạn thơ, hơn nữa còn miệt mài chăm sóc để góp phần nâng đôi cánh thơ cho các bạn thơ thế hệ sau thì không phải ai cũng làm được như Xuân Thiêm. Hà Nội có 2 số nhà nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ là “nhà số 4” phố Lý Nam Đế, địa chỉ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi mà nhà thơ Xuân Quỳnh gọi là trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn - và số 51 Trần Hưng Đạo - Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, thì Xuân Thiêm đã bám trụ cả hai, từ sau 1954 cho đến khi ông về hưu 1994. Ông đã được nhà văn Nguyên Hồng gọi là “người thủ từ nghiêm cẩn và rất đáng tin cậy”. Còn thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành từ tạp chí Văn nghệ Quân đội thì rất nhớ công một nhà thơ đàn anh luôn phát hiện, liên hệ, tạo điều kiện, thậm chí can thiệp để họ được sáng tác, được dự các lớp bồi dưỡng tài năng. Trong đó có những cái tên như Đỗ Chu, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Duy Khán, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Thị Như Trang, Vương Trọng...

Nhập cư nhà số 4 (người đứng cao: nhà văn Từ Bích Hoàng. Từ trái qua: nhà thơ Phác Văn, dịch giả Doãn Trung, nhà thơ Xuân Thiêm, nhà văn Bùi Mộng Lục, nhà văn Hà Mâu Nhai, họa sĩ Huy Toàn, văn thư Chị Định, nhà văn Xuân Thiều, nhà thơ Hồ Khải Đại).

Năm nay, nhà thơ Xuân Thiêm đã ở cái tuổi xưa nay... rất hiếm nhưng ông vẫn minh mẫn. Vẫn là ông, trong những sự yêu trọng các bạn viết, trong bức thư “gửi bạn thơ Trần Sĩ Tuấn”, ông tâm sự: “Tôi đã có tập thơ của bạn, tập Từ đá vắt ra, và đã đọc kỹ từ năm 2007, 10 năm sau mới có thư này gửi tới bạn... Xin mừng nhà thơ, bận thế mà vẫn viết được thơ - và có nhiều bài thơ đọng lại được trong lòng người đọc và bạn cùng nghề”. Cũng trong bức thư này, ông kể: “Gần đây, tôi có viết trở lại. Cũng nhúc nhắc cho đỡ nhớ nghiệp, nhớ bạn cùng nghề chữ nghĩa. Tôi đọc Sức khỏe & Đời sống khá đều do các con, cháu làm nghề y chuyển cho. Điều rất vui là tờ báo đã hút được khá nhiều bạn văn cộng tác (những tên tuổi rất quen thuộc như Hữu Ngọc, Trần Đăng Khoa, Trần Nhuận Minh, Anh Ngọc...)”.

Thành Phương

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/xuan-thiem-mot-nguoi-tho-dang-quy-n131776.html