Xuất hiện vùng áp thấp giữa Biển Đông

ND - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện nay, một vùng áp thấp trên dải hội tụ nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực giữa Biển Đông. Hồi 13 giờ ngày 15-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12-13 độ vĩ bắc, 115 - 116 độ kinh đông và đang di chuyển về phía tây với tốc độ khoảng 20 - 25 km/giờ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp khu vực giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có mưa rào và dông, trong cơn dông cần đề phòng có tố, lốc và gió giật mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp với đới gió đông tầng cao nên khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên hôm nay (16-10) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng. * Đoàn công tác của Cục Thủy lợi vừa đi kiểm tra, chỉ đạo khôi phục hệ thống kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, các công trình thủy lợi bị hư hỏng do ảnh hưởng của mưa bão số 9. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của địa phương, ước tính tổng giá trị thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra cho ngành thủy lợi lên tới hơn 1.300 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là Kon Tum với hơn 563 tỷ đồng, tiếp đến là Quảng Ngãi hơn 500 tỷ đồng, Quảng Trị với hơn 127 tỷ đồng, Đà Nẵng hơn 74 tỷ đồng, Thừa Thiên-Huế hơn 34 tỷ đồng... Hơn 1.400 công trình thủy lợi kiên cố, bán kiên cố bị hư hỏng; gần 400 công trình thủy lợi nhỏ, tạm bị vỡ, trôi; hơn 280 công trình trên kênh bị hư hỏng; hơn 60 trạm bơm và trạm thủy lợi bị ngập nước; khoảng 320 công trình cấp nước sạch nhỏ bị hư hỏng... Cục Thủy lợi đề nghị các ban, ngành liên quan tập trung khắc phục, hỗ trợ, nhanh chóng ổn định đời sống sản xuất nhân dân trong vùng bị thiệt hại nặng; kiểm tra các tuyến đập để đắp áp trúc những vị trí bị sạt lở, kiểm tra các cống lấy nước, tràn xả lũ để xử lý ngay những hư hỏng; đồng thời đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ hỗ trợ tiền điện, dầu bơm tiêu úng và kinh phí khắc phục công trình phục vụ đời sống và sản xuất cho địa phương. * Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, sau khi đi vào vùng bờ biển Hải Phòng - Ninh Bình, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), bão số 10 đã làm một người bị thương và 64 tàu chìm; 80 nhà bị tốc mái (Hải Phòng 70 nhà, Quảng Ninh 10 nhà). * Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, mặc dù việc tiếp cận để cứu hộ các thuyền trên biển gặp rất nhiều khó khăn do gió to, sóng lớn, nhưng hai thuyền của ngư dân Thái Bình (có 17 người) do gặp sự cố bị mắc kẹt trên biển đã được tàu của Đồn Biên phòng 64 (Cảng Diêm Điền, Thái Thụy) cứu hộ đưa vào nơi an toàn. Một thuyền của ngư dân xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy đi thu mua hải sản đang trên đường trở về chạy tránh bão cũng bị sóng đánh chìm, nhưng không thiệt hại về người. * Do ảnh hưởng mưa của bão số 10, trong 1 - 2 ngày tới, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) biến đổi chậm. Đến ngày 18-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4 m (dưới báo động 3 là 0,2 m); tại Châu Đốc 3,45 m (dưới báo động 3 là 0,05 m); các trạm chính vùng ĐTM và TGLX dao động ở mức báo động 2, báo động 3. * Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ 16 đến 19-10, mực nước đỉnh triều cường tại hạ lưu sông Sài Gòn và Đồng Nai sẽ lên mức cao. Ban chỉ huy PCLB thành phố đã chỉ đạo các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... có nhiều điểm xung yếu cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống lụt bão, chống sạt lở bờ sông tiêu thoát nước; chủ động kiểm tra các đoạn bờ bao thấp yếu, có nguy cơ bị bể bờ; tập kết vật tư, nhân lực để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đồng thời kiến nghị các công ty thủy điện Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng hạn chế lưu lượng xả tràn vào thời kỳ triều cường để giảm thiểu ngập úng. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc ứng vốn cho một số địa phương xử lý công trình đê, kè cấp bách phòng, chống lụt bão, giao Bộ Tài chính ứng trước kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 số tiền 460 tỷ đồng cho bốn tỉnh để xử lý công trình đê, kè cấp bách phòng, chống lụt bão đang đầu tư dở dang. Cụ thể: Tỉnh Lào Cai 80 tỷ đồng để đầu tư Dự án kè bảo vệ hai bờ sông Hồng, TP Lào Cai; tỉnh Phú Thọ 30 tỷ đồng để đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp và gia cố tuyến đê tả sông Thao Km80 + 100 - Km98+600; tỉnh Ninh Bình 200 tỷ đồng để đầu tư Dự án nạo vét, mở rộng kết hợp nâng cấp đê sông Bến Đang và tỉnh Hậu Giang 150 tỷ đồng để đầu tư Kè kênh Xáng Xà No giai đoạn 2. UBND các tỉnh nói trên xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ trong nội bộ tỉnh từ các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai được cho các dự án có khả năng thực hiện vượt tiến độ; quản lý, sử dụng khoản kinh phí hỗ trợ trên đúng mục đích, bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, an toàn phòng, chống lụt, bão. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trích 190 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương năm 2009 để hỗ trợ xử lý các dự án cấp bách, phục vụ phòng, chống lụt bão, phân bổ cụ thể như sau: Dự án kè bảo vệ bờ sông Gâm khu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, khu vực thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang 60 tỷ đồng; Dự án chống sạt lở, tu bổ tuyến đê tả sông Đáy từ K 88 đến Km137+516, tỉnh Hà Nam 50 tỷ đồng; Dự án kè sông Cổ Chiên, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long 60 tỷ đồng; Dự án kè, đường phía Đông sông Nhật Lệ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình 20 tỷ đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159296&sub=127&top=39