Xuất khẩu chè Việt: Khối lượng đứng cao, giá trị xếp thấp

Năm 2016, tuy đứng thứ 5 trong danh sách những nước xuất khẩu chè nhiều nhất thế giới song giá bán của Việt Nam chỉ bằng 60 – 70% so với mặt bằng giá chung của các quốc gia khác.

Nguyên nhân nào khiến cho ngành chè Việt Nam rơi vào tình cảnh này?

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 vừa được Bộ Công Thương công bố, khối lượng xuất khẩu chè năm 2016 đạt 131 nghìn tấn, kim ngạch 217 triệu USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 2,1% về trị giá so với năm 2015. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2016 đạt 1.659 USD/tấn, giảm 2,8% so với năm 2015.

Cũng trong năm 2016, Việt Nam được xếp thứ 5 trong danh sách những quốc gia xuất khẩu chè nhiều nhất thế giới nhưng thị phần tại những nước nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ thấp so với các đối thủ cạnh tranh. Kèm với đó, giá chè xuất khẩu của Việt Nam luôn bị trả rẻ nhất, chỉ bằng 60 – 70% giá chung của thế giới.

Thua về giá và thị phần

Về thị trường xuất khẩu, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2016, chè xuất khẩu sang Pakistan (thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36,2%), tăng 7% về khối lượng nhưng giảm 4% về kim ngạch so với năm 2015.

Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu chè tăng mạnh là Ấn Độ tăng gấp hơn 10 lần, Trung Quốc tăng 122,6%, Indonesia tăng 46,2%, Malaysia tăng 41,4% và Philippines tăng 51,5%.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, các nước Trung Quốc, Kenya, Ấn Độ và Sri Lanka hiện chiếm gần 70% nguồn cung chè trên thế giới, chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã đóng góp hơn một nửa sản lượng chè toàn cầu, còn lại là một số nước sản xuất chè lớn khác gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Đặc biệt, báo cáo trên chỉ rõ, Việt Nam là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Sri Lanka, song thị phần chè của Việt Nam tại các nước nhập khẩu chiếm tỷ lệ khá thấp so với các đối thủ cạnh tranh (chẳng hạn như tại Pakistan, Việt Nam chỉ chiếm 17,8% thị phần, trong khi Kenya chiếm đến 65% thị phần).

Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chè của Việt Nam chưa cạnh tranh được về chủng loại, chất lượng, mẫu mã.

Trước đó, đánh giá về thị phần của chè Việt Nam trên thế giới, Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng thị phần xuất khẩu chè của Việt Nam vào các nước phát triển còn khá thấp do rất ít DN đạt được tiêu chuẩn của các nước đề ra, đồng thời đa phần chè xuất khẩu của Việt Nam đều dưới dạng thô, chưa có thương hiệu.

Bộ Công Thương cho biết năm 2016, giá xuất khẩu chè của Việt Nam chỉ bằng 60 – 70% giá chè thế giới trong khi thị trường chưa ổn định.

Phân tích lý do ngành chè thua thiệt trên thị trường thế giới, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới (chuyên xuất khẩu chè), cho biết, ngành chè hiện nay khó thâm nhập được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) trước hết vì vướng những “tai tiếng” về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Ông Tuân cho biết, riêng với ngành chè hiện nay, có thể thấy bất kỳ ai cũng sản xuất được chè, không có kiểm soát nên người sản xuất mang tâm lý vẫn bán được hàng, bởi không ai hỏi hay thắc mắc mà cần tới những tiêu chuẩn “rườm rà”. Trong khi với thuốc BVTV, chúng ta quản lý vô cùng lỏng lẻo, mua bán dễ dàng, nhập lậu qua biên giới càng dễ hơn. Người trồng chè sẵn sàng mua ngay thuốc cực độc dùng cho lúa về phun thẳng vào lá chè khi thấy chè có sâu, dẫn tới việc tồn dư hóa chất độc hại.

Theo Bộ NN&PTNT, kết quả điều tra cho thấy 49% nông dân các vùng trồng chè được hỏi sử dụng thuốc với nồng độ cao hơn hướng dẫn, 64% nông dân sử dụng hỗn hợp hai loại thuốc khi phun và 14% nông dân trộn ba loại thuốc khi phun trong khi bà con không hề biết việc phối trộn này sẽ làm tăng nồng độ thuốc lên rất nhiều lần; gần 50% nông dân phun hơn 7 lần/vụ, có hộ phun tới 4 lần/tháng.

Tại Pakistan, chè Việt chỉ chiếm 17,8% thị phần, trong khi Kenya (đối thủ cạnh tranh với Việt Nam) chiếm đến 65% thị phần

Xuất khẩu theo “phong trào”

Theo ông Tuân, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức trong xuất khẩu. “Tôi có cảm giác thời gian qua, chúng ta sục sôi xuất khẩu quá, xuất khẩu càng nhiều càng tốt nhưng đây có lẽ là tư duy sai, vì nếu chúng khắc sản phẩm của chúng ta được xuất đi với tư thế khác hẳn”, ông Tuân nói.

Ngoài ra, vị đại diện doanh nghiệp (DN) này cũng cho biết, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác, ông nhận thấy cơ quan quản lý vẫn chú trọng đến hàng rào thuế quan nhiều hơn là chỉ tiêu kỹ thuật.

“Chúng tôi đi đàm phán với tư cách DN, Hiệp hội không thể đàm phán được vì không có vai trò của Nhà nước. Do đó, nếu bỏ hàng rào thuế quan nhưng cứ dựng hàng rào kỹ thuật không phải là cách hay.

Cái cần vẫn là tham vấn ý kiến DN, hộ nông dân trước các tiêu chuẩn đưa ra trong hiệp định, từ đó chè Việt mới có thể đáp ứng được những yêu cầu này”, ông Tuân góp ý.

Hiện nay, theo Bộ Công Thương, chè được trồng ở 34 tỉnh, thành trên cả nước với diện tích khoảng 133.300ha, thu hút gần 3 triệu lao động tham gia, trong đó diện tích chè đang cho thu hoạch là 113.000ha, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/ha.

Trong năm 2016, tổng sản lượng chè lá đạt 875.000 tấn, tương đương 175.000 tấn nguyên liệu chè khô, với chè xanh chiếm 40% tổng sản lượng, chè đen chiếm 50% và 10% là các loại chè khác.

Ngoài ra, bên cạnh vấn đề tồn dư hóa chất độc hại, ngành sản xuất chè đang gặp phải nhiều khó khăn do hàng nghìn hộ vẫn sản xuất, chế biến chè xanh và chè đặc sản nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống. Vẫn còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ tự phát không theo quy hoạch với công nghệ chắp vá lạc hậu. Trong khi đó, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu vẫn từ các giống có chất lượng thấp với quy mô sản xuất nhỏ và kém bền vững, bình quân khoảng 0,2 ha/hộ.

Trước thực trạng này, khi đánh giá về vai trò của Hiệp hội Chè hiện nay, Ts. Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, thừa nhận thực tế Hiệp hội chưa phát huy được hết năng lực của mình.

Ông Tài phân trần: “Hiệp hội đã và đang từng bước làm thay những chức năng mà các cơ quan Nhà nước trước đây đảm nhiệm cả về kinh tế, kỹ thuật và tổ chức. Nhưng Nhà nước chỉ mới tạo điều kiện về tinh thần, chưa tạo điều kiện về vật chất cho Hiệp hội hoạt động”.

Vì vậy, để đưa chè Việt vươn xa hơn nữa ra thị trường thế giới, Bộ NN&PTNT cho rằng trước hết, các địa phương cần quy hoạch sản xuất chè gắn với lợi thế vùng sinh thái, vùng nguyên liệu và thị trường để quản lý chất lượng, phát triển bền vững ngành chè.

Đồng thời, cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó, Nhà nước cần đứng ra phân vùng nguyên liệu để các nhà máy có trách nhiệm với nông dân, còn nông dân gắn bó với nhà máy, cung ứng đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn.

PGs.Ts. Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp

Thống kê cho thấy, khoảng 80% chè sản xuất trong nước được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được tồn dư hóa chất độc hại trên sản phẩm. Vì vậy, để hạn chế điều này, cần thực hiện phương thức quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm giúp cây chè phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Công Nông - Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang

Hiện nay, sản xuất chè vẫn chưa xây dựng được chuỗi từ liên kết, thu mua, chế biến đến bao tiêu sản phẩm. Thực tế, diện tích trồng chè trên địa bản tỉnh Tuyên Quang hiện nay vẫn manh mún, nhỏ lẻ, nên việc hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất chè bền vững gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, trình độ thâm canh của người sản xuất chưa cao, dẫn tới năng suất thấp.

Ông Đoàn Anh Tuân - Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới

Không riêng ngành chè, cả các ngành khác của Việt Nam cũng cần phải quyết liệt quản lý vấn đề chất lượng sản phẩm, có giấy chứng nhận mới xuất khẩu. Đối với chuyện hàng xuất khẩu bị trả về, Việt Nam cần kiểm tra chặt hàng của DN, cơ sở sản xuất nào, nếu tốt mới cho xuất khẩu lại, không để xuất khẩu tràn lan.

Nguồn Thời Báo Kinh Doanh

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/xuat-khau-che-viet-khoi-luong-dung-cao-gia-tri-xep-thap_n21430.html