Xuất khẩu được lợi khi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Khi Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam giúp Việt Nam sẽ có lợi thế hơn nhiều trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp... đối với hàng hóa xuất khẩu.

Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều lợi ích cho hàng hóa xuất khẩu.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa tổ chức phiên điều trần liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tham gia phiên điều trần có đại diện Chính phủ Việt Nam, như: Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và một số bên liên quan đến vụ việc.

Sự kiện Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại phiên điều trần này, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường. Nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.

Tới nay, có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản… Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.

Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 nước, tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Hiện tại, Mỹ xem Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác là các nền kinh tế phi thị trường, phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.

Vấn đề kinh tế thị trường là một trong những nội dung quan trọng mà hai quốc gia quan tâm và đã được đưa vào tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2022 đạt 110 tỷ USD, còn năm ngoái, chịu nhiều ảnh hưởng từ "sức khỏe" kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ còn 97 tỷ USD.

Đà phục hồi xuất khẩu sang Mỹ đang khá tích cực khi 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 34 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 21,6%).

Bộ Công thương khẳng định, khi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, xuất khẩu của nước ta sẽ được hưởng nhiều lợi ích.

Đặc biệt đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc công nhận này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam, trong khi hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường thường phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.

Chẳng hạn, Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ đã gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi thuế áp với tôm từ Thái Lan (đã được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường) chỉ ở mức 5,34%.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, cuối tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo chính thức khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam.

Ngay sau đó, Cục Phòng vệ thương mại đã báo cáo Bộ trưởng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1335/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thúc đẩy công tác đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại”.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó, nhiều loai hàng hóa của nước ta đã bị thị trường này khởi kiện nhiều vụ việc liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường, và không ngạc nhiên khi Mỹ là quốc gia khởi kiện hàng Việt nhiều nhất, lên tới 59 vụ việc, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng Việt.

Các mặt hàng bị điều tra đa dạng gồm các sản phẩm như nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm, sợi...

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vcosa), nếu Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giảm thiểu được các rủi ro trong vụ kiện chống bán phá giá. Từ trước đến nay, xuất khẩu xơ sợi của nước ta đối mặt với không ít rào cản, khi Mỹ khởi xướng điều tra nhiều vụ việc và áp thuế khiến các doanh nghiệp khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu với các quốc gia khác.

Hàng năm, Mỹ nhập từ Việt Nam một lượng lớn hàng hóa, từ hàng điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị đến nông thủy sản...Và trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, quy chế kinh tế thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phía Mỹ quyết định mức thuế áp với hàng hóa Việt Nam.

Việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.
Theo đó, hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-duoc-loi-khi-my-cong-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong-d214834.html