Xuất khẩu gạo tháng Hai tăng cả về số lượng và giá

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tháng 2/2014 đạt 330.501 tấn, trị giá FOB 147,082 triệu USD, trị giá CIF 160,366 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 445,03 USD/tấn.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Như vậy, so với tháng Một, số lượng tăng 7,57%, trị giá FOB tăng 15,31%, trị giá CIF tăng 4,03%, giá bình quân tăng 29,89 USD/tấn.

Lũy kế xuất khẩu đến ngày 28/2, số lượng đạt 637.756 tấn, trị giá FOB 274,636 triệu USD, trị giá CIF 314,521 triệu USD, giá bình quân FOB 430,63 USD/tấn.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2013, số lượng giảm 13,53% và giá bình quân giảm 14,2 USD/tấn.

VFA dự kiến số lượng xuất khẩu trong tháng Ba là 500.000-550.000 tấn.

Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu tháng Hai đạt kế hoạch đề ra và cao hơn tháng Một mặc dù có những ngày nghỉ Tết.

Kế hoạch đạt chủ yếu nhờ vào các đợt giao hàng đi Philippines chiếm 49%, đồng thời giao hàng đi Trung Quốc và châu Phi cũng tăng đáng kể so với tháng Một, chiếm 28,3% và 7,94%.

Mặc dù vậy, sau một thời gian giá xuất khẩu ở mức cao, đến tháng Hai giá gạo xuất khẩu giao dịch loại 5% giảm từ 405 USD/tấn vào đầu tháng, còn 380 USD/tấn vào cuối tháng, trở lại giá thấp nhất trong các nguồn cung cấp ở châu Á.

Với mức độ xuất khẩu có chiều hướng tăng, giá lúa gạo trong nước ổn định trong tháng Hai và vẫn ở mức cao nhưng dự báo sẽ giảm sau khi kết thúc giao hàng Philippines và vào thu hoạch rộ trong vài tuần tới.

Vụ Đông Xuân 2013-2014, giá thành lúa bình quân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Tài chính công bố là 3.769 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lúa khô tại ruộng ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tháng Hai ở mức lúa hạt dài bình quân 5.777 đồng/kg; lúa thường 5.398 đồng/kg. Giá lúa khô tại kho doanh nghiệp ở mức: lúa hạt dài 5.959 đồng/kg; lúa thường 5.568 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao tại mạn tàu (loại 5% tấm) bình quân là 8.305 đồng/kg.

Phân tích của các chuyên gia nông nghiệp cho thấy, trong quý 1/2014, Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh của Thái Lan đối với tất cả các chủng loại gạo vì không có thị trường gạo đặc thù như Ấn Độ và Pakistan và phải xuất khẩu với số lượng lớn, nên sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu Thái Lan bán phá giá trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc góp phần tiêu thụ lúa gạo và giữ giá trong nước ổn định.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ Đông Xuân 2013-2014, tổng diện tích xuống giống lúa của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.604.112ha, dự kiến năng suất 6,83 tấn/ha, sản lượng 10.951.003 tấn, lượng gạo hàng hóa xuất khẩu 4.275.501 tấn.

Tính đến ngày 5/3, các địa phương đã thu hoạch được khoảng 520.000ha, năng suất khoảng 6,5-6,6 tấn/ha, sản lượng 3,4 triệu tấn lúa.

Theo kế hoạch, các địa phương sẽ thu hoạch tập trung vào tháng 3-4 với diện tích khoảng 1,1 triệu ha, đạt sản lượng khoảng 7,5 triệu tấn lúa.

Theo VFA, hiện nay nông dân đã bắt đầu thu hoạch rộ vụ Đông Xuân nhưng giá lúa gạo vẫn còn ở mức cao do các doanh nghiệp đang tập trung thực hiện hợp đồng với Philippines, kết thúc chậm nhất vào ngày 15/3/2014, ngoài ra xuất khẩu biên giới cũng tăng mạnh sau khi nghỉ tết nên rút hàng.

Tuy nhiên, dự báo sau khi kết thúc hợp đồng Philippines và thu hoạch rộ trong tháng Ba, nguồn cung cấp dư thừa trong khi giá gạo thế giới sút giảm do Thái Lan xả hàng, nên giá lúa gạo trong nước sẽ giảm mạnh nếu không có biện pháp bình ổn./.

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-gao-thang-hai-tang-ca-ve-so-luong-va-gia/247075.vnp