Xuất khẩu rau quả bứt phá

(BVPL) - Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng vừa qua, giá trị rau quả xuất khẩu ước đạt hơn 1,6 tỷ USD tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng trưởng này, rau quả vẫn đang là một trong những mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất về giá trị xuất khẩu. Để rau, trái cây Việt Nam vươn xa, khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế, đây không chỉ là mong muốn mà còn là thách thức rất lớn đối với ngành sản xuất trong nước.

Cũng như năm ngoái, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: cà phê, điều, gạo đều có mức tăng trưởng xuất khẩu dưới 20%, thậm chí một số mặt hàng tăng trưởng âm về giá trị xuất khẩu như tiêu, sắn, thì rau, hoa quả vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng là 41,4%. Nhiều chuyên gia cho rằng, với đà tăng trưởng như hiện nay xuất khẩu rau quả cả năm nay hoàn toàn có thể vượt mốc 3 tỷ USD mà Bộ Công thương đề ra.

Rau quả vẫn giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng 41,4%.

Từ đầu năm đến nay, phần lớn các thị trường của rau quả Việt Nam đều có sự tăng trưởng. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất và đạt mức tăng trưởng trên 50%, tiếp đó là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan đều đạt mức tăng trưởng khá tốt. Đến thời điểm này thanh long vẫn là trái cây xuất khẩu số 1 của chúng ta khi đang chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu trái cây. Tháng 7 và tháng 8 này đang là chính vụ thanh long với năng suất và chất lượng trái được đánh giá là tương đối cao.

Tại miền Bắc, mặc dù năm nay mất mùa đến 70% nhưng vải thiều vẫn đang là mặt hàng xuất khẩu được nhiều thị trường ưa chuộng. Chậm chững những bước đi đầu tiên vào thị trường Mỹ, Úc trong năm 2016, đến năm nay vải thiều Việt Nam đã có một chỗ đứng vững chắc tại thị trường khó tính này. Vừa qua, vải thiều Việt Nam chính thức chinh phục được một thị trường mới là Thái Lan, khi lô vải đầu tiên đã được xuất khẩu sang nước này vào cuối tháng 6.

Việc một số loại trái cây đang có nhiều khả năng được phép xuất khẩu vào các thị trường khó tính trong nửa cuối năm nay, cũng làm tăng thêm cơ hội cho xuất khẩu trái cây nói riêng, rau quả nói chung. Như tại Mỹ, nhiều khả năng cuối năm nay, trái xoài Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, các thị trường khó tính khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc… cũng đang tiếp tục xem xét mở cửa đối với một số loại trái cây Việt Nam.

Việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới đã mở đường cho rất nhiều nông sản của chúng ta vươn ra những thị trường lớn và quan trọng hơn là đã thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ manh mún nhỏ lẻ đã biết liên kết vào sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tín hiệu vui nữa của xuất khẩu rau, trái cây trong năm nay đó chính là số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng vọt so với những năm trước. Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty xuất khẩu nông sản Vũ Đào cho biết, khi trái cây của chúng ta đã xây dựng được thương hiệu và vào được những thị trường khó tính như Mỹ, Úc đây rõ ràng là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi quốc tế. “Thực ra sản phẩm mới nói lên được bước định hình ban đầu bởi còn rất nhiều khâu, từ khâu bảo quản, khâu chế biến, khâu chiếu xạ, đóng gói, vận tải. Đây là cả một quy trình khắt khe để đảm bảo trong quá trình lưu thông sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thị trường nước ngoài”.

Việt Nam là nước nhiệt đới với rất nhiều loại rau quả đặc sản được thị trường ưa chuộng. Về thị trường, thông thường, trong những tháng cuối năm, nhìn chung các thị trường khó tính có nhu cầu nhập khẩu trái cây nhiệt đới cao hơn so với 6 tháng đầu năm nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong các dịp lễ hội như Giáng sinh, đón năm mới… Trong khi, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng rất mạnh, qua đó giúp cho xuất khẩu rau quả đạt tới gần 1,7 tỷ USD. Dự đoán xuất khẩu 6 tháng cuối năm, con số hơn 1,3 tỷ USD hoàn toàn trong tầm tay để cả năm vượt mốc 3 tỷ USD.

PV

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/thi-truong/201707/xuat-khau-rau-qua-but-pha-2563022/