Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: Bộn bề khó khăn

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị, giải quyết tình trạng cung vượt cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn bộn bề khó khăn do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát dịch bệnh…

Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang một số thị trường như: Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11 nghìn tấn và 5 tháng đầu năm 2017 là 10,6 nghìn tấn, thu về 46 triệu USD. Do sản phẩm luôn bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên không có lô hàng nào bị trả về. Thịt lợn Việt Nam đã tạo được uy tín trên thị trường. Đối với sản phẩm gia cầm có 2 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản; 5 cơ sở xuất khẩu các sản phẩm trứng như trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp sang một số thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản…

Theo Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Trong nước hiện có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh như Dabaco, CP, DK... Giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp đang tiệm cận với giá thành của các nước tiên tiến trên thế giới.

Ngoài những doanh nghiệp lớn, hầu hết cơ sở chăn nuôi đều nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh; cơ sở giết mổ công nghiệp hầu hết không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh… dẫn tới việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam gặp vô vàn khó khăn. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết, mọi xúc tiến thương mại đều vô nghĩa nếu cơ quan thú y hai nước thiếu sự hợp tác quốc tế.

Còn theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Tuy không để xảy ra dịch bệnh bùng phát trên đàn lợn, đàn gà, nhưng năm nào cũng xuất hiện các bệnh như cúm, lở mồm long móng, tai xanh ở một vài nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là rào cản lớn đòi hỏi ngành chăn nuôi cần nhìn nhận đúng để tái cấu trúc hướng tới xuất khẩu. Đồng tình quan điểm trên, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ dẫn tới việc chưa hình thành được vành đai an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi tập trung. Bởi theo quy định cần có bán kính 1km mới bảo đảm an toàn khi có dịch bệnh.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi đang thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, nhất là rào cản kỹ thuật liên quan, do đó cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh trao đổi thông tin. Thứ trưởng gợi ý: Trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất sản phẩm đã qua chế biến và liên kết, đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất hiện đại, có kho trữ đông đạt chuẩn quốc tế. Đối với xuất khẩu động vật sống, trước mắt, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh...

Đề xuất giải pháp căn cơ hơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Các địa phương cần bố trí nguồn lực, kinh phí cho ngành Thú y thực hiện các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật. Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Mục tiêu, năm 2017 hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và từ năm 2018 tiếp tục mở rộng sang thị trường Châu Á, Châu Âu. Đối với thịt lợn, dự kiến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến xuất sang Đông Nam Á, Châu Á, Châu Âu…

Sơn Tùng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/871640/xuat-khau-san-pham-chan-nuoi-bon-be-kho-khan