Xuất khẩu vắc xin: Bước tiến đầy ngưỡng mộ của ngành Y tế Việt Nam

Năm 2015 đánh dấu mốc quan trọng trong ngành sản xuất vắc xin của Việt Nam: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam.

Hình ảnh nghiên cứu và sản xuất vắc xin tại VABIOTECH

Tự hào vắc xin Việt Nam

Việt Nam được chứng nhận NRA đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học trong lĩnh vực vắc-xin. Cho đến nay, Việt Nam tự hào bước vào top 1 trong 25 quốc gia sản xuất vắc-xin. Số lượng vắc xin mà 25 quốc gia này sản xuất chiếm 90% doanh số của toàn cầu. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cơ hội để vắc xin Việt Nam phát triển đã rộng mở.

Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam chia sẻ về sự kiện Việt Nam được trao chứng nhận NRA rằng: “Chúng ta rất tự hào, nếu các bạn nhìn thấy, phần lớn những chỉ tiêu đánh giá của các tổ chức thế giới về các mặt kinh tế, xã hội của Việt Nam thường đứng từ 70 đến 90 trong các nước thì con số 37 hết sức có ý nghĩa (Việt Nam là nước thứ 37 được WHO công nhận có chứng chỉ quốc gia về quản lý vắc xin - PV).

Nó không chỉ thể hiện sự làm việc nghiêm túc của cả hệ thống quản lý của Ngành y tế mà còn là công sức của rất nhiều nhà khoa học được thể hiện, kiểm nghiệm bằng việc chúng ta tự sản xuất được 10/12 loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đây là nỗ lực không chỉ của 14 năm liên tục, mà quá trình này còn được kế thừa từ nhiều công sức và tâm sức của rất nhiều nhà khoa học, trong đó có những người đã ra đi”.

Việc vắc xin Việt Nam đạt được tiêu chuẩn NRA có ý nghĩa lớn trong bối cảnh các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội để vắc xin của Việt Nam không chỉ được sử dụng trong nước mà còn vươn tới xuất khẩu. Chúng ta sẽ có đủ vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, không phải nhập khẩu thêm từ nước ngoài.

Tiến sĩ Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết tính đến năm 2015, tại Việt Nam đã xuất khẩu được 4 loại vắc xin sang 4 quốc gia, bao gồm: Vắc xin sởi sang Malaysia, vắc xin ngừa viêm gan B sang Hàn Quốc, vắc xin tả sang Đông Timor và Phillipines, vắc xin viêm não Nhật Bản cũng bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Đông-Timo.

Hiện các cơ sở sản xuất vắc xin tại nước ta vẫn chưa chạy hết công xuất. Các nhà máy sản xuất mới chỉ đạt nửa công suất, một số vắc xin mới chỉ đạt 30 % công suất. Trong khi đó, ra quốc tế, giá vắc xin của Việt Nam lại rất cạnh tranh, chỉ bằng 1/3 giá nhập khẩu. Giá cả cạnh tranh và chất lượng tiêu chuẩn là những thế mạnh tương lai ngành sản xuất vắc xin có thể đạt được.

Hiện nay, vắc xin trong nước chủ yếu đáp ứng cho 1,7 triệu trẻ em sinh ra mỗi năm. Một số loại vắc xin đã có thể dự trữ được như vắc xin tả, vắc xin thương hàn… Theo ông Cường trong tương lai, Bộ Y tế sẽ mở rộng xuất khẩu sang các nước châu Á, tiến đến mục tiêu xuất khẩu toàn bộ 10 loại vắc xin Việt Nam đang sản xuất.

Việt Nam có 4 công ty sản xuất vắc xin đó là Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Công ty TNHH Một thành viên vắc-xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC); Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc- xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Viện vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC).

Cả bốn nhà máy đều có đội ngũ cán bộ khoa học có đủ năng lực để nghiên cứu và sản xuất các vắc-xin đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho chương trình TCMR quốc gia và xuất khẩu.

Theo lộ trình, định kỳ sau 2 năm, WHO sẽ tiến hành đánh giá lại các chức năng cơ quan quản lý. Để bảo đảm duy trì và phát triển hệ thống NRA bền vững là thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung, ngành y tế nói riêng.

Hướng mới tương lai vắc xin Việt

Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 là một trong những đơn vị đi đầu trong ngành sản xuất vắc xin nước nhà. Hiện tại, VABIOTECH cung ứng 4 sản phẩm vắc-xin (viêm gan A, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và tả uống) cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cũng như nhu cầu phòng bệnh của nhân dân và có nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

TS Đỗ Tuấn Đạt - giám đốc VABIOTECH

VABIOTECH được thành lập năm 2000, ban đầu là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sau chuyển sang trực thuộc Bộ Y tế. Tuy cũng là doanh nghiệp nhưng hoạt động của một công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh vắc xin như VABIOTECH khác xa những ngành nghề khác.

Dù là sản phẩm dành chủ yếu cho chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân coi đây là miễn phí nhưng với những nhà nghiên cứu khoa học của công ty thì họ không bao giờ cho phép sự dễ dãi khi miễn phí. Ở đó còn là cuộc chạy đua đưa nền khoa học nước nhà phát triển theo kịp sự tiến bộ của nền khoa học thế giới.

Hành trình sản xuất vắc xin, TS Đỗ Tuấn Đạt – Giám đốc Vabiotech tâm sự: Từ những năm 1960, được sự hỗ trợ của chính phủ Liên Xô cũ, Việt Nam đã tự sản xuất được vắc xin bại liệt để sử dụng cho chính người dân Việt Nam và đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.

Ngành sản xuất vắc xin Việt cũng trải qua nhiều bước thăng trầm, khó khăn nhưng đến nay với 12 bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta thì chúng ta có thể sản xuất được vắc xin phòng 10 bệnh. Chỉ còn vắc xin Hib và rubella vẫn phải nhập khẩu.

TS Đạt cho biết: "Đây là một trong những lý do quan trọng thôi thúc chúng tôi tiếp cận công nghệ sản xuất vắc-xin ở trình độ cao hơn và trong tương lai công ty sẽ làm chủ các loại vắc xin này.

Trong thời gian vừa qua,VABIOTECH đã xuất khẩu được hơn ba triệu liều vắc xin viêm não Nhật Bản B sang Ấn Độ; vắc xin viêm não Nhật Bản cũng bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Đông-Timo; 32.000 liều vắc xin viêm gan A đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vắc xin tả uống đã được xuất khẩu đến Srilanka, Philippines, Ấn Độ.

Việc xuất khẩu những sản phẩm vắc xin trên chỉ mới dừng lại với quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra được giá trị thương mại cao. TS Đạt cho biết: "Tuy là đơn hàng lẻ nhưng chúng ta vẫn phải trải qua các quy định về đăng ký và kiểm định chất lượng của vắc xin. Chúng ta phải vượt qua được những đợt kiểm tra đó".

Tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã được nhận chứng nhận NRA, hiện đang đến bước tiếp theo là sản xuất vắc xin, đánh giá theo các chuẩn mực quốc tế đối với từng loại vắc xin và xuất khẩu ra nước ngoài.

Để xuất khẩu được vắc xin, chúng ta phải tự đàm phán song phương với một quốc gia khác để đăng ký lưu hành. Khi muốn cung cấp với số lượng lớn hơn, đến nhiều quốc gia khác, cần có thêm các đánh giá của WHO cho từng sản phẩm vắc xin. Những vắc xin thế mạnh của Việt Nam mà thế giới cũng đang cần đó là vắc xin lao, vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin tả, vắc xin viêm gan B, vắc xin Sởi…

Ông Đạt cho biết điều đó cũng không quá khó khăn vì Việt Nam thực sự có tiềm năng. Hiện nay dây chuyền sản xuất của nhà máy vẫn chưa làm việc hết công suất. Có những loại vắc xin chỉ sản xuất 3 tháng là nhà máy dừng và chỉ bảo trì máy móc.

Điều này rất lãng phí vì vận hành nhà máy cả năm mà sản xuất cầm chừng. Đồng thời, chất lượng vắc xin của Việt Nam đã được khẳng định nhiều năm ở các thị trường trong và ngoài nước. Điều này phản ánh đúng về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu sản phẩm của các nhà sản xuất vắc xin trong nước.

Ph. Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/xuat-khau-vac-xin-buoc-tien-day-nguong-mo-cua-nganh-y-te-viet-nam-post190283.info