Xuất ngoại quảng bá phim: Trông người lại ngẫm đến ta

Mới đây, nữ diễn viên Avika Gort, diễn phim trong phim “Cô dâu 8 tuổi”, của Ấn Độ đã đến TP HCM tham gia các hoạt động từ thiện, giao lưu và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả Việt. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc, Thái Lan cũng đã đến Việt Nam để giao lưu và có nhiều hoạt động quảng bá phim và hình ảnh cá nhân tại thị trường Việt Nam. Nhìn người lại nghĩ đến ta, trong khi sao ngoại nô nức đến Việt Nam thì hầu như sao Việt vẫn chưa có sự bứt phá “ngoạn mục” ra thị trường nước ngoài.

Nhìn người lại nghĩ đến ta

Nữ diễn viên Avika Gort, đóng vai Anandi hồi nhỏ đã từng sang Việt Nam tham gia lễ trao giải thưởng “Ngôi sao xanh 2015” của kênh truyền hình Today TV và nhận được nhiều tình cảm của công chúng Việt Nam tháng 1 vừa qua, hai diễn viên Siddharth (vai Sin – chồng thứ 2 của Anandi) và Neha Marda (bác dâu của Anandi) cũng đã tới Việt Nam giao lưu với khán giả, đồng thời tham dự và nhận giải “Phim truyền hình nước ngoài được yêu thích nhất” của lễ trao giải truyền hình – điện ảnh Ngôi sao xanh 2016. Hai diễn viên đã có buổi trò chuyện thân mật, hết mình với fans hâm mộ. Thậm chí khi được yêu cầu trổ tài khả năng khiêu vũ, hai diễn viên này đã rất thoải mái “chiều” lòng khán giả Việt. Mới đây, Avika Gort lại có chuyến thăm Việt Nam nhưng với vai trò diễn viên của bộ phim “Cuộc chiến những nàng dâu”. Trong tháng 7 này, 4 diễn viên: Siddharth Shukla, Avinash Mukherjee, Roopurgapal và Aasiya Kazi sẽ tới Việt Nam để tham gia hoạt động cộng đồng, gặp gỡ truyền thông, người hâm mộ ở TP HCM và Hà Nội. Họ sẽ có mặt tại 2 concert IMC 8 năm - Hành trình đánh thức giấc mơ diễn ra là ngày 15-7 tại TP HCM và ngày 17-7 tại Hà Nội. Ngoài tài năng diễn xuất,4 diễn viên còn sở hữu nhiều tài lẻ khác, đặc biệt là ca hát và nhảy múa nên hai đêm diễn tới hứa hẹn sẽ là cuộc hội ngộ ấn tượng và thú vị. Ngoài ra, 4 diễn viên còn tham gia một số hoạt động vì cộng đồng, gặp gỡ truyền thông, giao lưu với các khán giả TodayTV. Đảm nhận vai trò đại sứ của chương trình “Gõ cửa bất ngờ”, các diễn viên sẽ trực tiếp đến thăm nhà, gặp gỡ và trao những phần quà hấp dẫn cho khán giả của TodayTV. Đây cũng là lần đầu tiên các ngôi sao của “Cô dâu 8 tuổi” đến Hà Nội.

Trước đó, một số diễn viên nổi tiếng của Thái Lan như nam diễn viên Mario Maurer, đóng phim “Tình người duyên ma” hay nam diễn viên Golf Pichaya trong phim truyền hình ăn khách “Tình yêu không có lỗi, lỗi tại bạn thân” cũng đã đến Việt Nam. Còn với các nghệ sĩ Hàn Quốc, mỗi lần có sản phẩm nghệ thuật, họ lại có những chuyến thăm các thị trường tiềm năng của châu Á, Việt Nam là một trong số đó. Có thể thấy, sao ngoại chọn Việt Nam là nơi giao lưu, quảng bá hình ảnh là hành động rất khôn khéo bởi trong số các nước trong khu vực, phim ảnh Việt tuy non trẻ nhưng lại là một thị trường tiềm năng khi khán giả ngày càng quan tâm đến phim ảnh. Bên cạnh đó, sự gia tăng các dự án điện ảnh cũng báo hiệu sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, cũng bởi những sự “xuất ngoại” dồn dập của sao ngoại, nhìn lại thật buồn cho phim ảnh Việt khi bản thân sao Việt lại ít có cơ hội xuất ngoại, mở rộng các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho phim Việt. Trước sự so sánh này,một số nhà sản xuất phim tại Việt Nam nhận định sao Việt khó xuất ngoại bởi phim Việt vẫn chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với thị trường nước ngoài, để họ đưa ra quyết định mua phim Việt về chiếu. Một khi nước ngoài không mua thì thật khó để đưa diễn viên Việt đi giao lưu, quảng bá tại nước ngoài. Còn việc đơn vị sản xuất tự bỏ tiền túi để đưa diễn viên đi thì rất tốn kém, hầu như khó thực hiện.

Trong khi đó, Việt Nam lại liên tục mua phim của nước ngoài về chiếu, đặc biệt là các bộ phim của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines,... Từ đề tài cho đến diễn xuất của các diễn viên đều được khán giả Việt yêu thích. Có phim còn gây sốt mạnh mẽ trong thời gian gần đây như “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc, “Cô dâu 8 tuổi” của Ấn Độ,...Hơn nữa, một số nghệ sĩ của Trung Quốc, Ấn Độ còn được vinh danh tại các lễ trao giải lớn của thế giới như Oscar, tạo được tiếng vang lớn trên thế giới và khu vực, nên việc mua phim hay của các nước này về chiếu là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của khán giả Việt.

Sắp tới, 4 diễn viên trong phim “Cô dâu 8 tuổi” sẽ giao lưu với khán giả Việt . Ảnh tư liệu

Vì đâu phim Việt ít được xuất ngoại?

Nói về nguyên nhân phim Việt ít được xuất ngoại, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, GĐ Trung tâm sản xuất phim – Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, phần lớn phim Việt được xuất ngoại là nhờ vào mối quan hệ của nhà sản xuất phim Việt và các đơn vị nước ngoài, hoặc là phim hợp tác với nước ngoài. Ví dụ như phim “Tuổi thanh xuân” kết hợp giữa VFC (VTV) và Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ&M của Hàn Quốc với cặp đôi Nhã Phương - Kang Tae Oh đã gây được tiếng vang lớn ở cả hai quốc gia. Hiện phần 2 của phim đang được thực hiện. Sau khi được chiếu tại Việt Nam và Hàn Quốc, phần 1 “Tuổi thanh xuân” đã được chiếu tại một số nước châu Á.

Hơn nữa, để phim Việt nhận được cái gật đầu từ các đơn vị nước ngoài, trước tiên phim phải thỏa mãn được những yêu cầu khắt khe từ các đối tác. Muốn thực hiện được điều đó, chúng ta phải có sự đầu tư nghiêm túc về mọi mặt. Trước tiên là yếu tố kịch bản tốt, hấp dẫn. Sau đó là yếu tố chất lượng kỹ thuật, trong đó, nhân tố con người và chi phí sản xuất đóng vai trò thiết yếu và quyết định thành công của cả bộ phim. Ngoài ra, đội ngũ quảng cáo, phát hành chuyên nghiệp cũng sẽ giúp phim đến với khán giả hiệu quả hơn.

Đạo diễn Đinh Đức Liêm cho biết, phần lớn các bộ phim Việt được chi khoảng 120 – 130 triệu đồng/tập 45 phút. Trong khi phim nước ngoài được đầu tư khá cao, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng cho một tập phim. Bên cạnh đó, phim Việt luôn được làm với tâm lý gấp rút vì sợ tốn kém, ê kíp làm phim lại thiếu chuyên nghiệp nên dẫn đến nhiều bộ phim kém chất lượng. Quả thực, khi khán giả Việt còn khó chấp nhận phim Việt thì mong ước ra biển lớn vẫn chỉ còn là giấc mơ.

Theo một số đạo diễn Việt, muốn phim Việt phát triển, có thể xuất ngoại trong điều kiện kinh phí phim ít, thì các nhà làm phim Việt nên tăng cường hợp tác với các nước khác, đầu tư sản xuất phim chất lượng để có thể ra mắt ở cả hai quốc gia. Khi đó diễn viên Việt Nam sẽ có cơ hội sang nước bạn giao lưu, giới thiệu, như phim “Tuổi thanh xuân” sau khi được công chiếu, Nhã Phương cũng được mời sang Hàn Quốc giao lưu với khán giả. Ngược lại, nam diễn viên Kang Tae Oh cũng đã sang Việt Nam.

Với điện ảnh, chi phí đầu tư cho phim khá cao nên việc các nhà sản xuất Việt hợp tác để sản xuất chung một bộ phim là rất khó khăn. Bù lại, phía Việt Nam có thể mua lại bản quyền rồi làm lại phim, tất nhiên các nguyên liệu đưa vào phim sẽ được Việt hóa. Đơn cử như bộ phim “Em là bà nội của anh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã gặt hái được nhiều thành công khi nhận được nhiều tình cảm của khán giả và đạt doanh thu cao nhất lịch sử phim điện ảnh Việt với 102 tỷ đồng. Về phía Hàn Quốc, họ chỉ lấy 3-5% phí tác quyền nên phương án này là rất khả thi.
Phim Việt được xuất ngoại đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ Việt có cơ hội bước ra thế giới, vừa là quảng bá cho điện ảnh Việt, vừa có thể phát triển sự nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chúng ta không thể thành công trong ngày một ngày hai. Để đạt được điều đó, nền điện ảnh Việt phải nhìn nhận vào sự thật để từng bước khắc phục những thiếu sót. Quan trọng nữa là những nhà làm phim Việt phải có sự tìm hiểu, dấn thân và đầu tư một cách thông minh để có các dự án phim hay, được các đơn vị phim ảnh nước ngoài đồng ý hợp tác hoặc mua lại bản quyền phát sóng.

Hồng Giang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/xuat-ngoai-quang-ba-phim-trong-nguoi-lai-ngam-den-ta-114072