Xúc động bức thư thời chiến của người lính Cụ Hồ gửi em gái là nữ sinh sư phạm

Những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70, trên chiến trường miền Nam ruột thịt có bao chàng trai trẻ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Di vật và những bức thư thời chiến từ chiến trường năm ấy của những người lính luôn là báu vật để thế hệ sau soi rọi, ghi công ơn thế hệ trước.

Bằng Tổ quốc ghi công - kỷ vật của một gia đình người lính vẫn giữ tới ngày nay. Ảnh: Gia đình cung cấp

Dưới đây là bức thư thời chiến của một người chiến sĩ đã hy sinh năm 1970 - liệt sĩ Nguyễn Văn Lai, quê quán: xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa - gửi cho em gái của mình đang là nữ sinh sư phạm. Chiến tranh đã đi qua nửa thế kỷ nhưng hiện gia đình vẫn chưa tìm thấy mộ liệt sĩ. Bao nhiêu năm qua, cứ đến những ngày tháng lịch sử - nơi nơi nhắc đến chiến thắng tự hào thì gia đình, người thân bạn bè thường nhắc tới người thân là liệt sĩ, một lần nữa đọc lại những bức thư, xem lại những kỷ vật, kết nối hôm nay và quá khứ, hiểu hơn và trân trọng giá trị của hòa bình.

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Lai chỉ biết thông tin anh hy sinh ở mặt trận phía Nam, được an táng ở chiến trường miền Nam, chứ không tìm thấy tung tích.

Đối với gia đình, những bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Lai gửi gia đình, gửi em gái là kỷ vật quý giá. Không chỉ là tình cảm gia đình, mà hình ảnh người bộ đội Cụ Hồ qua bức thư gửi người em gái thật đẹp, thật xúc động. Đặc biệt, bức thư thời chiến như biểu tượng của khát vọng, nhân sinh quan của cả thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang theo lý tưởng và ý chí quyết thắng. Không những thế, họ còn truyền lửa cho thế hệ sau, thế hệ tiếp nối những nhắn nhủ về nỗ lực học tập và rèn luyện để trưởng thành.

Bức thư thời chiến do gia đình liệt sĩ cung cấp.

Nội dung bức thư viết:

"Ngày 6/3/1970

Em gái của anh vô vàn thương nhớ!

Th! Em đang làm gì đấy? Em đang học phải không? Ừ cố gắng em nhé.

Em thương!

Hôm nay anh trên đường vào Nam làm nhiệm vụ, anh tranh thủ ghi vội vài dòng chữ trên tàu về thăm sức khỏe, học tập, công tác của em và Lý...

Th em thương!

Anh đang ngồi trên con tàu của Tổ quốc, của cách mạng mang những người con ưu tú của Tổ quốc lên đường vào giải phóng miền Nam.

... Anh gửi tới em và em Lý với mong hai em mạnh khỏe hơn, học giỏi hơn, tham gia mọi hoạt động công tác tích cực; đồng thời điều quan trọng mà anh luôn nhắc tới là em phải luôn luôn tu dưỡng cho mình một phẩm chất cao quý, tốt đẹp của con người Việt Nam.

Em thương!

Trước khi xa quê hương yêu dấu, anh dặn lại em mấy điều em phải quyết tâm thực hiện.

Em! Đời ta tuổi xanh chỉ có một lần và chỉ có một mà thôi. Vì vậy, trong những năm tháng mình đã được Đảng giáo dục trong trường, mình phải suy nghĩ gì? Mà em phải hiểu rằng thời ở trường là hiếm có. Từ chỗ hiểu, em phải hành động. Ví dụ:

- Về tu dưỡng đạo đức: phải để ý ăn nói, quan hệ với quần chúng, bạn bè...

-Về gia đình: đối đãi tốt với bố mẹ, bà con láng giềng, chiều chuộng các em...

-Về học tập: cũng như anh đã nói với em, cô giáo phải làm sao cho học sinh phục và kính trọng, từ chỗ đó em phải học giỏi, phải nỗ lực học tốt hơn nữa.

-Về công tác: phải tuyệt đối chấp hành phân công của tổ chức, có khó khăn gian khổ em cũng phải lao vào...

Anh nhắc ít, em hiểu nhiều và thực tế phải hành động là chính.

Còn anh hiện nay vẫn khỏe, đang trên đường vào Nam. Và anh báo cho em biết, ước mơ cao cả của anh đã gần thắng lợi, tức là trở thành người đảng viên của Đảng. Vì vậy nhiệm vụ Đảng và Tổ quốc phân công rất nặng nề, đây là bước thử thách của đơn vị (vừa lãnh đạo Đoàn + Chính quyền).

Tàu đã đến ga Thanh Hóa, anh dừng bút. Một lần nữa chúc em và em Lý học giỏi, công tác tốt, anh mừng.

Không quên cho anh gửi lời thăm sức khỏe Vinh + Nguyệt + cô Chuông + Tân +Thơm và các cô giáo học cùng em...

Anh đi nhé!

Anh trai Văn Lai"

Liệt sĩ Nguyễn Văn Lai, sinh năm 1952; quê quán: xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Nhập ngũ năm 1969; đi B ngày 3/3/1970, thuộc đoàn B, phiên hiệu 2.200; hy sinh vào khoảng tháng 5-6-7 năm 1970...

TTH

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/xuc-dong-buc-thu-thoi-chien-cua-nguoi-linh-gui-em-gai-sinh-vien-su-pham-179240430180624076.htm