Xung quanh chuyện cấm và cấp phép ca khúc: Cần thay đổi tư duy từ người quản lý!

Động thái yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) phải thu hồi lệnh cấm năm ca khúc sáng tác trước 1975 và kiểm điểm các cá nhân liên quan của Bộ VH-TT-DL được đánh giá là rất hợp lòng dân. Câu chuyện cấm năm ca khúc đã có thể tạm khép lại sau nhiều ngày ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn dư luận. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn vẫn còn đó: Liệu ngày mai chúng ta có phải gặp lại những trường hợp tương tự? Liệu sau sự việc vô cùng đáng tiếc này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thái độ khác khi ứng xử với các di sản do lịch sử để lại?

Sao lại ngồi chờ người đến xin?

Như vậy là những ồn ào xung quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị cấm hát đã có hồi kết. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thu thập tư liệu, đối chiếu và đánh giá chưa đủ cơ sở tạm thời dừng phổ biến 5 bài hát này.

Liên quan đến vụ việc này, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 gồm: Con đường xưa em đi, Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc đã được cấp phép phổ biến.

Mặc dù quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn đã được rút lại nhưng dư luận vẫn chưa hài lòng với cách quản lý nghệ thuật đầy máy móc, bị động của đơn vị này. Việc giải thích vòng vo, luẩn quẩn về nguyên nhân việc tạm dừng lưu hành các ca khúc trước đó của lãnh đạo đơn vị này đã bị dư luận phản ứng gay gắt vì thiếu tính thuyết phục.

Vì sao lại đào xới ra cái nguyên nhân dị bản với tác quyền để tạm dừng những ca khúc đó? “Bới lông tìm vết” là việc hoàn toàn không đáng làm. Cứ cho rằng những ca khúc sáng tác trước năm 1975 có một số từ ngữ “chưa phù hợp” với xã hội chúng ta hiện nay thì cũng không nhất thiết phải cấm. Thay vì điều đó, hãy trao quyết định cho người hưởng thụ âm nhạc, nghệ thuật vì họ mới chính là những người quyết định sự sống còn của những ca khúc đó.

Nếu không có sự kiện Trường đại học Y Dược Huế tổ chức chương trình “Nối vòng tay lớn” thì có lẽ sẽ không ai biết rằng, mấy chục năm nay, nhiều thế hệ người Việt vẫn đang say sưa “hát chui” ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Một ca khúc quá quen thuộc với thanh niên Việt Nam, thậm chí đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy nhưng vẫn chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến. Một nguyên nhân cực kỳ đơn giản là “không xin thì không cho”. Không chỉ có “Nối vòng tay lớn” mà rất nhiều ca khúc khác của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đều có số phận tương tự.

Thử thống kê xem, hiện Việt Nam có bao nhiêu ca khúc âm nhạc sáng tác cả trước và sau 1975? Chắc chắn con số không nhỏ hơn hàng vạn. Với một kho tàng đồ sộ như thế (chưa tính các thể loại nghệ thuật khác) thì mỗi lần muốn hát ca khúc nào đó, người dân phải lẽo đẽo lên Cục để hỏi xem đã được cấp phép chưa hay sao?

Để xảy ra những chuyện rắc rối trong việc quản lý các tác phẩm âm nhạc vừa qua cho thấy một lối tư duy lỗi thời, lạc hậu, cơ chế “xin-cho” vẫn còn rất nặng nề. Đến ngay việc hưởng thụ nghệ thuật cũng đầy rẫy những rắc rối và ngặt nghèo như thế thì thử hỏi những nhu cầu khác của người dân sẽ còn khó khăn đến đâu.

Cơ chế cấp phép cần “thoáng” hơn!

Sau khi Cục NTBD lên tiếng về lý do chương trình ở Huế chưa được phép biểu diễn một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì chưa được cấp phép, nhiều người đã kiến nghị: Nếu Cục NTBD thấy các quy định còn bất cập, thì có thể kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, làm sao tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng cho các nghệ sĩ hoạt động, công chúng thưởng thức nghệ thuật.

Cục NTBD nên đưa ra một danh sách các ca khúc bị cấm, còn tất cả những ca khúc còn lại, có giá trị thì tự động được phép lưu hành, để chấm dứt cảnh xin – cho. Cục kêu khó, vì không dễ dàng biết ca khúc nào bị cấm, trong khi quy định về việc “thế nào thì bị cấm” còn khá mơ hồ, nhạy cảm. Vị Cục phó Cục NTBD nói việc đó là điều không tưởng! Sửa những quy định bất cập trong Nghị định 79, Cục NTBD nói sẽ xem xét. Việc này không thể làm trong ngày một ngày hai, vì nếu lãnh đạo Cục có đề xuất cũng phải qua rất nhiều cấp xem xét.

Vậy kịp thời nhất, nhanh nhất lúc này để đáp ứng nhu cầu được hát, được giải trí của người dân là Cục NTBD nên hợp thức hóa các ca khúc mà các sở văn hóa địa phương đã cấp phép trước khi Nghị định 79/2012/NĐ-CP ban hành.

Thực tế, có hàng ngàn ca khúc nhạc xưa đã được các sở cấp giấy phép công diễn và giấy phép sản xuất, phát hành băng đĩa cho các hãng sản xuất trước khi có quy định Cục NTBD là cơ quan duy nhất cấp phép phổ biến cho các ca khúc ra đời tại các tỉnh phía Nam trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài. Hàng nghìn ca khúc do các sở văn hóa địa phương cấp phép đã được hát, được lưu hành và thu tiền tác quyền bao năm qua.

Và việc cấp bách nhất là xem xét sửa ngay những nhầm lẫn đáng trách về việc ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao thì ghi thành Văn Chung, nâng cấp website để cập nhật danh mục ca khúc đã được Cục cấp phép, thay vì lo quá vào việc “thả” rồi “trói” những bài hát đã có sức sống trong cộng đồng. Còn nữa, Nghị định 79 còn có nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế, Bộ VHTTDL cần nhanh chóng có đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng một nghị định khác. Không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho Cục NTBD.

Đừng cứng nhắc, máy móc!

“Chúng ta phải có cách ứng xử bao dung với các ca khúc trước năm 1975, bởi các nghệ sĩ sống dưới chế độ cũ thì họ phải có sự điều chỉnh phù hợp để tồn tại. Tôi tin rằng trong thâm tâm, đa số nghệ sĩ vẫn hướng về Tổ quốc. Tất nhiên, những bài hát nào đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, gây hận thù… thì cần phải cấm. Còn những bài hát về tình yêu đôi lứa, tình cảm con người, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước… thì thời đại nào, chế độ nào chẳng có, nên không thể cấm đoán”. Đây không phải là những tác phẩm mới, mà là những tác phẩm từng được cấp phép lưu hành nên sau khi chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải cho lưu hành bình thường, chứ không thể bắt gia đình hay thân nhân các nhạc sĩ xin phép rồi mới cho lưu hành trở lại. Đã hết cái thời không quản được thì cấm rồi” – Thứ trưởng Bộ Thể thao-Văn hóa & Du lịch Vương Duy Biên bày tỏ.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng ủng hộ sự điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục trong việc quản lý, cấp phép bài hát. Cơ quan nhà nước cần xem xét những bài nào đi ngược lại quyền lợi của đất nước thì đưa vào danh sách cấm và đăng tải công khai. Những bài hát nào không cấm thì nhân dân được quyền hát. Những tác phẩm mang lại giá trị nghệ thuật đúng đắn, lành mạnh cho người dân thì cơ quan quản lý phải tạo điều kiện. “Những người làm công tác quản lý ở lĩnh vực này phải điều chỉnh cách ứng xử với nghệ sĩ và tác phẩm của họ để phù hợp với chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nếu cứ suy diễn thì bất cứ tác phẩm nào cũng có thể bị cấm.

Đừng quá cứng nhắc vì một hai câu chữ mà làm khó cho tác phẩm và nghệ sĩ. Không nên suy diễn câu chữ một cách máy móc để làm khó tác phẩm xưa. Hồi thanh niên, tôi cũng rất thích và chép nhiều thơ, bài hát, trong đó có cả những bài trước năm 1975 vào sổ tay đấy chứ” – ông Biên nhấn mạnh.

Khánh An

DƯ LUẬN

TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp:

Đây cũng là dịp cần phải xem lại toàn bộ các vấn đề liên quan tới cơ chế, phương thức quản lý của Cục này đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Khá nhiều ví dụ thực tiễn nêu trên cho thấy, cơ chế quản lý lĩnh vực thuộc chức năng của Cục có nhiều vấn đề quá lạc hậu, bất cập, thậm chí biểu hiện của cơ chế xin cho, lợi ích nhóm, lợi ích ngành, không phù hợp với các nguyên tắc hiến định đã được ghi nhận tại Hiến pháp 2013, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp mang tính hiến định của công dân trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Nhà báo Phan Phương, Trưởng ban hội viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam:

Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có thiếu sót khi không công khai các nguyên tắc cấm lưu hành các ca khúc. Để tránh những tranh luận ầm ĩ không đáng có trong dư luận, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải có trách nhiệm công khai các nguyên tắc cấm lưu hành các ca khúc. Việc Cục cấm các ca khúc lưu hành bị sai lời mà không công bố rõ đâu là bản gốc ca khúc cũng khiến dư luận đặt nghi vấn, thắc mắc. Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên công bố đâu là bản gốc khi có quyết định cấm các bản nhạc sai lời được sáng tác trước năm 1975. Với tất cả các ca khúc không đúng như bản gốc sẽ không được cấp phép lưu hành. Như thế, quyết định sẽ chặt chẽ hơn và dư luận không tranh cãi như thời gian qua.

TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:

Tôi nhắc lại, người làm công tác nhà nước phải hiểu rằng quản lý là để phát triển chứ không phải quản lý để làm khó nhân dân, làm khó các tổ chức, cá nhân. Nếu như vậy thì sinh ra người quản lý làm gì? Đặc biệt, Thủ tướng đang xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, do dân và vì dân. Như vậy, người quản lý phải hiểu là phải làm cho mọi việc được dễ dàng nhất, thuận lợi nhất cho mọi tổ chức, mọi cá nhân và người dân trong mọi lĩnh vực, chứ còn làm quản lý để làm cho mọi việc phức tạp hơn là không thể chấp nhận được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân:

Tôi hoan nghênh sự cầu thị của Bộ VH-TT-DL trong việc xử lý những ồn ào mấy ngày qua về các ca khúc trước 1975. Nhưng câu hỏi là: Những lĩnh vực khác thì sao? Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, những tư tưởng triết học, công trình kiến trúc… chúng ta đã có phương án nào để đánh giá, để trả lại sự công bằng cho chúng và để chúng được đến với công chúng?

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/can-thay-doi-tu-duy-tu-nguoi-quan-ly/