Xung quanh việc rà soát chính sách người có công: Tập trung rà soát chính sách chi trả, người thụ hưởng

Việc tổng rà soát lại chính sách người có công (NCC) là rất cần thiết, song đây là việc rất phức tạp liên quan tới nhiều thời kỳ, nhiều thẩm quyền khác nhau. Đặc biệt, việc rà soát không chỉ liên quan tới quyền lợi mà liên quan tới danh dự, nếu làm không khéo sẽ dẫn tới cuộc "đấu tố” lẫn nhau...

Trên đây là ý kiến được nhiều đại diện các Sở LĐTB&XH phản ánh tại Hội nghị Giao ban công tác lao động, NCC và xã hội do Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng ngày 4-3 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách NCC. Đại diện Sở LĐTB&XH Hải Phòng cho biết: Việc thực hiện chính sách NCC hiện còn thiếu đồng bộ, trong đó nổi lên là các sai phạm ở khâu xác nhận, công nhận NCC và việc thực hiện chính sách. "Sai phạm chủ yếu là do xác nhận và công nhận đối tượng được hưởng chính sách, ngành LĐTB&XH chỉ phụ trách việc giải quyết chế độ khi đã có hồ sơ xác nhận và được công nhận. Thế nhưng khi xảy ra sai sót mọi người nghĩ ngay tới lỗi của ngành LĐTB&XH. Chúng ta phải xác định rõ rạch ròi nhiệm vụ của từng bộ, ngành để tìm ra nguyên nhân dẫn đến "tắc” và bất cập ở chỗ nào, từ đó có các giải pháp phù hợp” – đại diện Sở LĐTB&XH Hải Phòng thẳng thắn.

Liên quan tới vấn đề này, nhiều địa phương cũng phản ánh: Theo Thông tư liên tịch số 41/2013 của Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế ban hành hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ quy định phải có xác nhận của Giám đốc và Phó giám đốc bệnh viện mới được coi là hợp lệ. Tuy nhiên, vì nhiều nơi chỉ có sự xác nhận của Trưởng khoa, nên ngành LĐTB&XH đã gửi lại hồ sơ xác nhận lại, song quá trình chờ xác nhận rất khó vì y tế chỉ là ngành dọc, nên cán bộ y tế không mặn mà. "Khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ do y tế chịu trách nhiệm. Nhưng quá trình khảo sát kiếm tra 10 đối tượng thì chỉ hai người đạt. Việc giám định, kiểm tra bệnh tật hiện nay rất có vấn đề, nếu không chấn chỉnh thì thực trạng "trục lợi” chính sách rất khó giảm” - đại diện Sở LĐTB&XH Hải Phòng phản ánh. "Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi NNC với cách mạng có hiệu lực từ 1-6-2013 nhưng đến nay Hội đồng giám định y khoa chưa tiếp nhận giám định đối với NCC theo quy định mà mới chỉ tiếp nhận hồ sơ giám định đối với Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Điều này không chỉ gây khó khăn và còn gây phiền hà cho người được thụ hưởng” - ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội băn khoăn.

Cũng tại hội nghị, nhiều địa phương cho rằng: Sự không thống nhất về văn bản cũng khiến cho việc triển khai chính sách trợ giúp NCC gặp khó khăn. Đơn cử như để thống nhất việc quản lý, chi trả các chế độ ưu đãi giáo dục cho NCC, tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi NCC đã quy định "NCC với cách mạng và con của họ đang theo học tại cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì hưởng ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi NCC” để thống nhất một ngành quản lý, chi trả các chế độ ưu đãi giáo dục, thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, ngày 15-7-2013, Bộ GD&ĐT lại tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 49. Trong đó, đối tượng áp dụng vẫn bao gồm NCC với cách mạng và con của họ (bổ sung thêm việc hỗ trợ học phí với đối tượng học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập).

Trước ý kiến phản ánh của các địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Để thực hiện chủ trương tất cả mọi đối tượng NCC đều được hưởng chế độ của Nhà nước, các địa phương, bộ, ngành phải vào cuộc tiến hành tổng rà soát. Việc tổng rà soát có vai trò rất quan trọng, nó giúp ngành chức năng nhìn thấy lỗ "hổng” trong quá trình thực hiện, đồng thời đảm bảo không đối tượng NCC nào bị bỏ sót. Tuy nhiên, việc rà soát phải có lộ trình và làm cẩn thận nếu không sẽ rất "ồn ào”. Theo đó, tới đây, với chức năng của mình Bộ sẽ tiến hành rà soát trên cả nước nhưng không tiến hành rà soát về hồ sơ xem có đúng hay sai mà chỉ tập trung rà soát chính sách chi trả; người thụ hưởng chết rồi đã cắt hay chưa; những người đủ điều kiện hưởng song vẫn chưa được hưởng do nguyên nhân nào… Để từ đó lên phương án nhằm giải quyết cũng như tháo gỡ những bất cập về chính sách NCC.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=77441&menu=1390&style=1