Xung quanh việc thực thi Nghị định về chống tác hại của thuốc lá

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 15/8/2013, Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực.

TS. Nguyễn Quang Huy. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung quy định cấp Giấy phép kinh doanh buôn bán thuốc lá trong Nghị định 67/2013/NĐ-CP (Nghị định 67), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Thưa ông, Nghị định 67 quy định các loại giấy phép nào được cấp cho các cơ sở kinh doanh sản phẩm thuốc lá?3

TS. Nguyễn Huy Quang: Tại Điều 26, chương V của Nghị định 67 quy định điều kiện cấp các loại giấy phép kinh doanh sau: Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá; Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá; Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

Trong đó, “Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá” quy định cho doanh nghiệp có hệ thống phân phối sản phẩm thuốc lá trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên (tại địa bàn mỗi tỉnh phải có tối thiểu từ 2 thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá trở lên). Bộ Công Thương là đơn vị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung loại giấy phép này.

Tại điểm c, khoản 3Điều 26, Chương V, Nghị định 67/2013/NĐ-CP có quy định một trong các điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá là diện tích điểm kinh doanh thuốc lá tối thiểu phải từ 3m2 trở lên.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang cho biết đây là quy định tối thiểu đảm bảo hoạt động buôn bán thuốc lá thuận lợi hơn đối với các đại lý bán lẻ thuốc lá, còn đối với các điểm bán lẻ khác như quán bar, hàng rong không có quy định này.

“Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá” quy định cho doanh nghiệp có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 2 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên). Sở Công Thương là đơn vị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép này.

Đối với “Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá” quy định về đại lý bán lẻ thuốc lá: Các đại lý này vừa là điểm bán buôn (cho các điểm bán lẻ) đồng thời là điểm bán lẻ. Phòng Công Thương hoặc Phòng Kinh tế (cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung loại giấy phép này. Còn những điểm bán lẻ thuốc lá như hàng rong, quán bar, vỉa hè thì không phải cấp giấy phép.

Vì vậy, cần phân biệt rõ giữa bán lẻ thuốc lá đại lý với bán lẻ thuốc lá hàng rong để tránh hiểu sai nội dung Nghị định.

Quy định này của Nghị định 67 là phù hợp với quy hoạch về phát triển của ngành thuốc lá Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục đích hạn chế bán thuốc lá tràn lan và phải trong diện quy hoạch nhằm kiểm soát tốt hơn các hoạt động kinh doanh thuốc lá trên cả nước.

Như vậy, các đại lý bán lẻ phải có giấy phép mới được kinh doanh, trong khi các hàng rong lại không cần giấy phép, việc này có gây bất bình đẳng và các địa điểm bán lẻ thuốc lá như quán bar, hàng rong... vẫn được phép bán thuốc lá bình thường, thưa ông?

TS. Nguyễn Huy Quang: Theo tôi, không có bất bình đẳng gì trong vấn đề này. Cụ thể, các đại lý bán lẻ thuốc lá này vừa bán buôn cho các quán bar, cà phê, hàng rong hoặc các điểm bán lẻ khác, vừa bán lẻ cho đối tượng tiêu dùng cũng khá lớn.

Còn các địa điểm bán lẻ thuốc lá (như quán bar, hàng rong, quán chè) vẫn được phép bán thuốc lá nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Các điểm bán lẻ này chịu những quy định gì và việc xử lý các vi phạm của các điểm bán lẻ này như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Huy Quang: Đối với quán bar, hàng rong, hàng vỉa hè, các cơ quan quản lý thị trường sẽ chủ động thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh của họ như: không được trưng bày quá 1 bao đối với mỗi loại sản phẩm nhãn hiệu thuốc lá; phải cách các cơ sở giáo dục từ 100m trở lên; không được bán cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Đây cũng là quy định đối với tất cả các điểm kinh doanh thuốc lá dù là bán buôn hay bán lẻ.

Trên thế giới, không có một quốc gia nào có được đội ngũ thanh kiểm tra hiện diện trên mọi nẻo đường của cả nước để kiểm tra mà chủ yếu dựa trên sự hiểu biết về mặt pháp luật và tính tự giác tuân thủ các quy định pháp luật của những người bán hàng. Các cơ quan thanh, kiểm tra chỉ kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong từng thời điểm nhất định.

Tuy nhiên, ở nước ta cũng đã có quy định các cơ quan có chức năng xử phạt vi phạm. Ví dụ, xử phạt hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì phối hợp với thanh tra các bộ, ngành, các lực lượng công an, quản lý thị trường.

Đối với việc trưng bày thuốc lá, cấp giấy phép hoạt động sản xuất bán lẻ thuốc lá thì do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác, trong đó có Bộ Y tế, để thanh tra kiểm tra các vi phạm như: trưng bày, giấy phép, nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng… Còn việc quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị thuốc lá trên các loại hình văn hóa, nghệ thuật… do Thanh tra của Bộ VHTTDL quản lý và xử phạt; Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với người có thẩm quyền xử phạt việc quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm…

Với vai trò chỉ đạo và nhiệm vụ của mình, nếu các bộ, ngành cùng thực hiện một cách tích cực và có trách nhiệm, tôi tin rằng những quy định trong Nghị định 67 sẽ đảm bảo được tính khả thi trong thực tiễn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hà thực hiện

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/xung-quanh-viec-thuc-thi-nghi-dinh-ve-chong-tac-hai-cua-thuoc-la/178973.vgp