Xung quanh việc tìm HLV trưởng Đội tuyển quốc gia: Giao quyền phải giám sát quyền

Cuộc họp mổ xẻ thất bại của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) đã kết thúc mà không có bất ngờ nào. Các thành viên Hội đồng Huấn luyện viên (HLV) quốc gia và cả HLV Nguyễn Hữu Thắng đã đi đến kết luận, thất bại thuộc về chiến thuật chứ không phải là chiến lược.

Bên cạnh đó, bài toán về việc tìm người thay thế ông Thắng đã được đặt ra.
Bài học cay đắng
Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia, cựu danh thủ và là người nhiều lần làm Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam Nguyễn Sỹ Hiển đã phải thốt lên sau cuộc họp mổ xẻ thất bại của U22 Việt Nam là “Chúng ta đã có bài học cay đắng”. Cay đắng bởi bóng đá Việt Nam đã có một đội ngũ tài năng. Đội ngũ ấy đã được chuẩn bị cho SEA Games công phu nhất từ trước đến nay. Từ 2 năm trước, VFF đã đầu tư cho lứa cầu thủ tài năng với mục tiêu phải giành vàng SEA Games. Tuy nhiên, binh hùng nhưng tướng không mạnh, hay nói đúng hơn là thiếu bản lĩnh trận mạc khiến bóng đá Việt Nam phải tiến hành cuộc mổ xẻ để luận tội lẫn nhau. Đáng nói nhất, lần đầu tiên kể từ thất bại tại SEA Games, HLV Hữu Thắng đã phải thừa nhận với các bậc tiền bối trong làng bóng đá là mình chủ quan, khinh địch và non kém trong cầm quân khiến đội nhà phải trả giá đắt.

Ông Thắng chấp nhận trả giá cho sai lầm của mình bằng chiếc ghế HLV trưởng. Nhưng, vấn đề được nhiều người quan tâm chính là việc tại sao những hạn chế của ông Thắng vốn đã được chỉ ra từ sau AFF Cup 2016 khi HLV này có biểu hiện cục bộ một cách nặng nề nhưng không được giải quyết dứt điểm. Thậm chí, trước SEA Games, rất nhiều tờ báo đặt ra câu hỏi, tại sao ông Thắng lại từ chối những cộng sự giỏi như Giám đốc kỹ thuật Gede, HLV trưởng U20 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn, nhưng không ai có thể can thiệp? Đặc biệt, rất nhiều chuyên gia của VFF đã giận tím mặt khi ông Thắng thay đổi những cam kết về chuyên môn nhưng chẳng thể làm gì.
Phải cầm cương được tướng
Trước đây, VFF luôn giành về mình đặc quyền xây dựng bộ khung ban huấn luyện. Bộ khung ấy phải là những nhà chuyên môn cứng, thậm chí có thể tạm quyền dẫn dắt đội tuyển quốc gia như các ông Nguyễn Thành Vinh, Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ... Thế nhưng, kể từ khi HLV Miura bị ông bầu Đoàn Nguyên Đức và những người ủng hộ đánh bật khỏi vai trò HLV trưởng đội tuyển quốc gia thì VFF không còn giữ được quyền tự chủ của mình. HLV Hữu Thắng nắm quyền lực rất lớn ở đội tuyển. Ở đó, ông Thắng được gọi những trợ lý thân thiết và gọi lên đội tuyển phần lớn là những cầu thủ thuộc biên chế HAGL hoặc cùng quê Nghệ An.
Nói thẳng, một trong những lý do khiến đội tuyển thất bại thời gian vừa qua là VFF đã không thể kiểm soát được quyền lực vốn đã giao cho HLV Hữu Thắng. Sự non kém về bản lĩnh cầm quân, bảo thủ trong chuyên môn xuất phát từ việc ông Thắng quá tin vào khả năng của mình. Bất ngờ ở chỗ, một người làm thuê lại có quyền từ chối ông chủ. Không phải HLV Hữu Thắng có cái uy bao trùm thiên hạ, cũng chẳng phải VFF non kém đến mức để người làm thuê qua mặt. Vấn đề ở chỗ, quyền lực của người chống lưng ông Thắng quá lớn khiến tất cả phải dè chừng vì sợ làm trái ý “người được lựa chọn”.
Thêm một lần nữa bóng đá Việt Nam lại tìm HLV trưởng và từ bài học cay đắng đã có, cơ quan quản lý cần có sự nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Tôn trọng quyền lực HLV là điều bắt buộc phải làm nhưng nếu không hình thành được cơ chế phản biện, giám sát và thậm chí là uốn nắn các nhà cầm quân thì những sai lầm rất dễ mắc phải. Nhưng cái khó là VFF chỉ có tiếng nói với HLV khi họ có được tiếng nói chung ở cấp thượng tầng. Bởi nếu không sẽ xuất hiện tình trạng phe này, cánh nọ lợi dụng chuyện chuyên môn ở đội tuyển để tấn công đối thủ như đã từng xảy ra thời gian vừa qua. Vậy mới nói, kiểm soát quyền lực ở đội tuyển quốc gia thật chẳng dễ chút nào.

Bình Giang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xung-quanh-viec-tim-hlv-truong-doi-tuyen-quoc-gia-giao-quyen-phai-giam-sat-quyen-298051.html