Xung quanh việc xử phạt xe không mang giấy tờ gốc: Báo cáo xin ý kiến Thủ tướng

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp diễn ra ngày 20/7, lãnh đạo Bộ Tư pháp thông tin, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc CSGT xử phạt phương tiện tham gia giao thông khi không mang bản chính đăng ký.

Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện có khoảng 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thực hiện việc thế chấp tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Khi tham gia giao thông, những người điều khiển phương tiện có thế chấp sử dụng bản sao đăng ký xe có công chứng và chứng nhận của các ngân hàng nhận thế chấp. Tuy nhiên, việc CSGT xử phạt cũng có cơ sở pháp lý, tuân thủ theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền áp dụng khi tham gia giao thông điều khiển phương tiện là ô tô, xe máy không có đăng ký xe. Trong khi đó, các ngân hàng giữ bản chính giấy tờ đăng ký xe xuất phát từ việc họ muốn đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh, tránh phát sinh nợ xấu. Điều này dẫn đến sự hoang mang, băn khoăn của người dân, những người đang có ý định thực hiện phương thức thế chấp tại các tổ chức tín dụng để mua ô tô, xe máy.

Theo ông Sơn, hệ thống pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, minh bạch. Quá trình nghiên cứu, Bộ Tư pháp thấy đây là vấn đề liên quan đến nhiều quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm, về giao thông đường bộ, pháp luật về chứng thực quy định bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính. Hiện, Bộ Tư pháp đã nhận được ý kiến phản ánh của một số ngân hàng và tổ chức tín dụng, ý kiến của luật sư cũng như ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Hiệp hội Ngân hàng… “Người dân cùng tuân thủ cả hai loại pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ và giao dịch bảo đảm là gây khó cho dân. Nếu tiếp tục xử phạt với người tham gia giao thông không mang theo giấy đăng ký xe bản chính có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính, kinh tế, người dân có thể không thực hiện việc thế chấp vay vốn” - ông Sơn nêu thực tế.

Hơn nữa, theo ông Sơn, trong điều kiện pháp luật có những điểm không quy định cụ thể về việc người tham gia giao thông phải mang bản chính giấy đăng ký xe cũng là vấn đề cần nghiên cứu, kiến nghị đề xuất xử lý. Ngoài ra, việc cân nhắc thực tế phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích, tạo điều kiện để phát huy thế mạnh, tiềm lực của các thành phần kinh tế. Cân nhắc những yếu tố trên, Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất phương án giải quyết trước mắt cũng như giải pháp dài hơi. Đây là vấn đề nóng, văn bản gửi mang tính chất hỏa tốc. Khi Thủ tướng có xem xét, cân nhắc, quyết định sẽ thông tin tới báo chí. Về lâu dài, cần điều chỉnh hệ thống pháp luật đồng bộ, để người dân, DN cũng như cơ quan thực thi pháp luật có cơ sở thực hiện thống nhất.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xung-quanh-viec-xu-phat-xe-khong-mang-giay-to-goc-bao-cao-xin-y-kien-thu-tuong-293500.html