Xuống biển với những mảnh đời sau bão

Đây không phải lần đầu tiên Hội Tin học trẻ Hà Nội cùng NNVN tham gia cứu trợ đồng bào lũ lụt. Vẫn những con người ấy, trẻ, năng động và đều có một tấm lòng nhân ái…

Trắng tay sau bão lũ Xuất phát từ Hà Nội trưa ngày 19/10, vào tới Huế đã 3 giờ sáng hôm sau, các anh quyết định nghỉ lại Huế mấy tiếng đồng hồ cho “nguội” xe, sáng sớm ngày 20/10, năm giám đốc đại diện cho Hội Tin học trẻ Hà Nội (gồm 60 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin) tất tả vào Quảng Nam. Kế hoạch của đoàn chúng tôi sẽ dùng toàn bộ số tiền 130 triệu đồng quyên góp được để mua gạo, giúp cho bà con có cái ăn trước mắt, nhưng ông Trần Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, bảo: Bà con vùng lũ cái gì cũng thiếu, cũng cần. Lũ rút, Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ cho huyện 210 tấn gạo, chúng tôi đã phát cho người dân rồi. Thời điểm này mới bắt đầu vào mùa mưa bão, các anh hỗ trợ cho người dân mỗi gia đình thùng mì tôm để họ dự trữ, khi có bão lũ thì sẵn cái ăn. Mặt khác, trận bão vừa qua làm cho rất nhiều nhà dân bị tốc nếu còn dư thì các anh hỗ trợ cho người dân ít tiền để họ mua tôn lợp lại nhà. Đó mới là những thứ người dân cần nhất lúc này. Vậy là có sự thay đổi so với dự định ban đầu, nhưng cuộc hội ý của chúng tôi chỉ diễn ra trong chốc lát. Từ thị trấn Vĩnh Điện về các xã phía Đông của huyện Điện Bàn, đâu đâu cũng thấy cảnh hoang tàn, những hàng cây ven đường vẫn còn in dấu bùn non đợt lũ vừa qua. Chỉ tay về những ruộng lúa phủ đầy rơm rác, cát bồi, Phó Chủ tịch Trần Minh An, thở dài: Toàn huyện có trên 200 ha đất ruộng bị bùn, cát sỏi bồi lấp. Rồi mai đây hết lũ người dân lại phải nai lưng ra dọn dẹp mới may sản xuất được. Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân tới là xã Điện Nam Đông, 13 giờ chiều, khuôn viên UBND xã đã đông nghịt người. Bão, lũ đi qua đã để lại cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Chị Nguyễn Thị Liên, ở thôn 7A, những ngày này như người mất hồn, bởi chồng chị là anh Trần Văn Năng đã ra đi vĩnh viễn để lại đứa con trai đang học lớp 10 cho chị. Chị Liên kể, hôm 29/9 bão vào, ngôi nhà rung lên bần bật trước trận cuồng phong, anh Năng vội vã lên chằng chống lại thì bị gió thổi văng xuống đất, anh bị chấn thương sọ não, rồi qua đời sau đó hai ngày. Nhìn căn nhà trống hua trống hoác khiến đoàn chúng tôi không cầm được nước mắt. Nhận một triệu đồng cứu trợ của Hội Tin học trẻ Hà Nội, chị Liên rưng rưng nước mắt: “Các anh hỗ trợ trong lúc này quý lắm, nhưng rồi đây biết lấy đâu ra tiền để lo cho con ăn học đây”. Nhà anh Ngô Văn Thành, ở thôn 7A bị cơn bão thổi bay toàn bộ mái tôn. Không có tiền để sửa sang lại, những ngày sau bão lũ, vợ anh và hai con nhỏ đành sang ở tá túc ở nhà bố mẹ. Thương tình, làng xóm đã chung tay dựng làm lại để lũ trẻ có cái che nắng che mưa. Anh Thành kể: “Nhà bị tốc mái cùng với nước lũ lên nhanh quá, trở tay không kịp. Tài sản trong nhà hư hết, lúa gạo không dùng được nữa”. Gần hai trăm suất quà được Hội Tin học trẻ Hà Nội nhanh chóng trao cho bà con. Đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường tới xã Điện Nam Trung. Bí thư Đảng ủy xã Đặng Hữu Lý tâm sự: Sau lũ người dân nơi đây mới nhận được gạo cứu trợ của Nhà nước còn quà của các nhà hảo tâm thì vẫn chưa về tới xã Điện Nam Trung. Trận lũ bão vừa qua toàn xã thiệt hại lên tới gần 14 tỷ đồng”. Một miếng khi đói… Năm trăm suất quà đã được đoàn chúng tôi chuyển tới tay người dân 3 xã Điện Nam Đông, Điện Nam Trung và Điện Nam Bắc. Họ những con người miền Trung nổi tiếng chịu thương chịu khó. Bàn tay chai sạn của họ đã dựng nên cơ nghiệp, thế mà... Anh Nguyễn Ngọc Dư, Giám đốc Cty Tin học Hòa Đức chia sẻ: Thực tình, anh em trong đoàn, ai cũng muốn sớm lên đường nhưng thời gian chúng tôi rất eo hẹp, phải thu xếp mãi anh em mới bố trí về được với bà con vùng bão lũ Điện Bàn. Phó Chủ tịch Trần Minh An tâm sự: Các anh trong đoàn đều là các giám đốc Cty tin học ngoài Hà Nội mà dành thời gian đến với bà con bão lũ Điện Bàn, chúng tôi mừng lắm. Sau trận bão lũ vừa qua, toàn huyện có 5 người chết, 81 người bị thương, đã có 61 ngôi nhà bị sập, 294 ngôi nhà bị tốc mái, 25.000 hộ bị nhấn chìm trong lũ sâu trên 1,2m, hàng trăm phòng học bị tốc mái. Hệ thống giao thông, thủy lợi và đặc biệt là ngành nông nghiệp… đều bị tàn phá nặng nề. Tổng thiệt hại toàn huyện lên tới 118,5 tỷ đồng. Còn anh Bùi Hữu Cư, Giám đốc Cty Tin học Hạ Long, Chủ nhiệm CLB Giám đốc ngành CNTT Hà Nội, thì bảo: Thông qua những chuyến đi như thế này bọn mình muốn chia sẻ tình cảm với bà con vùng bão lũ những mất mát đau thương, mong bà con nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Chuyến đi này là tiền của gần 60 doanh nghiệp tin học Hà Nội đóng góp nhưng do thời gian không có nên chỉ có 5 “ông” đi được thôi. Trong lần trao quà này với người dân vùng bão lũ Điện Bàn, chúng tôi và Hội Tin học trẻ Hà Nội còn dành 38 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 ngàn đồng để gửi tới các Mẹ Việt Nam anh hùng đang sinh sống tại 4 xã Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông và Điện Ngọc. Số tiền tuy không lớn nhưng những thành viên trong đoàn ai cũng tâm niệm, mong muốn được chia sẻ những nỗi đau của các Mẹ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, và nay nơi các Mẹ sinh sống hàng ngày phải vận lộn với thiên tai. Theo thống kế của Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện thì 4 xã này có hơn 500 Mẹ Việt Nam anh hùng nhưng nay chỉ 38 mẹ còn sống. Trao xong các phần quà cho người dân vũng lũ Điện Bàn đã 5 giờ chiều, tôi tưởng nhóm giám đốc sẽ nghỉ lại hôm sau mới về Hà Nội, nhưng anh Ngô Văn Toản, Giám đốc Cty Tin học Quang Hưng bảo: “Chúng tôi lên đường về Hà Nội ngay trong đêm để hôm sau kịp làm việc”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/24/24/41304/default.aspx