Ý tưởng rút ngắn 300km trên hành trình Bắc - Nam

Ông Mai Trọng Tuấn,tác giả đường bay "vàng" Hà Nội - TP HCM vừa tiếp tục cho công bố sáng kiến "Mở tuyến xa lộ xuyên Đông Dương" để rút ngắn hành trình từ Hà Nội đi TP HCM xuống còn 1.450km.

Dù 2 tuyến đường bộ xuyên Việt là quốc lộ 1A và 1B đã được nâng cấp, mở rộng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tốc độ lưu thông bình quân của các loại ôtô chỉ đạt trên 50km/h; đi từ Hà Nội vào TP HCM phải mất hơn 30 tiếng… để giải quyết thực trạng này, ông Mai Trọng Tuấn, người từng đưa ra đề xuất táo bạo "Thương mại hóa, dân sự hóa" ngành vận tải hàng không cách đây gần 30 năm và tác giả đường bay "vàng" Hà Nội - TP HCM dọc kinh tuyến 106 độ Đông vừa tiếp tục cho công bố sáng kiến "Mở tuyến xa lộ xuyên Đông Dương" để rút ngắn hành trình từ Hà Nội đi TP HCM xuống còn 1.450km. Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Trọng Tuấn khẳng định: Hiện tại, khi tuyến đường bộ xuyên Á chạy qua lãnh thổ nhiều quốc gia trong châu lục đã được khởi động từ lâu và được kết nối gần như hoàn chỉnh… Thì việc mở một tuyến xa lộ xuyên Đông Dương để rút ngắn hành trình từ Bắc vào Nam không còn là ý tưởng xa vời. Ông Tuấn cho biết, đã từng có nhiều dịp qua Lào bằng đường bộ, nên dọc tuyến ông đề xuất mở đường bộ xuyên Đông Dương hầu hết được dựa trên những tuyến có sẵn. Đoạn chạy trên nước bạn Lào, Campuchia đều có địa hình bằng phẳng, trục đường hướng theo hướng Bắc - Nam nên các điểm lượn vòng cung hoặc rẽ ngoặt không nhiều. Đường lại chủ yếu chạy qua những vùng dân cư thưa thớt nên việc quản lý sẽ dễ dàng hơn. Về mùa mưa lũ, chạy xe trên tuyến này sẽ thuận lợi hơn chạy trên quốc lộ 1A và 1B. Chỉ cần dựng rào chắn 2 bên, tốc độ sẽ đạt 80 - 120km/h, khi đó ôtô đi từ Hà Nội vào TP HCM chỉ mất 16 - 18 tiếng. Đặc biệt, khi các quốc gia phối hợp mở được tuyến đường bộ xuyên Đông Dương, TNGT trên quốc lộ 1A sẽ giảm. "Rút ngắn được thời gian chạy xe trên đường nhiều như vậy, dù có thu phí đường bộ với mức cao và phải chờ đợi làm thủ tục kiểm soát, lái xe vẫn sẵn sàng chấp nhận", ông Tuấn khẳng định. Thực trạng giao thông trên quốc lộ 1A. Ảnh: Đ.T. Ngoài đường bộ, ông Mai Trọng Tuấn còn đề xuất mở thêm tuyến đường sắt chạy song hành cạnh tuyến đường bộ xuyên Đông Dương này. Theo lý giải của ông Tuấn, đường sắt trong nước cũng đã kết nối vào tuyến liên vận với hệ thống đường sắt Trung Quốc nên việc các nước trong khu vực đàm phán, thương lượng mở tuyến quốc tế để sử dụng chung cũng không quá xa lạ. Với đường sắt, trước thực trạng tuyến đường sắt khổ 1m hiện tại đã lạc hậu nhưng vẫn phải cho nhiều loại tàu có tốc độ khác nhau cùng vận hành chung… ông Tuấn cho rằng 2 yếu tố căn bản để tăng tốc độ tàu là mở rộng khổ đường và làm đường riêng. Tuy nhiên, mở rộng tuyến hiện hữu khi đường sắt chủ yếu chạy ven biển hoặc chân núi, nhiều sông suối đổ ngang từ núi cao xuống… về mùa mưa lũ, dù là đường sắt cao tốc cũng vẫn có thể bị tê liệt như thường. Theo đề xuất của ông Tuấn, đoạn từ Hà Nội đến Đức Thọ, Hà Tĩnh vẫn giữ nguyên khổ 1m và áp dụng sáng kiến "Dùng tà vẹt 3 ray" của kiến trúc sư Trần Đình Bá để lắp thêm 1 ray, mở rộng khổ đường lên 1m435 theo chuẩn quốc tế mà không gây ảnh hưởng đến việc vận hành hiện tại. Từ Hà Tĩnh, sẽ xây dựng đường theo khổ chuẩn 1m435 rẽ lên phía Bắc Quảng Bình, vượt qua biên giới Việt - Lào, đoạn chạy cặp theo đường bộ xuyên Đông Dương, qua Campuchia vẫn bằng khổ đường 1m435. Sau tới Lộc Ninh để về TP HCM, tuyến đường sắt mới này tiếp tục được xây dựng theo khổ đường chuẩn. Theo ông Tuấn, khi mở rộng khổ đường, đoạn đường lồng 3 ray từ Hà Nội đến Hà Tĩnh có nhiều loại tàu cùng vận hành; lại chạy qua nhiều khu dân cư, đường ngang… nên tốc độ tàu chỉ đạt 100km/h. Đoạn từ Bắc Quảng Bình qua Lào, Campuchia tàu chạy trên địa hình bằng phẳng, đường độc lập nên tốc độ tàu sẽ đạt từ 150 - 200km/h. Nếu làm mới thêm 1 đoạn từ Phủ Lý đến Ninh Bình để nắn thẳng đường sắt, hành trình từ Hà Nội đi TP HCM theo hướng tuyến này sẽ rút ngắn còn khoảng 1.350km; thời gian chạy tàu giảm còn dưới 10 tiếng… Theo phác thảo của ông Tuấn, tuyến xa lộ xuyên Đông Dương sẽ gồm 3 đoạn, đoạn đầu chạy trên lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ Hà Nội tới đèo Mụ Giạ, phía Bắc Quảng Bình và đoạn cuối từ Lộc Ninh, Bình Phước đến TP HCM có tổng chiều dài khoảng 540km. Từ Hà Nội, chạy dọc theo trục Bắc - Nam, sau khi tiếp giáp với biên giới Việt - Lào tại Quảng Bình, con đường sẽ nối với đường 23 của Lào, xuôi xuống Mường Phìn, tới Xalavan. Từ vị trí này, tuyến đường xuyên Đông Dương có thể chia theo một trong 2 hướng là rẽ phải theo đường 14 về Pakse hoặc mở đường thẳng tới Pakse để tiếp tục xuôi theo đường 14, thẳng tới biên giới giữa Lào với Campuchia ở khu vực ngã tư Stungtreng. Từ điểm tiếp nối tại lãnh thổ vương quốc Campuchia này, tuyến đường sẽ tiếp tục xuôi về Kratie và theo đường bộ có sẵn, qua biên giới Campuchia - Việt Nam để về Lộc Ninh, qua Bình Dương và vào TP HCM.

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/thoisuxahoi/tintucsukien/2010/5/163295.cand