'Ý tưởng táo bạo' của cậu học sinh lớp 12 về nhà chống động đất

Một em học sinh lớp 12A2 Trường THPT Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vừa mới thiết kế ra mô hình nhà chống động đất theo cấu trúc miễn chấn và đoạt giải nhì tại cuộc thi "Sáng tạo trẻ Quảng Trị".

Em Hoàng Công Phước Khánh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) với việc sáng chế ra mô hình nhà chống động đất đã được BTC cuộc thi "Sáng tạo trẻ Quảng Trị" năm 2016 trao giải nhì (không có giải nhất).

Em Hoàng Công Phước Khánh (học sinh lớp 12A2 Trường THPT Vĩnh Linh) người sáng chế ra mô hình nhà chống động đất

Trao đổi với PV, em Hoàng Công Phước Khánh tâm sự, thông qua các trang mạng, ti vi, báo, đài nhiều địa phương ở nước ta và cả nước ngoài (như Nhật Bản - PV) luôn luôn xảy ra nhiều vụ động đất, rung chấn, sóng thần và trong đó các đô thị ngày càng nhiều nhà cao tầng. Tuy nhiên, việc xem xét, phê duyệt thiết kế hầu như rất ít tính đến khả năng chống chọi với thiên tai động đất.

Từ đó, Khánh đã nghĩ ra mô hình nhà chống động đất theo cấu trúc miễn chấn từ tháng 4/2016. Đến đầu tháng 5/2016, thì nộp lên BTC cuộc thi "Sáng tạo trẻ Quảng Trị" năm 2016.

Mô hình được Khánh giải thích: "Nếu có động đất, chấn động sẽ tác động trực tiếp vào phần móng, theo lực quán tính thì ngôi nhà bình thường có thể rạn nứt hoặc sập ngay. Còn mô hình cấu trúc miễn chấn là cấu trúc làm giảm thiểu dao động của tòa nhà xuống mức thấp nhất có thể, tăng cường khả năng chống chịu động đất của tòa nhà.

Cụ thể, trong cấu trúc miễn chấn, sẽ lắp vào phần hệ thống móng nhà các bộ phận miễn chấn, có tác dụng hấp thu các rung lắc của động đất, làm cho năng lượng động đất khó truyền đến toàn bộ tòa nhà. Điểm quan trọng là phần móng được sắp xếp các nan sắt đặt song song theo phương thẳng đứng, kết nối với nhau qua các thanh sắt hình zidzac để giảm ma sát từ tòa nhà khi có chấn động. Từ đó, phần móng được hạn chế lực tác động từ động đất rất đáng kể.

Mô hình nhà chống động đất của em Hoàng Công Phước Khánh.

Tại phần thân nhà, gồm khung thép, các khung dầm có nhiều thanh sắt đan chéo nhau tạo sự chắc chắn cho tòa nhà. Với mô hình này, một ngôi nhà 2 gian chống động đất chỉ chịu chi phí lắp đặt hệ thống móng miễn chấn, cao hơn 25-30% so với một ngôi nhà thông thường, nhưng người sống trong ngôi nhà này sẽ được yên tâm hơn.

Sau khi tham gia cuộc thi “Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị” năm 2016 và được đánh giá rất cao nên mô hình nhà chống động đất vinh dự được chọn tham dự cuộc thi “Sáng tạo trẻ toàn quốc” trong thời gian sắp tới.

"Không chỉ riêng chống động đất, để thành hiện thực em sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện thêm về chống bão, lũ, cháy cho mô hình này. Tuy nhiên, em cũng cần sự giúp đỡ, đầu tư của các nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp" - em Khánh nói.

Nói về học trò của mình, thầy Nguyễn Hoài Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Linh cho biết: Em Khánh được sinh ra, lớn lên ở một vùng quê nhiều thiên tai, chịu hậu quả của chiến tranh và được sống trong môi trường, gia đình (bố là kỹ sư xây dựng - PV) có truyền thống đam mê về công nghệ đã tạo tiền đề để em đã có "ý tưởng táo bạo" về làm nhà chống động đất.

Phía nhà trường cũng tạo điều kiện và hỗ trợ các trang thiết bị cho em Khánh cũng như các em khác nếu có đam mê công nghệ. Vì thế, năm nào nhà trường cũng có học sinh đạt giải cấp tỉnh về sáng tạo trẻ - thầy Nam cho biết thêm.

Hà Oai - Đặng Sơn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/y-tuong-tao-bao-cua-cau-hoc-sinh-lop-12-ve-nha-chong-dong-dat-post218431.info