Ý tưởng táo bạo của châu Á

Theo các chuyên gia, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ tiếp tục tăng trưởng sau khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là tại châu Á. Từ lâu, mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC 21) đã ấp ủ ý tưởng phát triển máy bay chở khách nhỏ và vừa để đáp ứng yêu cầu đó.

(HNM) - Châu Á, thị trường tiềm năng Nói tới ngành công nghiệp sản xuất máy bay dân dụng thế giới, hai cái tên thường được nhắc tới là Airbus (của châu Âu) và Boieng (của Mỹ). Hai hãng này gần như thống trị tuyệt đối trong việc cung cấp máy bay cho các hãng vận tải hàng không. Với nguồn nhân lực dồi dào, sự năng động của các nền kinh tế, châu Á thực sự là một thị trường hàng không hết sức tiềm năng. Theo Tiến sỹ Kazuhiro Nakahashi (Trường Đại học Tokohu - Nhật Bản), thời gian tới nhu cầu sử dụng máy bay tại châu Á là rất lớn. Dự kiến khoảng 1/3 số máy bay sản xuất trên thế giới sẽ được sử dụng tại châu Á, nơi chiếm phần lớn dân số thế giới. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, tại khu vực này cần thêm khoảng 5.000 chiếc máy bay mới. Tại Việt Nam, phát triển đội bay hiện đại cũng là một đòi hỏi cấp thiết. Và trên thực tế, Chính phủ đã cho phép Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đầu tư phát triển, hiện đại hóa đội bay. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, tham vọng của hãng là vươn lên trở thành hãng hàng không thứ 2 tại khu vực (chỉ sau Singapore Airlines), từ vị trí thứ 4 hiện nay. Để đạt được điều đó, từ nay đến năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến mua thêm khoảng 100 máy bay để nâng đội bay lên 150 chiếc, trong đó máy bay nhỏ và vừa chiếm hơn một nửa (87/150). Các hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy bay hoặc thiết bị tại khu vực này. Airbus đầu tư xây dựng một dây chuyền sản xuất máy bay A320 tại Thiên Tân (Trung Quốc). Nhiều công ty của Trung Quốc, Nhật Bản… cũng sản xuất chi tiết, thiết bị cho Airbus, Boeing. Tại Việt Nam, mới đây, Tập đoàn Mitshubishi (Nhật Bản) cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay Boeing. Hợp tác sản xuất máy bay Một trong những dự án chung quan trọng mà Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI đề ra là "Tăng cường phát triển máy bay chở khách loại vừa và nhỏ". Có thể nói, đây là ý tưởng hết sức táo bạo, nhưng hoàn toàn có cơ sở. Theo Tiến sỹ Kazuhiro Nakahashi, dân số là lợi thế vô cùng lớn của châu Á trong việc hợp tác đa phương để thực hiện dự án. Tại hội nghị Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI diễn ra năm 2002 tại Tokyo, Thị trưởng thành phố Tokyo khi ấy là ông Ishihara đặc biệt nhấn mạnh tới việc hợp tác, phát huy nội lực để phát triển sản xuất máy bay vừa và nhỏ. Nhật Bản, Trung Quốc đều đã có dự án sản xuất máy bay. Tiến sỹ Kazuhiro Nakahashi cho biết, Nhật Bản đã có chương trình phát triển máy bay Boeing 787, trong đó Hãng Hàng không Japan Airlines góp tới 35% vốn. Cách đây nửa thế kỷ, phần lớn người dân Nhật Bản chẳng nghĩ tới việc ô tô do nước họ sản xuất lại có thể xuất khẩu sang Mỹ, nhưng điều này đã trở thành hiện thực. Không những thế, các hãng sản xuất ô tô của Nhật đang là một thế lực thực sự trên thế giới. Đây cũng là cơ sở, là động lực thôi thúc phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy bay. Tại hội nghị mới đây tại Hà Nội của Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI về dự án chung "Tăng cường phát triển máy bay chở khách loại vừa và nhỏ", Tiến sỹ Kazuhiro Nakahashi khẳng định, việc liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không tại châu Á là đặc biệt cần thiết. Các nước châu Âu đã hợp tác xây dựng thành công tên tuổi Airbus, xa hơn nữa là Tập đoàn Hàng không vũ trụ (EADS) hùng mạnh. Châu Âu làm được, châu Á thì sao? Nguyễn Đức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/42/223394/