Yên Bái: Nơi rừng đang 'chảy máu' - Kỳ 4: Câu hỏi về 'bàn tay đen'?

Những kẻ tò mò không quá khó khăn để “moi móc” thông tin về đường đi nước bước từ các tay “cò” bản địa, nhưng một số khác thì không, hoặc đang cố tình đưa tay bịt mắt.

Tại kỳ thứ 4 của loạt phóng sự Yên Bái: Nơi rừng đang “chảy máu”, nhóm PV xin phép được tạm dừng mạch kể của cuộc hành trình vào tâm vùng gỗ lậu Lang Thíp để nhắc lại những điều mà các nhà báo đã gặp, cảm nhận từ năm 2010. Tất cả những điều họ nói từ 6 năm trước, nếu lắp ghép với những gì nhóm PV ghi nhận mới đây thì dường như cũng không lệch lạc.

Câu chuyện với Q. càng đưa đẩy những hồ nghi của nhóm PV về sự tồn tại của một "thế lực ngầm", khi Q. nhắc đến nhà máy giấy, những cung đường ngang dọc Tây Bắc, chúng tôi tự hỏi vì sao có thể? Rồi nhớ lại những gì các nhà báo từng tham gia cuộc chiến chống gỗ lậu tại đây từ năm 2010, khi mà việc khai thác tràn lan, bừa bãi này mới bị phanh phui.

Những nhà báo ở báo Nông Nghiệp là Nguyên Huân – Hoàng Chiến khi đó đã từng viết: “Vậy làm thế nào để tiếp cận được những cánh rừng trên dãy núi Con Voi đang kêu cứu?”.

Không còn lựa chọn nào khác, họ phải phi xe hơn 100 cây số vòng sang phía bên kia dãy núi thuộc huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Từ đây, với sự trợ giúp của một người dẫn đường, họ mới xâm nhập được dãy núi Con Voi từ bên trong.

Con đường mòn sâu hoẵm, do lâm tặc kéo gỗ mòn xuống (Ảnh: NN)

Bài viết ghi nhận hàng chục khối gỗ được khai thác, tiêu thụ mỗi ngày nhưng nực cười thay, sau khi báo lên, hạt kiểm lâm phối hợp với UBND xã Lang Thíp đi kiểm tra thì triệu tập 4 đối tượng có hành vi “chuẩn bị “ hạ 1 cây Sến.

"Cây đã có chủ", một tín hiệu đánh dấu của lâm tặc. (Ảnh: NN)

Cũng vào thời điểm đó cây viết phóng sự nổi tiếng là nhà báo Đỗ Doãn Hoàng báo Lao Động cũng thực hiện loạt phóng sự về tình trạng phá rừng ở Văn Yên, lột tả chân thực được những thứ đang diễn ra tại khu rừng Nà Hẩu. Tuy nhiên, bằng sự nhạy cảm của một nhà báo, những nghi ngờ về việc vì sao cán bộ kiểm lâm cấp toàn bộ tài liệu về nạn chặt phá rừng mà không xử lý? Vì sao trên toàn bộ hành trình, anh lại được bố trí đường đi, nước bước cụ thể? Vì sao tại hiện trường chỉ thấy những cây gỗ lớn bị đốn hạ mà không thấy bóng dáng lâm tặc đang hoạt động ?

Vì sao tại hiện trường chỉ thấy những cây gỗ lớn bị đốn hạ mà không thấy bóng dáng lâm tặc đang hoạt động? (Ảnh: LĐ)

Và vị ký giả này đã nghi ngờ rằng mình có thể đang là “quân cờ” trong việc đấu đá nội bộ lãnh đạo ở đây. Mãi về sau, năm 2015 trong bài viết của mình, nhà báo đó mới cay đắng thừa nhận: “Sự việc chỉ bị tố cáo, khi mà chính lực lượng kiểm lâm sở tại có ý định “chơi” nhau. Cụ thể là khi ông Nguyễn Đức Thiện - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Văn Yên - được điều lên làm Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, cái chức lãnh đạo kiểm lâm huyện được ba bề bốn bên xông vào xâu xé. Việc chúng tôi bị “xúi” lên điều tra về rừng Nà Hẩu, cũng là nằm trong kế hoạch của những người muốn “ân oán giang hồ có ngày phải trả”.

Và tiếp tục cho đến ngày hôm nay, khi nhóm PV một lần nữa quay lại Văn Yên, gỗ vẫn đang bị đốn gục từng ngày như một lẽ “phải thế”, gỗ vẫn được đưa về xuôi bằng vạn con đường không hề bí mật. Những kẻ tò mò không quá khó khăn để “moi móc” thông tin về đường đi nước bước từ các tay “cò” bản địa hám tiền, nhưng một số khác thì không, hoặc đang cố tình đưa tay bịt mắt!

(còn nữa...)

Nhóm PV (T/H)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/yen-bai-noi-rung-dang-chay-mau-ky-4-cau-hoi-ve-ban-tay-den-a257769.html