Yên tâm với nguồn gốc rau sạch

Ngày 18-1, TP Hồ Chí Minh chính thức đưa chương trình truy xuất nguồn gốc rau sạch bằng điện thoại thông minh đến người tiêu dùng. Như vậy, sau thịt heo, rau củ quả cũng bắt đầu có 'chứng minh thư'. Đây là cố gắng vượt bậc của thành phố nhằm giúp người dân yên tâm hơn với thực phẩm, đồng thời là hành động cụ thể vận động người sản xuất hướng đến một nền nông nghiệp an toàn.

Sáng sớm, tại siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), khá đông người dân xếp hàng ở các quầy rau VietGAP, rau có bao gói để “soi” nguồn gốc. Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng in-tơ-nét, cài đặt ứng dụng Zalo hoặc có chương trình quét mã QR, đưa đến gần con tem trên sản phẩm và chụp hình, trong tích tắc, những thông tin về tên người trồng, địa chỉ, ngày bón phân, các loại phân đã dùng, thời gian cách ly… đều được công khai. Bà Hải Yến (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) không khỏi bất ngờ: “Hay quá! Như thế này thì không còn lo rau thu hoạch không đúng thời gian cách ly nữa rồi. Thật an tâm với nông sản sạch”.

Để làm được điều đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao (DAA) khởi động chương trình từ tháng 5-2016. Đơn vị làm thí điểm là hai hợp tác xã (HTX) Phú Lộc, Phước An và Công ty cổ phần Kỹ thuật Việt - Veetek Farm, trên nhiều loại rau sạch như cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau muống, khổ qua, dưa leo, bồ ngót... với gần 100 hộ nông dân tham gia. Trong quá trình canh tác, các thông tin như nơi sản xuất, thời gian gieo trồng, bón phân, phun thuốc, nơi sơ chế, đóng gói... đều được ghi lại để đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc mà DAA xây dựng. Những thông tin trên sẽ được mã hóa bằng mã QR, được in ra và dán trên mỗi gói rau. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại di động, quét mã QR để biết rằng gói rau họ đang mua được canh tác và quản lý như thế nào. Cơ quan quản lý cũng dựa vào các thông tin trên để quản lý chất lượng rau trên địa bàn thành phố. “Bước đầu, việc truy xuất nguồn gốc rau sẽ được người tiêu dùng thực hiện bằng điện thoại thông minh (smartphone), nhưng trong tương lai, sẽ có những máy quét được lắp đặt ở các siêu thị. Người tiêu dùng mua rau có dán tem truy xuất nguồn gốc, chỉ cần đưa gói rau qua máy quét là biết ngay những thông tin cần thiết về sản phẩm”, Phó Chủ tịch DAA Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Gặp chị Đặng Thị Minh (ấp 5, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) đang cẩn thận xem từng liếp rau chuẩn bị đem bán theo chương trình truy xuất nguồn gốc rau, chị cho biết ruộng rau này đã đạt chuẩn VietGAP. Để trồng rau quả theo chương trình truy xuất nguồn gốc thì từ khâu chọn đất, giống, phun thuốc, thu hoạch đều phải được giám sát chặt chẽ. “Trước tiên, khâu làm đất phải được cày phơi ải khoảng ba đến bảy ngày trước khi trồng. Phân bón và giống rau mua phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng và được nhân viên kỹ thuật của HTX Phước An xuống kiểm tra đạt chuẩn mới bắt đầu trồng. Khâu quan trọng nhất là bón phân và phun thuốc phải theo đúng quy định. Mỗi ngày cung cấp hơn 250 kg rau, nếu lơ mơ mà làm trật là nguyên cả liếp rau không đạt chuẩn, HTX cắt hợp đồng không thu mua…”, chị Minh nói.

Sau nhiều năm “lên bờ xuống ruộng” với rau VietGAP, nay ông Nguyễn Văn Hai ở huyện Củ Chi cũng đang hồ hởi với việc truy xuất nguồn gốc. Lật trang nhật ký ghi chép đồng ruộng với nhiều mục khác nhau, ông Hai cho biết, so với trước đây, việc truy xuất nguồn gốc rau, củ khắt khe hơn nhiều. Thậm chí, người thu hoạch cũng phải ghi rõ tình trạng, ngày giờ thu hoạch. “Nếu triển khai truy xuất nguồn gốc rau quả được người tiêu dùng đón nhận, thì tôi có thể mở rộng diện tích trồng rau trong nay mai. Tham gia truy xuất nguồn gốc, tôi minh bạch được việc trồng trọt của mình. Ai làm sai khâu nào cần “trị” ngay khâu đó”, ông Hai bày tỏ…

Hiện, rau truy xuất nguồn gốc đã được bán ở 33 điểm siêu thị Co.op Mart và các hệ thống siêu thị BigC, Aeon, Lotte. Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân phấn khởi: “Chúng tôi đã sẵn sàng để triển khai các điểm bán rau truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có hai HTX tham gia chương trình này tại Co.op Mart là Phú Lộc và Phước An với sản lượng khoảng 100-120 tấn rau lá mỗi tháng. Rau truy xuất nguồn gốc được siêu thị cùng các cơ quan chức năng phối hợp kiểm ba khâu: Tại vườn, tại kho thu mua thực phẩm tươi sống tập trung của Saigon Co.op và lấy mẫu kiểm tra bất ngờ trong quá trình kinh doanh tại quầy kệ siêu thị”.

Để minh bạch sản phẩm, bảo đảm không có sự trộn hàng hoặc làm ăn gian dối, Sở NN-PTNT thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, lấy mẫu kiểm tra đột xuất, đồng thời kiểm tra nhanh các lô hàng. Căn cơ nhất vẫn là kiểm soát quy trình sản xuất rau sạch bền vững. Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành số hóa vùng rau, truy xuất vùng trồng rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất.

Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Nguyễn Phước Trung cho biết thêm, truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong quản lý và kinh doanh thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn cũng như cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng một triệu tấn rau, trong đó có khoảng 240.000 tấn (24%) là rau sản xuất trên địa bàn thành phố, còn lại nhập từ các địa phương khác. Thời gian qua, thông tin về mất an toàn thực phẩm làm người tiêu dùng lo lắng, không biết đâu là sản phẩm an toàn để mua. Việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc như một công cụ giúp người dân yên tâm hơn trong lựa chọn thực phẩm cho gia đình.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm khẳng định: An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề luôn được thành phố và người dân quan tâm đặc biệt. Vì vậy, không chỉ các siêu thị mới ứng dụng truy xuất nguồn gốc rau, thịt mà thành phố sẽ chỉ đạo nhân rộng ứng dụng này tới nhiều ngành hàng, nhiều địa phương để bà con ở đâu cũng được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

Đề án truy xuất nguồn gốc rau được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (thí điểm) từ tháng 1 đến hết tháng 3-2017; giai đoạn 2 từ tháng 4 đến hết năm 2017 sẽ mở rộng ra tất cả các HTX sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn thành phố.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/31883202-yen-tam-voi-nguon-goc-rau-sach.html