Yêu cầu Mỹ bán than – Kiev ngấm đòn đau, Washington bối rối

Washington và đồng minh phải thể hiện là những 'nhà bảo trợ uy tín' của Ukraine, nếu không làm được, lúc đó bộ mặt thật của họ sẽ...

Theo tin từ hãng Thông tấn Quốc gia Ukraine – Ukrinform – ngày 3/4 cho hay, Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Ucraine, Ihor Nasalyk đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị xem xét cung ứng một lượng than đá cho Ukraine.

Theo ông Nasalyk thì hàng năm Ukraine cần nhập khẩu tới 2,5 triệu tấn than đá từ thị trường Mỹ.

"Chúng ta đã cần 4,7 triệu tấn than trước ngày 1/1/2017. Nhiều công ty sản xuất đã bắt đầu ký hợp đồng mua than đá từ Nam Phi và các nước khác. Thủ tục ký kết đã bắt đầu và lượng than được cung cấp đợt đầu tiên sẽ đến Ukraine vào tháng 5/2017. Bên cạnh đó, chúng tôi mong được nhập khẩu 2,5 triệu tấn than từ Mỹ, song điều này xem ra vẫn còn xa vời", ông Nasalyk cho biết.

Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Ucraine, Ihor Nasalyk

Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Ucraine, Ihor Nasalyk

Như vậy là Kiev kỳ vọng có thể nhập khẩu tới hơn 50% nhu cầu than đá của Ukraine từ thị trường Mỹ. Theo Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman, chính quyền Kiev phải nhanh chóng tim nguồn nhập khẩu than thay thế lượng than vốn được cung cấp từ vùng Donbass và đây là hậu quả phát sinh từ việc Kiev thực hiện phong tỏa khu vực ly khai miền đông Ukraine.

Cũng nên nhắc lại, từ ngày 15/3, chính quyền Tổng thống Poroshenko đã quyết định phong tỏa mọi ngả giao thông tới Donbass, một hành động nhằm xiết chặt phong tỏa kinh tế khu vực ly khai này.

Giới phân tích cho rằng đây là hành động Kiev “tự bắn vào chân mình”, bởi người dân và đất nước Ukraine luôn bị thiệt hại trong mọi trường hợp khi Donbass bị phong tỏa.

Việc Kiev “cả giận mất khôn” đã khiến phương Tây rất thất vọng, bởi điều đó vô hình trung đã đưa Ukraine trở thành gánh nặng với phương Tây. Đã nhiều lần phương Tây có những động thái “đẩy Ukraine ra”, nhưng “Kiev cứ liên tục chạy lại” và sau khi tự bắn vào chân mình thì chính quyền Poroshenko đã đưa phương Tây vào tình thế khó xử.

Vốn đã rất mệt mỏi với ván cờ tàn Ukraine sau khi “mất” Crimea, nay Washington và đồng minh lại rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” với Kiev.

Có thể thấy rằng, chính quyền Poroshenko đã đáp ứng gần như mọi yêu cầu, thậm chí hơn cả mong muốn của phương Tây khi muốn sử dụng Ukraine cho vị trí tiền tiêu trong cuộc đối trọng với Nga.

Ngặt một nỗi là sự nhiệt tình thái quá của Kiev trong việc kình chống Mocow khiến Washington và các đồng minh như bị Kiev cột chặt hơn, khiến cho mọi giải pháp cho việc chấm dứt xung đột tại miền đông Ukraine luôn lâm vào bế tắc.

Những chiếc “bánh vẽ” liên tục được gửi tới Kiev, thậm chí đôi lúc chỉ là “nước lã cầm hơi”, song vẫn không khiến Kiev giảm nhiệt huyết với “những người anh em xa”.

Washington dường như đã ngán ngẩm với ván cờ Ukraine nên có động thái được xem là ủy nhiệm cho Berlin và Paris đại diện cho phương Tây trong “Bộ tứ Normandy” tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột tại miền đông Ukraine.

Trong lúc phương Tây còn đang loay hoay tìm một giải pháp khả dĩ để đàm bảo Thỏa thuận hòa bình Minsk có thể được thực thi nghiêm chỉnh thì đùng một cái Kiev phong tỏa Donbass, khiến cho mọi hy vọng gần như tiêu tan.

Có thể nhận định rằng, việc phỏng tỏa khu vực ly khai – nhất là phong tỏa giao thông – là sai lầm tai hại nhất của chính quyền Kiev, bởi nó tạo cả lợi thế lẫn ưu thế cho đối phương.

Tự chia ly vựa than Donbass

Donbass vốn là vựa than của cả Liên Xô trước kia, chứ không chỉ là của Ukraine. Xuất khẩu than và các sản phẩm công nghiệp khác của Donbass từng chiếm tới 30% giá trị xuất khẩu của Ukraine.

Mặc dù từ khi xung đột xảy ra thì đóng góp từ Donbass cho kinh tế Uraine đã sụt giảm, song việc giao thương với vùng Donbass vẫn đảm bảo mang lại cho doanh nghiệp và người dân Ukraine những lợi ích to lớn.

Điều đó cho thấy, việc Kiev muốn cắt “khí quản” của Donbass chưa hẳn đã có tác dụng, song rõ ràng rất nhiều “mạch máu” của Ukraine đã khô dần.

Với nhu cầu lên tới 4,7 triệu tấn than mà hoàn toàn phải nhập khẩu thì thiệt hại của người dân và doanh nghiệp Ukraine là cực kỳ lớn. Không những vậy, việc than lệ thuộc vào nhập khẩu trong bối cảnh tiền trả khí đốt của Nga còn chưa trả được và luôn phải chờ đợi các định chế tài chính quốc tế xem xét cho vay, thì khác nào Kiev đưa Ukraine vào chỗ chết.

Đây là lúc Washington và đồng minh phải biến bánh vẽ thành bánh ngọt cho Ukraine, nếu không muốn bị lật tẩy

Với hậu quả nước đi sai lầm chiến lược của Kiev, liệu Washington và các đồng minh – vốn tạo động lực cho các chính trị gia Maidan tiếm quyền – có buông luôn Kiev cho rảnh nợ?

Cá nhân người viết cho rằng, Mỹ và các đồng minh đã bị Kiev cột chặt với họ và sau việc phong tỏa Donbass thì sợi dây mà chính quyền Poroshenko cột họ với phương Tây càng được bện chặt hơn, xiết chặt hơn. Bởi lẽ, với hậu quả từ phong tỏa Donbass, Kiev có thể buộc Washington và các đồng minh phải biến những cái bánh vẽ thành bánh ngọt cho Ukraine.

Đơn giản là vì trước nay “những người anh em xa” quen hứa hẹn nhiều nhưng thực hiện chẳng được bao nhiêu và mọi việc đều được lý giải là thiếu niềm tin chiến lược của Kiev.

Nay thì thực tế diễn ra rành rành, như việc Kiev đề nghị mua 2,5 tấn than đá của Mỹ, liệu Washington có thể từ chối đáp ứng vì chưa có niềm tin chiến lược được không?

Đây chính là lúc Washington và các đồng minh phải thể hiện là những “nhà bảo trợ uy tín” của Ukraine, nếu không làm được điều đó thì việc những “NATO Đông Âu” đảo chiều, “EU Đông đảo” chiều sẽ còn diễn ra và lúc đó thì bộ mặt thật của “những người anh em xa” sẽ hoàn toàn bị lật tẩy. Chắc chắn Washington sẽ rất bối rối!

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/yeu-cau-my-ban-than-kiev-ngam-don-dau-washington-boi-roi-3332560/