Yêu cầu rà soát toàn bộ dự án nhận chìm bùn, báo cáo Thủ tướng

Liên quan đến dự án nhận chìm bùn thải xuống biển Bình Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, nếu cần thiết có thể mời tư vấn nước ngoài để đánh giá toàn diện và báo cáo cụ thể với Thủ tướng.

Cần thiết có thể mời chuyên gia nước ngoài đánh giá

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 7732 gửi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN (HLKH), các bộ ngành cùng UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến dự án nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Văn bản cho biết, ngày 24/7 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc nhận chìm vật chất nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dung của Công ty TNHH Vĩnh Tân 1 tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận).

Cuộc họp có sự tham dự lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên Môi trường, Viện HLKH, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ TTTT, Bộ NN&PTNT.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Viện HLKH và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành, trường hợp cần thiết có thể mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia, khẩn trương xem xét đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến cảng chuyên dùng của nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Các nội dung phải rà soát bao gồm cả ĐTM Báo cáo đánh giá tác động môi trường và hồ sơ dự án nhận chìm bùn thải mà Bộ TN-MT đã phê duyệt, chấp thuận, xem xét tổng thể toàn diện các vấn đề để có giải thích đầy đủ, thỏa đáng.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Viện HLKH và Công nghệ Việt Nam phải xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung trên trong thời gian sớm nhất.

Vùng biển Vĩnh Tân.

Trong chiều 25/7, Viện HLKH và Công nghệ Việt Nam đã họp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, thành lập các tổ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.

Đại diện Viện này cho hay, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án nhận chìm gần 1 triệu mét khối chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở khu vực thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận sẽ được thực hiện khẩn trương.

Cùng với đó, Viện Hải dương học thuộc Viện HLKH và Công nghệ Việt Nam cũng đang thực hiện công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực đáy biển được Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm. Trong đó có khảo sát hệ động thực vật, san hô.

Các thông tin này sẽ là cơ sở nền để thực hiện đối chứng, so sánh trong trường hợp thực hiện nhận chìm. Được biết, việc khảo sát, đánh giá này đã bước vào giai đoạn hoàn thành.

Trước đó, tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết, việc nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu để các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra câu hỏi: Có nên nhận chìm ở khu vực 30 ha vùng biển dù đã có quy hoạch hay không?

Ông Hòa cũng cho hay, Bình Thuận đã có đề nghị yêu cầu phải thận trọng, khoa học, hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời tỉnh Bình Thuận cũng đang tìm các phương án khác, trong đó ưu tiên một là lấn biển cho các dự án ven bờ. Có thể là lấn biển, đê kè, thậm chí là xuất khẩu cát nhiễm mặn...

Tuy nhiên, trước đề xuất trên của tỉnh Bình Thuận, các chuyên gia khoa học cho rằng cần phải cân nhắc kỹ để tránh gây những hậu quả không nên có đe dọa môi trường biển.

Công ty Vĩnh Tân 1 cho biết sẵn sàng bồi thường nếu có sự cố.

Sẵn sàng bồi thường nếu có sự cố

Liên quan giấy phép được Bộ TN&MT cấp, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 cho biết, công ty được cấp phép nhận chìm ở biển các vật liệu nạo vét vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Ông Thành nói: "Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các điều khoản của nghị định Chính phủ có liên quan đã nêu rõ danh mục các vật, chất được nhận chìm ở biển, trong đó có chất nạo vét, các chất địa chất trơ, chất vô cơ... Như vậy, các vật liệu nạo vét này không phải bùn thải và hoạt động nhận chìm đã được quy định bởi pháp luật VN".

Ông cho hay, sau gần 30 ngày kể từ khi nhận giấy phép, công ty đã trình nộp bổ sung đầy đủ hồ sơ đề nghị giao khu vực biển theo luật; thi công màn chắn bùn, lặp đặt 600m trên tổng số 2.200m màn chắn bùn tại khu vực nhận chìm…

Đồng thời công ty cam kết, sẽ giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình thi công và chịu mọi trách nhiệm nếu phát sinh sự cố môi trường.

Nhật Hạ (tổng hợp theo Dân Trí, VNN, TPO)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/yeu-cau-ra-soat-toan-bo-du-an-nhan-chim-bao-cao-thu-tuong