Yêu cầu vẫn giữ con dấu trong giao dịch

(TBKTSG Online) - Doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đóng dấu vào các văn bản giao dịch nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của chúng thay vì chỉ cần chữ ký.

Tư Hoàng

Rốt cuộc, các văn bản giao dịch vẫn không thể bỏ con dấu nếu muốn có giá trị pháp lý. Ảnh TL SGT.

Đây là một trong những nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tán thành, liên quan đến dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến sẽ đưa ra xem xét tại kỳ họp cuối tháng này.

Ủy ban cho biết, có ý kiến đề nghị bỏ quy định doanh nghiệp phải có con dấu nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Ủy ban cũng thừa nhận thực tế gần đây nhiều quốc gia đã thực hiện không dùng con dấu trong hoạt động của doanh nghiệp, việc xác định giá trị pháp lý của văn bản giao dịch của doanh nghiệp chỉ cần căn cứ vào chữ ký của các bên giao dịch; hiện nay chữ ký số cũng đã được sử dụng.

Qua tham vấn, đại diện của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, nếu tiến hành cải cách quy định về con dấu như đề nghị nói trên, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tăng lên nhiều bậc.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn cẩn trọng. Ủy ban đề nghị: "Với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật nước ta, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về doanh nghiệp phải có con dấu riêng, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu.”

Ủy ban cho rằng, việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi đủ điều kiện thích hợp.

Ủy ban cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật quy định về con dấu của doanh nghiệp sẽ được xây dựng theo hướng cải cách thủ tục hành chính; theo đó con dấu là tài sản của doanh nghiệp, bỏ quy định về cấp con dấu cho doanh nghiệp và để doanh nghiệp tự quyết định về hình thức và nội dung con dấu.

Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng con dấu.

Trường hợp giao dịch với các đối tác không sử dụng con dấu thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không bắt buộc sử dụng con dấu mà các bên giao dịch xác định giá trị pháp lý văn bản căn cứ vào chữ ký của người có thẩm quyền giao dịch.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký con dấu và việc chuyển giao thông tin quản lý con dấu sau khi dự án luật có hiệu lực đối với con dấu đã được cấp theo quy định pháp luật hiện hành.

Điều 44 về con dấu của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định chi tiết như sau:

1. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu.

3. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và việc đăng ký, chuyển giao thông tin quản lý con dấu đối với con dấu đã được cấp trước khi Luật này có hiệu lực.

Xem thêm:

Con dấu chỉ dùng được trong 5 năm?

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/120905/yeu-cau-van-giu-con-dau-trong-giao-dich.html/