Yếu tố cản bước doanh nghiệp hướng đến 'màu xanh' trong xây dựng

Sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, giá thành vật liệu cao là những yếu tố khiến vật liệu xanh trong xây dựng vẫn chưa thực sự được sử dụng rộng rãi.

Là doanh nghiệp xây dựng có bề dày lịch sử hơn 30 năm với nhiều công trình trải dài từ Bắc vào Nam, chứng kiến nhiều bước ngoặt của ngành xây dựng, trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT), ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, vật liệu xây dựng xanh đang dần trở thành xu hướng phát triển của ngành xây dựng.

Quy chuẩn về xanh hóa trong xây dựng chưa rõ ràng

NĐT: Vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, giảm phác thải ra môi trường đang dần được chú trọng tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới ở mọi ngành nghề. Đối với ngành xây dựng, việc sử dụng vật liệu xanh đang dần trở thành xu hướng, ông nghĩ sao về hiện trạng này?

Ông Lê Viết Hải: Vật liệu xây dựng xanh là những sản phẩm được sản xuất và sử dụng cho hoạt động xây dựng nhưng đảm bảo được các tiêu chí về bảo vệ môi trường nghiêm ngặt như không độc hại, có khả năng tái chế, tuổi thọ sử dụng lâu đời và tiết kiệm năng lượng sản xuất.

Đặc biệt, điểm thú vị của vật liệu xây dựng xanh chính là khi hết hạn sử dụng thì các nguyên, vật liệu trên vẫn có thể được kiểm soát để không gây hại đối với môi trường sống của con người. Do đó, trong bối cảnh các vấn đề về ô nhiễm môi trường ngày càng được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam, các tiêu chí về sống xanh, sử dụng vật liệu xanh đang dần dần được nhiều chủ đầu tư lựa chọn và dần trở thành xu hướng phát triển của ngành xây dựng.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

NĐT: Mặc dù công cuộc phát triển vật liệu xanh đã được đẩy mạnh, song trên thực tế vật liệu xanh ở Việt Nam vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là gì?

Ông Lê Viết Hải: Trên thực tế, một số cơ sở sản xuất và các dự án xây dựng lớn đã chuyển sang sử dụng vật liệu xanh, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, dù nhận được sự ủng hộ lớn từ Chính phủ và người sử dụng, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận tại Việt Nam, vật liệu xanh vẫn chưa thực sự được sử dụng rộng rãi bởi còn nhiều vướng mắc.

Sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm trong việc áp dụng các loại vật liệu xanh vào quá trình xây dựng là một trong những vấn đề khiến chủ đầu tư nghi ngại về việc sử dụng nguyên vật liệu xanh. Chưa kể, vấn đề chi phí cũng đang cản bước doanh nghiệp trong việc hướng đến “màu xanh” trong xây dựng. Hầu hết các vật liệu xanh đều có giá thành cao hơn so với các vật liệu xây dựng truyền thống.

Ngoài ra, một thực trạng đáng buồn đang xảy ra tại Việt Nam phải kể đến là việc các quy chuẩn về xanh hóa trong xây dựng chưa thực sự rõ ràng, cả người tiêu dùng lẫn chủ đầu tư đều chưa hiểu về các tiêu chí xanh. Việc xây dựng môi trường pháp lý rõ ràng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp vật liệu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này nhưng tại Việt Nam, các tiêu chí này vẫn chưa được cụ thể hóa.

Không phải câu chuyện ngày một ngày hai

NĐT: Từ góc độ của doanh nghiệp, theo ông trong thời gian tới, cần có những giải pháp nào để thúc đẩy việc xanh hóa trong ngành xây dựng, ở đây cụ thể là việc hướng các chủ đầu tư sử dụng nguyên vật liệu xanh, quan tâm đến phát triển bền vững?

Ông Lê Viết Hải: Để cải thiện tình trạng trên, ngành xây dựng Việt Nam cần chủ động phối hợp các giải pháp cụ thể, không phải câu chuyện ngày một ngày hai mà cần thay đổi trong lâu dài.

Trước tiên, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng, Việt Nam cần quan tâm đến việc xây dựng hàng lang pháp lý, hành lang kỹ thuật cụ thể về vật liệu xanh. Từ đó xây dựng các bộ quy định, quy chuẩn cụ thể để cho ra đời các chính sách tài chính trong việc ưu đãi cho công tác nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xanh.

Đặc biệt quan trọng là chức năng của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cần xây dựng các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể hơn giải quyết các vấn đề tồn đọng mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, qua đó thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào công cuộc xanh này.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng nhân lực trong việc ứng dụng nguyên vật liệu xanh vào xây dựng sản xuất, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết và kinh nghiệm về sử dụng nguyên vật liệu xanh để cung cấp cho các công trình xây dựng.

Ứng dụng vật liệu xây dựng xanh vào quá trình xây dựng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt là công tác tuyên truyền về các sản phẩm xanh cần được rộng rãi và triệt để hơn nữa để mọi chủ thể trong xã hội đều biết và hiểu về tác dụng của việc xanh hóa trong sản xuất kinh doanh sẽ tác động tích cực như thế nào đối với môi trường sống của mỗi người.

Đối với các doanh nghiệp, tôi cho rằng các doanh nghiệp nên có tầm nhìn chiến lược dài hạn, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường sống của cả khách hàng lẫn chính mình, chấp nhận đánh đổi một số lợi ích hiện hữu để hướng tới sự phát triển chung của toàn xã hội.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nên đổi mới thiết bị, nâng cao quá trình tự động hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo các tiêu chí. Đồng thời không quên đa dạng mẫu mã sản phẩm đề phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng trong và ngoài nước.

NĐT: Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/yeu-to-can-buoc-doanh-nghiep-huong-den-mau-xanh-trong-xay-dung-a661355.html