Yếu tố cần và đủ để phát triển bền vững KCN sinh thái

Sự phát triển các khu công nghiệp (KCN) thời gian qua ngoài việc góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động, thì hệ lụy của nó liên quan đến môi sinh cũng khá lớn.

Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên, tại các cuộc họp, hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh: “Cương quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Và đã đến lúc phát triển kinh tế phải song hành với việc bảo vệ môi trường”. Do đó, mô hình phát triển KCN sinh thái xem là hướng đi có tính chiến lược.

Kinh nghiệm của 321 KCN

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) từ năm 1991 đến nay, cả nước đã xây dựng 321 KCN - CX với tổng diện tích đất tự nhiên gần 90 nghìn ha. Các KCN- CX này đã thu hút trên 6.600 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 6.200 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký trên 105 tỉ USD và 693 ngàn tỉ đồng. Tỉ lệ lấp đầy ở các KCN khoảng 71%. Các doanh nghiệp trong KCN chiếm trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, đóng góp trên 53% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra cả triệu việc làm cho người lao động.

Hệ thống xử lý nước thải kém không ít nơi sông, hồ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bên cạnh những thành quả mà các KCN tạo ra, thì những mặt trái từ những KCN này cũng đã gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế - xã hội, trong đó nổi cộm là vấn đề ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, do chính sách “trải thảm đỏ”, các địa phương cố “đẻ” ra các KCN để thu hút vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh mô hình chuyển đổi kinh tế để tiến tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Song, vì chưa siết chặt khâu quản lý nên phần lớn công nghệ nhập vào lạc hậu; hệ thống xử lý nước thải trong KCN nói chung, từng doanh nghiệp nói riêng chưa tiên tiến dẫn đến không ít nơi môi trường biển, hệ thống sông, ngòi, đồng ruộng, không khí bị ô nhiễm. Ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai), Formosa (Hà Tĩnh) rồi ô nhiễm nước thải tại Hậu Giang, Thanh Hóa… là những minh chứng sống động.

Ô nhiễm môi trường do phát triển ồ ạt các KCN đã trở thành vấn đề “nóng” đang và sẽ được Quốc hội đặc biệt quan tâm. Và dự kiến, Chính phủ sẽ có báo cáo chuyên đề về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội diễn ra trong tháng 10.2016.

KCN sinh thái bao giờ thành hiện thực?

Theo ước tính của các tổ chức khoa học và chuyên gia kinh tế môi trường, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần, đến năm 2025 có thể tăng gấp 4 đến 5 lần mức độ ô nhiễm môi trường hiện nay. Và cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Ngoài tổn thất kinh tế thì ô nhiễm môi trường cũng sẽ tác động tiêu cực và trực tiếp tới sức khỏe con người với tỷ lệ chi trả để bảo vệ chăm sóc sức khỏe của năm 2010 khoảng 0,3% GDP sẽ tăng lên 1,2% GDP năm 2020.

Tại hội thảo với chủ đề phát triển KCN sinh thái do Bộ KHĐT tổ chức mới đây, các chuyên gia của bộ này cho hay: Việt Nam là một nước đang phát triển, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển công nghiệp tại Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới. Với định hướng trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, các hoạt động sản xuất tại Việt Nam thời gian vừa qua gia tăng mạnh mẽ, mức độ tiêu tốn nước và năng lượng hóa thạch cho sản xuất tăng, ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Do đó, với Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển theo hướng bền vững, phát triển các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó xây dựng và phát triển mô hình KCN sinh thái nhằm “xanh hóa sản xuất” coi đây là điều kiện cần và đủ để phát triển kinh tế bền vững. Phát triển KCN sinh thái thực ra không có gì mới mẻ với các nước phát triển; thậm chí ngay Singapore họ đã phát triển mô hình này. Tuy nhiên, ở Việt Nam sẽ phát triển mô hình KCN sinh thái theo hướng nào? Đến bao giờ KCN sinh thái thành hiện thực? Đó là những câu hỏi mà các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm.

Về vấn đề này, đại diện Bộ KHĐT cho hay: Để thực hiện mục tiêu Xanh hóa sản xuất trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, Chính phủ yêu cầu những KCN, khu kinh tế mới thành lập phải được thiết kế và xây dựng theo những chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải và đảm bảo không gian xanh, và khuyến khích các công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải để hình thành các KCN sinh thái. Được biết, thời gian tới, sẽ thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái đối với các KCN hiện tại như: Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ).

Theo ước tính của các tổ chức khoa học và chuyên gia kinh tế môi trường, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần, đến năm 2025 có thể tăng gấp 4 đến 5 lần mức độ ô nhiễm môi trường hiện nay. Và cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Ngoài tổn thất kinh tế thì ô nhiễm môi trường cũng sẽ tác động tiêu cực và trực tiếp tới sức khỏe con người với tỉ lệ chi trả để bảo vệ chăm sóc sức khỏe của năm 2010 khoảng 0,3% GDP sẽ tăng lên 1,2% GDP năm 2020

H.Phạm - P.Quỳnh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/yeu-to-can-va-du-de-phat-trien-ben-vung-kcn-sinh-thai-43023.html