Yếu tố Nga bên lề thế trận lớn của Trump tại Afghanistan

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc một sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược tại Afghanistan.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc một sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược tại Afghanistan: Liệu có nên gửi thêm 5.000 quân nữa tới đây hay không, một quan chức quân đội Mỹ nói với NBC News.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn đang tính toán về một loạt các lựa chọn do các lãnh đạo quân đội Mỹ đưa ra, các quan chức chính quyền Mỹ cao cấp nói với NBC News.

Hỗn loạn về thông tin rò rỉ

Tờ Washington Post trước đó đưa tin rằng kế hoạch của quân đội Mỹ có thể bao gồm sự gia tăng ít nhất 3.000 quân tới Afghanistan, và Mỹ cũng yêu cầu các quốc gia NATO khác tính toán chiến lược. Lực lượng Mỹ ở Afghanistan hiện tại có tổng cộng khoảng 8.400 quân.

Một quan chức Mỹ nói với The Washington Post rằng Trump muốn "bắt đầu chiến thắng" một lần nữa và đang giành được sự ủng hộ của các quan chức nội các hàng đầu. Ông Trump dự kiến sẽ ra quyết định về chiến lược này trước khi tham dự một hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 25/5 tại Brussels, The Post cho biết.

Tuy nhiên, hai quan chức quốc phòng cao cấp nói với NBC News rằng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chưa đưa ra các khuyến nghị chính thức của ông lên Tổng thống. Một quan chức cho biết, việc xem xét lại chính sách về Afghanistan đã không chính thức được đưa lên ủy ban thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, một dấu hiệu cho thấy quyết định cuối cùng về sự thay đổi số lượng quân đội Mỹ tới Afghanistan sẽ không sớm xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến thăm lực lượng liên quân tại Kabul tháng 4 vừa qua. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Tại phiên họp báo ngày 9/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh rằng chưa có quyết định nào được đưa ra và ông Trump đang yêu cầu các quan chức an ninh quốc gia của ông"xem xét thực chất lại chiến lược."

Mục tiêu, ông Spicer nói, "là nhằm cắt giảm các mối nguy cơ, đặc biệt là khi nói đến ISIS và Taliban."

Lo ngại về hiệu quả

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice ngày 9/5 cho biết Tổng thống Trump sẽ cần phải giải thích rõ hơn về chiến lược của ông về một đất nước hiện vẫn còn xung đột trong hơn 15 năm.

"Chiến lược bây giờ là gì?" bà Rice ngày 9/5 cho biết. "Là vô nghĩa khi tăng sức mạnh của quân đội chỉ để tiếp tục làm điều tương tự."

Trong số những khả năng đang được nghiên cứu: cho phép ông Mattis thiết lập các cấp độ lực lượng quân đội ở Afghanistan - tương tự như điều Lầu Năm Góc thực hiện với Iraq và Syria, sẽ mở ra khả năng đưa thêm vài nghìn quân tới đây, và đánh dấu điểm kết những quy định của ông Obama về cách quân đội Mỹ hoạt động tại Afghanistan- kể cả về chiến thuật đối phó với Taliban.

Các cuộc thảo luận về giải pháp để giải quyết vấn đề Afghanistan diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ thả bom phi hạt nhân lớn nhất từng được sử dụng - còn được gọi là "mẹ của tất cả các loại bom" tới Afghanistan để phá hủy mạng lưới hầm trú ẩn IS sử dụng ở phía đông nước này.

Trong khi đó, hai lính Mỹ cũng bị giết hồi tháng trước tại cùng khu vực trên trong một vụ pháo kích bên ngoài khu vực ISIS chiếm giữ.

Bà Rice, người từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, cũng chưa làm rõ liệu bà có tin rằng việc triển khai quân đội bổ sung sẽ đạt được thành tựu trong khoảng thời gian hiện nay - đặc biệt là sau khi chính quyền Obama đã từng triển khai thêm quân, lên 100.000 lính vào năm 2010 tới Afghanistan – tuy nhiên, đã thất bại để xóa sổ Taliban.

"Tôi chắc chắn sẽ hối thúc Tổng thống nhìn vào cách chúng ta có thể xoay chuyển thủy triều tại Afghanistan," bà nói. "Tôi biết chúng ta đã ở nước này một thời gian rất dài và rõ ràng mục tiêu đặt ra là xây dựng một chính phủ ổn định ở Kabul mà không thể bị lật đổ bởi Taliban".

Trong khi Mỹ có thể thấy rằng quan hệ ngoại giao với Nga sẽ hữu ích cho việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, bà Rice cảnh báo về niềm tin đối với Tổng thống Vladimir Putin khi nói đến chính sách Trung Đông.

"Một trong những cuộc đối thoại đầu tiên cần thiết là với ông Vladimir Putin và nói rằng," Ông có thực sự muốn trở lại Afghanistan sau những gì đã xảy ra với ông trước đó ở Afghanistan? " Không có lý do gì để người Nga vũ trang cho Taliban, "bà Rice nói thêm," và do đó các cuộc hội thoại cần được diễn ra. "

Hồi kết của chiến trường Afghanistan?

Các lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đang hợp tác trong một cuộc chiến kép nhằm vào cả Taliban cũng như chi nhánh ISIS tại khu vực Nam Á – còn được gọi là ISIS-K.

Tướng John Nicholson, chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Afghanistan, đã đề nghị với Quốc hội rằng liên minh NATO cần thêm vài nghìn quân nữa tới nước này. Ông cũng không bác bỏ các báo cáo trước đó cáo buộc rằng Nga đang giúp đỡ cho Taliban Afghanistan.

"Trước đây, chúng tôi đã có nhiều cố gắng, chúng tôi đã cố gắng củng cố nỗ lực của chúng tôi ở Afghanistan dưới thời các tổng thống đảng Cộng hòa và Dân chủ, và thực tế là chúng tôi vẫn đang đối mặt với tình huống Taliban kiểm soát một phần lớn lãnh thổ",

Thượng nghị sĩ Dân chủ Dick Durbin nói trên MSNBC. "Chúng ta cần có một câu trả lời trung thực cho câu hỏi: Liệu người Afghanistan có tiến đến một vị thế ít tham nhũng hơn và tăng cường được khả năng để có thể đứng lên và bảo vệ đất nước của họ hay không?."

Ông Trump đã đưa ra một quan điểm khác về Afghanistan trước khi ông bước vào vũ đài chính trị, tweet vào năm 2013 rằng Mỹ nên rời đi ngay lập tức hoặc "nếu chúng ta phải quay trở lại, chúng ta sẽ tiến quân nhanh chóng và mạnh mẽ".

Trong khi xung đột tại Afghanistan đang vô cùng phức tạp và chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết, dư luận đang trông đợi ông Trump sẽ có sự thay đổi chính sách ra sao đối với cuộc chiến tại đây.

(Theo NBC News)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/yeu-to-nga-ben-le-the-tran-lon-cua-trump-tai-afghanistan-238208.html