Zone 9 tái sinh

Tinh thần của “khu công nghiệp sáng tạo” Zone 9 đang tái sinh ở nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở TP.HCM.

X-98 là phiên bản mới của Zone 9 - Ảnh: Hải Trần

“Khu công nghiệp sáng tạo” Zone 9 - một nơi “ăn chơi”, một không gian văn hóa của giới trẻ và nghệ sĩ Hà Thành cách đây mấy tháng buộc phải đóng cửa. Nhưng những người đã đến, đã quyến luyến Zone 9 vẫn hằng ngày dõi theo nó trên trang Facebook của khu. Cho tới một ngày, ông Trần Vũ Hải - một thành viên của xóm đồng nát ấy - chia sẻ một tin vui trên pano chữ đỏ, nền đen: “Khu X-98 bắt đầu thi công, mở cửa vào mùa hè, 98 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội”.

Trên thực tế Hải “tròn”, như bạn bè vẫn gọi Trần Vũ Hải, đã miệt mài dốc sức cho sự trở lại của bar Barbetta. Anh đã đóng lại bàn ghế từ những tấm gỗ cũ, tận dụng triệt để những cánh cửa gỗ cũ kỹ từ Zone 9. Những cánh cửa trước đó đẫm mùi thuốc kháng sinh của xí nghiệp dược bỏ hoang. Ngay cả những nhà vệ sinh “phong cách” kiểu Zone 9 cũng đã trở lại - nghĩa là nhặt nhạnh rất nhiều gạch bông đẹp và ốp lên tường, “nghệ” đến mức Minh, ông chủ quán Nhật thời Zone 9, luôn hỏi bạn tới quán đã vào đó chưa, có thấy đẹp không. Quán Nhật này chỉ một thời gian ngắn đã nức tiếng vì có bếp người Nhật nấu siêu ngon và giá cực dễ chịu.

Nếu như những bao tải gạch bông đó được gom lại từ những công trình cũ đã bị đập thì giờ đây, Hải “tròn” đã có hẳn công nghệ để làm gạch. Những viên gạch đó giờ được tái sản xuất thủ công đúng như cách đây 30 năm. Quy mô nhỏ nhưng đủ để cung cấp cho những công trình mà chàng kiến trúc sư này thực hiện.

X-98 là một phiên bản mới của Zone 9, trong đó các tên tuổi cũ vẫn tiếp tục giữ phong cách duyên dáng trước đó của mình. Hải “tròn” cho biết: “Có tất cả 16 con buôn cũ chuyển về đây”. Hơn thế nữa, X-98 đã kín hết chỗ.

Zone 9 của TP.HCM

“Sao không có ý tưởng lấy văn hóa để phát triển kinh tế, cứ lấy sản xuất truyền thống để phát triển kinh tế. Kinh tế khủng hoảng, cần có những sáng kiến và tư duy mới để tái cấu trúc kinh tế đô thị. Các nước đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này”, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nói. Ông Quang cũng là người đã được Hội đồng Anh mời đi nghiên cứu ở nước ngoài về công nghiệp sáng tạo. Cuối năm nay, một nhóm nghiên cứu thực tế khác cũng sẽ được Hội đồng Anh mời sang châu Âu để nghiên cứu cùng đề tài này. Trong nhóm khách mời có ông Đoàn Kỳ Thanh, một trong những sáng lập viên của Zone 9.

Vừa qua, trang tin văn hóa Hanoi Grapevine đã dịch bài của Zelda Rudzitsky về một khu vực “có nhiều khả năng sẽ là Zone 9 của TP.HCM” tại 3A Tôn Đức Thắng, Q.1.

Theo đó, tại khu vực này, nơi xe gắn máy không được phép đi vào, các nghệ sĩ và cư dân sáng tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau cũng như các doanh nhân đang tụ họp. Tạm thời, nó được gọi là 3A. “3A rộng khoảng 2.000 m2. Trong đó ba nhà kho bỏ hoang đang được tân trang lại và chuyển đổi thành không gian cho các gallery, khu mua sắm, tiệm thời trang và quán cà phê. Ngoài ra, khu vực sân cũng như các phòng khác sẽ được sử dụng để tổ chức các hoạt động nghệ thuật và biểu diễn cộng đồng, từ nhạc sống đến trình diễn thời trang”, Hanoi Grapevine giới thiệu.

Cũng theo đó, những bức graffiti của nhiều nghệ sĩ trẻ đã tràn trên tường nhà kho cũ. Khu vực nhà kho đầu tiên cũng đã được mở hồi đầu tháng 4 vừa qua. Ngoài Mai Gallery còn có cửa hàng đồ dùng gia đình sáng tạo Sadec District của một số nhà thiết kế độc lập và một cửa hàng thời trang mang tên Diệu Anh.

Còn nhớ, ở thời điểm Zone 9 sắp đóng cửa, Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý nhà sàn Studio đã lo lắng liệu không biết bao giờ một khu nghệ sĩ nữa như vậy ra đời. “Thực ra trong TP.HCM cũng có những khu bỏ hoang hoàn toàn có thể trở thành một khu sáng tạo như vậy. Có thể nhìn thấy những khu nhà như thế ở Q.4. Hiện ở đó cũng có những nghệ sĩ thuê mặt bằng làm xưởng. Tuy nhiên, nó vẫn lẫn lộn với những người chỉ sản xuất và kinh doanh.”, ông Hùng nói.

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140504/zone-9-tai-sinh.aspx