1.000 phụ huynh Trung Quốc ở 'lều tình yêu' tiếp sức con vào đại học

Khoảng 1.000 phụ huynh đưa con đến Đại học Thiên Tân, Trung Quốc, nhập học, đã ở lại 'lều tình yêu' để hỗ trợ tân sinh viên trong những ngày đầu xa nhà bỡ ngỡ.

Tại thành phố cảng Thiên Tân (Trung Quốc), Yang Zheyu, 18 tuổi, đến nhập học năm đầu tiên tại Đại học Thiên Tân cùng mẹ. Nam sinh đã chuẩn bị tất cả vật dụng cần thiết như áo lạnh, từ điển và đồ dùng cá nhân.

Mẹ của Yang Zheyu được bố trí ở trong lều màu xanh, dựng trên sàn của phòng tập thể dục, cách ký túc xá vài trăm mét. Đây là vị trí thuận lợi để người mẹ có thể giúp đỡ con trai trong những ngày đầu bỡ ngỡ nơi giảng đường. Thỉnh thoảng, bà nấu bát mì ăn liền, mua xà phòng hay lau dọn căn phòng mới trong ký túc xá của con trai.

“Tôi chưa từng xa nhà nên cảm thấy an tâm hơn khi có mẹ ở cạnh”, chàng trai đến từ một thị trấn cách thành phố Thiên Tân hơn 700 dặm, chia sẻ.

Từ "lều tình yêu" đến tranh luận về "thế hệ con một"

Theo The New York Times, bà Ding Hongyan - mẹ của Yang - chỉ là một trong số hơn 1.000 phụ huynh vừa có con nhập học Đại học Thiên Tân. Họ đã ở trong lều cả tháng nay để trông nom, hỗ trợ tân sinh viên trước khi đám trẻ có thể ổn định cuộc sống ở môi trường mới.

Khoảng 1.000 phụ huynh có con nhập học Đại học Thiên Tân, Trung Quốc, niên khóa 2018-2022, đã ở trong những túp lều gần ký túc xá. Ảnh: The New York Times.

Khoảng 1.000 phụ huynh có con nhập học Đại học Thiên Tân, Trung Quốc, niên khóa 2018-2022, đã ở trong những túp lều gần ký túc xá. Ảnh: The New York Times.

Nhiều người mang theo túi hạt hướng dương để ăn lúc rảnh rỗi, cùng các vật dụng sinh hoạt cần thiết như giấy vệ sinh, quần áo... Tiếp xúc với nhau, các bậc cha mẹ nói chuyện rôm rả về nhiều chủ đề, như ngành học nào khi ra trường sẽ có thu nhập cao, hay nỗi băn khoăn khi đám trẻ hẹn hò yêu đương trên giảng đường...

Hoàng hôn xuống, hàng trăm phụ huynh mang chăn và gối đến phòng tập thể dục. Họ rửa mặt, đánh răng trong phòng thay quần áo gần đó. Không gian trở nên náo nhiệt với tiếng địa phương của nhiều miền Trung Quốc. Nhiều người phải cố gắng nghe để hiểu được ý của nhau.

Trước khi ngủ, họ nói về hàng quán có đồ ăn sáng ngon, giá rẻ và hỏi xem nơi nào bán bộ ga trải giường với chi phí tiết kiệm để sáng mai mua, đem đến ký túc xá cho con.

Họ cũng không quên so sánh điểm số của những đứa trẻ trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua và thảo luận làm thế nào để khuyến khích chúng tham gia các ngành công nghiệp được trả lương cao.

Từ năm 2012, Đại học Thiên Tân bắt đầu cung cấp "lều tình yêu" miễn phí với mục đích giúp các gia đình tân sinh viên có kinh tế khó khăn hỗ trợ con cái khi mới sống xa nhà.

Từ Đại học Thiên Tân, mô hình "lều tình yêu" đã lan đến một số trường đại học ở Trung Quốc. Trên mạng xã hội, câu chuyện này nhanh chóng trở thành chủ đề tranh luận.

Nhiều người cho rằng phụ huynh đã quá nuông chiều con - thế hệ trẻ em được sinh ra sau khi chính sách một con của Trung Quốc được thông qua vào năm 1979. Điều đó làm hình thành thế hệ quen sống phụ thuộc và "được phục vụ tận răng".

Những người cao tuổi từng trải qua nghèo khổ trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970, lên tiếng chỉ trích phụ huynh ngày nay xem con như "ông hoàng, bà chúa". Chúng ngại va chạm thực tế, không biết làm việc chân tay, e dè trước khó khăn, và tất nhiên là không chủ động tìm cách giải quyết khi gặp vấn đề trong cuộc sống.

Tuy nhiên, không ít dân mạng lại cho rằng gia đình chỉ có một con nên "phải nuôi dạy cho tốt". Họ có điều kiện chăm sóc “thế hệ con một” như Yang Zheyu chu đáo hơn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con thành đạt.

Bà Ding Hongyan - mẹ của Yang - là nông dân, một trong số 1.000 phụ huynh có con nhập học tại Đại học Thiên Tân mùa thu này. Ảnh: The New York Times.

"Con gái đang thực hiện ước mơ của tôi"

Thiên Tân là thành phố cảng đắt đỏ. Trong khi đó, đa số phụ huynh đưa con đến đây là nông dân, giáo viên hay công nhân xây dựng, sinh sống chủ yếu ở vùng nông thôn, thị trấn nhỏ. Họ muốn đăng ký ở “lều tình yêu” nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Ông Qi Hongyu đến từ Giang Tô, cho biết ông đến Thiên Tân vì tự hào về con gái mình. Người cha cũng muốn thấy những gì đang diễn ra ở trường đại học, nơi mà con ông đang chập chững những bước đầu tiên.

“Con gái đang thực hiện ước mơ của tôi”, ông nói với giọng đầy tự hào.

Người cha này rất vui khi chứng kiến con gái và các bạn cùng lớp có cuộc sống thoải mái hơn so với các thế hệ trước. Ông cũng hy vọng chúng sẽ sớm độc lập khi sống xa nhà.

"Những đứa trẻ cùng thế hệ với con gái tôi lớn lên trong 'nhà kính'. Chúng chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống thực tế vì phải dành tất cả thời gian cho việc học”, phụ huynh này lo lắng nói trước khi phải về quê.

Bà Yang Luping nhắc nhở con gái Lu Yizhuo rằng cô cần phải học cách tự giặt quần áo. Ảnh: The New York Times.

Bà Yang Luping, một giáo viên tiếng Anh ở vùng nông thôn Trung Quốc, tâm sự bà đã làm việc chăm chỉ nhiều năm để đảm bảo rằng con gái có điều kiện vào được trường đại học tốt.

Bà đã mua búp bê Barbie để khuyến khích con chăm chỉ học tập lúc cô bé còn nhỏ. Sau này, bà gửi con gái đến trường nội trú. Người mẹ vẫn phải giặt toàn bộ quần áo vào cuối tuần, khi con gái Lu Yizhuo về nhà. Bây giờ, khi nữ sinh đã vào đại học, bà muốn nhắc nhở cô phải học cách tự giặt quần áo.

"Con biết phải làm thế nào", Lu Yizhuo ngắt lời mẹ.

Bà Yang nói về con gái mình là “món quà từ thiên đường gửi đến”. Nữ giáo viên tâm sự con gái cảm nhận được sự hỗ trợ từ gia đình vào đầu năm học mới là điều quan trọng nhất.

"Tôi muốn được bên cạnh con để đảm bảo rằng nó cảm thấy an toàn và hạnh phúc" - bà Yang tâm sự và không quên nói thêm - "Tôi luôn nói với nó ước gì kiếp sau, con vẫn là con của mẹ”.

Đại học Thiên Tân là một trong những trường lâu đời ở Trung Quốc, nơi sinh sống, học tập của hơn 17.000 sinh viên. Ảnh: The New York Times.

Khi cuộc sống của các tân sinh viên thuộc “thế hệ con một” dần vào quỹ đạo, phụ huynh phải trở về với cuộc sống thường nhật. Họ sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để chu cấp hàng tháng cho con cái ăn học nơi đất khách.

Trước khi chia tay, nhiều người không quên "thiết lập thỏa thuận" với con như không được đắm chìm vào trò chơi điện tử, không lười biếng và tuyệt đối không hẹn hò. Cuối cùng là lời hứa sẽ liên lạc với bố mẹ qua điện thoại hoặc mạng xã hội.

Tạm biệt những túp lều tạm bợ, họ trở về với ngôi nhà quen thuộc của mình. Nhưng dù ở đâu, tình yêu của những ông bố, bà mẹ ấy dành cho con cái cũng rất lớn và vô điều kiện.

Ngọc Thơ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/1000-phu-huynh-trung-quoc-o-leu-tinh-yeu-tiep-suc-con-vao-dai-hoc-post853272.html