1,2 triệu con lợn tiêu hủy và nguy cơ 'vỡ trận' dịch tả lợn châu Phi

Sau gần 4 tháng dịch tả lợn châu Phi được phát hiện vào Việt Nam, nhiều địa phương chống dịch chưa nghiệm, thậm chí đã có biểu hiện 'vỡ trận' trong kiểm soát dập dịch.

Tính đến ngày 12/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con. Đáng nói, sau gần 4 tháng dịch tả lợn châu Phi được phát hiện vào Việt Nam, nhiều nơi đã có biểu hiện “vỡ trận” trong kiểm soát dập dịch.

Lợn nhiễm dịch tả châu Phi bị vứt trôi sông nguy cơ lây lan bệnh dịch. Ảnh: NNVN

"Địa phương chống dịch chưa nghiêm"

Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh rất nhiều xác lợn chết bốc mùi hôi thối trôi dọc con mương thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang khiến người dân vô cùng bức xúc.

Tương tự, người dân huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) phản ánh, khu vực cầu phao sông Hóa, đoạn qua xã Cổ Am xuất hiện nhiều xác lợn trong bao tải hoặc vứt thẳng xuống sông, nổi lềnh bềnh, trôi theo dòng nước chảy từ thượng nguồn đổ ra cửa biển Thái Bình, đến đoạn cầu phao thì bị chặn lại cùng các loại rác thải khác, ruồi nhặng bám đầy phía trên. Ngay sau đó, đại diện lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) thừa nhận trên địa bàn dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp diễn và một số hộ chăn nuôi thiếu ý thức lén lút vứt lợn chết ra kênh.

Trong khi đó, đa phần các tỉnh thành đã và đang có dịch tả lợn châu Phi hiện mới chỉ công bố dịch ở mức độ diện hẹp quy mô cấp xã. Tuy nhiên, thực tế một số huyện thuộc các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh… sau một thời gian dài chống dịch, lượng lợn phải tiêu hủy quá nhiều khiến một bộ phận cán bộ thú y xã bị quá sức và có tâm lý buông xuôi.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thẳng thắn, nhiều địa phương chống dịch chưa nghiêm. “Thủ tướng chỉ đạo chống dịch phải như chống giặc, nhưng đến bây giờ, qua kiểm tra một số tỉnh làm rất tốt, nhưng một số nơi như Bắc Giang, Thái Nguyên hay Hải Phòng cũng phải vớt gần 400 con lợn chết trôi trên kênh mương. Hay như ở Nam Định, để lợn chết mấy ngày trong nhà dân mới kiểm tra đem đi chôn. Trong khi đặc thù của bệnh này không có thuốc chữa, virus tồn tại lâu trong môi trường và khó tiêu diệt, nhiệt độ 70 độ C trong 20 phút mới chết”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Trong khi đó, đường lây truyền dịch bệnh tả lợn châu Phi là vô cùng phức tạp, qua phương tiện vận chuyển, qua vật chủ trung gian, chim chóc, rồi chuột, ve mềm… trong khi Việt Nam có tới 2,5 triệu hộ chăn nuôi, mật độ rất cao, lợn chết vứt bừa ra môi trường không kiểm soát được. Nguồn dịch bệnh trôi nổi khắp nơi thế này thì việc chống dịch không thể hiệu quả.

Xem xét lại kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp và người chăn nuôi

Đánh giá diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, đặc biệt còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tổ chức khắc phục trong công tác chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung vào những nội dung:

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng ngày 13/5.

Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập ngay các Đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy", Phó Thủ tướng nói.

Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch. Cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trong và ngoài tỉnh để giết mổ và xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ ra ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để tổ chức chống dịch.

Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trong kế hoạch tổ chức chỉ đạo ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong việc tiêu hủy lợn.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức với ngành nông nghiệp để tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả.

"Đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Cục Thú y, hiện đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Cục Thú y cũng cho biết, dịch tả lợn châu Phi cũng đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Gần nhất là Trung Quốc, các ổ dịch được ghi nhận xuất hiện tại 31 tỉnh khiến trên 10 triệu con lợn đã bị tiêu hủy và quốc gia này đã tiêu tốn trên 1 tỉ USD cho công tác phòng chống dịch.

Tại Campuchia, các ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ ngày 22.3 với địa bàn xảy ra dịch tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk của Việt Nam. Tại Mông Cổ đã ghi nhận 11 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/1-2-trieu-con-lon-tieu-huy-va-nguy-co-vo-tran-dich-ta-lon-chau-phi-150125.html