1,3 triệu tỉ đồng thì lấy đâu ra?

Đi qua 20 tỉnh thành, đạt tốc độ 320 km/h, 'ăn sáng ở Hà Nội, càphê ở TP HCM'... những viễn cảnh thật đẹp khi Dự án đường sắt cao tốc được vẽ lên. Nhưng vấn đề tổng mức đầu tư 1,3 triệu tỉ đồng thì lại thật sự choáng váng.

Tàu tốc độ cao Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh Fumishige Ogata

Viễn cảnh “ăn sáng Hà Nội, càphê ở TP HCM” hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi đường sắt tốc độ cao, theo dự kiến, đạt tốc độ tới 320km/h, và khoảng cách HN- TP HCM chỉ cần tới hơn 5h đồng hồ. Thật ra, chúng ta cũng đã từng nghe chuyện “bà mẹ đi chợ, trẻ em đi học”, và cả cái lý “những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc” khi Quốc hội bàn dự án ĐSCT 8 năm trước.

Nhưng viễn cảnh đánh thức nàng tiên, nhưng cái lý IQ năm ấy đã không thắng nổi nỗi lo nợ nần từ một đại dự án ngốn tới 55 tỉ USD, khổng lồ đến mức chiếm 2/3 GDP và không chỉ thời gian đầu tư kéo dài mà quãng thời gian thu hồi vốn tới 45 năm, tức gần nửa thế kỷ... rõ ràng Quốc hội lắc đầu năm ấy là quá sáng suốt.

Sau 8 năm, ĐSCT được đặt trở lại nhưng với những nỗi lo không đổi.

“Mỗi km đường sắt cao tốc sẽ cần tới 38 triệu USD, gần gấp 1,5 lần suất đầu tư làm đường sắt ở Bắc Kinh, Thượng Hải ở Trung Quốc (27 triệu USD) và Tây Ban Nha (26 triệu USD)”.

“Thời gian đầu tư kéo dài tới 40 năm”

“Chỉ 1.500 km chiều dài, tổng mức đầu tư dự kiến có thể lên tới 58,7 tỉ USD, trong hoàn cảnh nợ công đã lên tới trên 60% GDP”

“Riêng chi phí thuê tư vấn thiết kế đã mất đứt 3 tỉ USD, số tiền đủ để nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu”

Trong khi đó, “nhà nước sẽ phải bù lỗ trong ít nhất 10-12 năm đầu”.

Tất cả những ngoặc kép ở trên được trích dẫn từ Hội thảo công bố báo cáo cuối kỳ Dự án nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, vừa được Bộ GTVT tổ chức.

Nỗi lo không thay đổi sau 8 năm. Thực tế “túi tiền” không đổi, trong khi nợ công còn nặng hơn.

Không ai phủ nhận hiệu quả của một tuyến ĐSCT nhanh, mạnh hiện đại, không ai không muốn những viễn cảnh tươi đẹp, những nàng tiên được đánh thức, nhưng chúng ta phải lựa chọn thôi. Bởi như “các cụ” đã nói “Có thực mới vực được đạo”, sự lựa chọn ấy phải căn cứ vào những gì có trong tay, vào khả năng chịu đựng của nền kinh tế và người dân.

Ai biết được với thực tế đội vốn, kéo dài thời gian triền miên như hiện nay, số tiền phải chi cho một dự án sẽ đội lên bao nhiêu, sẽ kéo dài bao lâu. Ai biết được liệu tuyến đường sắt tốc độ cao ấy sẽ kéo nền kinh tế băng băng tiến lên trước hay trở thành một gánh nợ mới?

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/13-trieu-ti-dong-thi-lay-dau-ra-641098.ldo