1.587 đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/01/2021 đến ngày 02/02/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với sự tham dự của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên. Theo đó, Đại hội sẽ họp phiên trù bị trong ngày 25/01; phiên khai mạc diễn ra vào 8h sáng ngày 26/01.

Đó là thông tin được ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho biết tại buổi họp Thông báo về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) với đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế diễn ra mới đây.

Đại hội XIII: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển

Đại hội XIII được tiến hành theo phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, với chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

Mọi công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành.

Mọi công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành.

Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên. Trong đó, đại biểu đương nhiên 191 (các Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII); đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương 1.381; đại biểu chỉ định 15. Đại biểu có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm tỷ lệ 67,67%.

Ngoài đại biểu chính thức, Trung ương Đảng mời các vị nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện mẹ Việt Nam anh hùng; đại diện nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu..., đến dự Đại hội.

Đại hội sẽ thảo luận và thông qua 5 báo cáo, gồm: Báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm; tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - - xã hội 10 năm 2011- 2020, xây dựng chiến lược giai đoạn 2021-2030; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2025; tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Dự thảo Văn kiện đề ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao...

Nhân sự là khâu then chốt

Về công tác nhân sự, ông Hoàng Bình Quân cho biết Đảng Cộng sản Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là khâu "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt". Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa mới được chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, làm từng bước, từng việc, từng khâu, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm theo đúng quy trình nhân sự đã đề ra, bảo đảm Ban Chấp hành Trung ương khóa mới phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

Toàn cảnh buổi họp Thông báo về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) với đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.

Về quá trình chuẩn bị các văn kiện Đại hội, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho biết, việc xây dựng các dự thảo văn kiện được chuẩn bị từ rất sớm, công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị. Dự thảo các văn kiện được lấy ý kiến rất rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, cả trong nước và ở nước ngoài. Các đồng chí nguyên là Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cán bộ, đảng viên, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà khoa học, các nhà quản lý và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân, đất nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rất quan trọng và sâu rộng, thể hiện tinh thần thật sự cầu thị, dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và xã hội, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chia sẻ một số nội dung về quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hoàng Bình Quân cho biết, hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 247 đảng ở 111 quốc gia trên thế giới. Trong nhiệm kỳ vừa qua, quan hệ đối ngoại của Đảng tiếp tục được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Với tư cách là một đảng cộng sản cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng mở rộng, phát triển với nhiều đảng cầm quyền, tham chính, các chính đảng lớn tại các nước, các diễn đàn đa phương chính đảng, các tổ chức, chính giới, các cơ quan hành pháp, lập pháp ở nhiều nước.

Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng trên thế giới thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, góp phần tạo nền tảng chính trị quan trọng cho việc ổn định, mở rộng và thắt chặt quan hệ song phương của Việt Nam với các nước, đóng góp hiệu quả vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước, qua đó góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.

MINH CHÂU

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/1587-dai-bieu-du-dai-hoi-xiii-cua-dang-20210120140153752.htm