1 ngày có tới 10 đối tác chào mua, xuất khẩu gạo 'vào cầu'

Nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường nhập khẩu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo tăng trưởng khá. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục sôi động.

Đây cũng là nguyên nhân khiến Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa nâng mục tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2017 lên mức 5,6 triệu tấn, thay vì con số 5,2 triệu tấn được dự báo trong tháng 7 vừa qua và tăng khoảng 800.000 tấn so với năm 2016.

Thị trường nhiều tín hiệu tốt

Thương nhân thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu tại tỉnh An Giang. Ảnh: K.H

Bộ NNPTNT thông tin, tính đến giữa tháng 9, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL xuống giống vụ hè thu 2017 ước đạt hơn 1,64 triệu ha trong tổng số 1,66 triệu ha diện tích theo kế hoạch. Đã thu hoạch xong 1,48 triệu ha, năng suất khoảng 5,6 tấn/ha.

Theo VFA, trong 8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 3,8 triệu tấn, với trị giá FOB là 1,66 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu gạo tăng đến 17,7% về lượng và 16,6% về trị giá FOB. Đáng chú ý, trong tháng 8.2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh nhất trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 70% về lượng và 56,8% về trị giá FOB.

Cùng với đó, lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu cũng tăng kỷ lục trong tháng 8, đạt gần 842.000 tấn, tăng đến 207% so với tháng 7, còn so với cùng kỳ năm 2016 thì mức đăng ký hợp đồng mới trong tháng 8 tăng gần 115%. Phần lớn các hợp đồng này đăng ký xuất khẩu nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm đi Trung Quốc; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi châu Phi; gạo Japonica đi châu Úc…

Như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu đến 5,1 triệu tấn, vượt hơn cùng kỳ năm trước 18,8%.

Theo nhận định của VFA, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, thị trường truyền thống của gạo Việt Nam cũng đang tiếp tục có nhiều tín hiệu mua vào. Như Sri Lanka, Chính phủ nước này đang xem xét nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo nhằm bù đắp thiếu hụt do mưa lũ thời gian qua. Trước đó, đã có 12 – 14 triệu tấn gạo tại nước này bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa bão và lũ lụt.

Iraq cũng vừa hoàn tất thỏa thuận mua trực tiếp 60.000 tấn gạo từ Việt Nam, không qua đấu thầu. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho tại Philippines cũng giảm so với năm trước nên cơ quan chức năng nước này có thể sẽ cho nhập khẩu thêm.

Tuần trước, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) cũng cho biết, khoảng 140.000 bao gạo nhập khẩu từ Việt Nam đã đến cảng Tabaco (TP.Tabaco, Philippines). Gạo đang được tiến hành kiểm dịch và được đưa đến 6 nhà máy của tỉnh Bicol để tăng lượng gạo dự trữ đang ở mức thấp.

Tăng dần tỷ trọng gạo chất lượng cao

Theo nhận định của một số chuyên gia, Trung Quốc, Bangladesh và Philippine sẽ tiếp tục là thị trường của gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm, đặc biệt đối với một số loại gạo như gạo trắng hạt dài, gạo đặc sản và tấm.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Dũng

Bên cạnh đó, gạo thơm và thơm nhẹ ngoài thị trường châu Phi được duy trì có thể sẽ có thêm một số thị trường mới như Iran, Iraq… Riêng gạo Japonica đang hứa hẹn trở thành một loại gạo xuất khẩu của Việt Nam có tỷ trọng dần lớn lên với thị trường chính hiện nay là châu Úc và một thị trường khác cũng khá tiềm năng là Trung Quốc.

Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch VFA nhận định, với tình hình thị trường và lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu tăng kỷ lục trong tháng 8.2017, sẽ tạo đà cho xuất khẩu quý IV.2017 tăng mạnh. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2017 có thể đạt trên 5,6 triệu tấn, thay vì con số 5,2 triệu tấn đưa ra trước đó.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), tín hiệu khả quan cho một số doanh nghiệp lúa gạo đến từ thị trường Trung Quốc, khi các nhà nhập khẩu nước này do nhu cầu cao nên đã tăng giá thu mua, đặc biệt là đối với gạo nếp. Hiện giá gạo nếp xuất khẩu sang thị trường này đã tăng lên khoảng 450USD/tấn, cao hơn 25 – 30USD/tấn với giá 420 - 425 USD/tấn hồi đầu tháng 8.

Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An cũng thông tin, tình hình thị trường đang rất sôi động khi có ngày có đến 10 đối tác chào mua. Đặc biệt, nhu cầu “ăn vào” đối với gạo nếp của Trung Quốc đang rất lớn trong khi nguồn cung trên thị trường hạn chế, chỉ đáp ứng được 20 – 25% nhu cầu. Do đó, giá gạo nếp đã tăng trong những ngày qua và dự báo có thể còn tiếp tục tăng nữa từ nay đến cuối năm.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng thông tin, cơ cấu gạo xuất khẩu đang tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao như gạo nếp, Japonica, gạo lứt… Đây cũng là chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm gần đây.

Khải Huyền

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/1-ngay-co-toi-10-doi-tac-chao-mua-xuat-khau-gao-vao-cau-806391.html