10 Bảo vật quốc gia 'đậm chất Hà Nội', phải chiêm ngưỡng ở Thủ đô

Được công nhận là Bảo vật quốc gia, các hiện vật này phản ánh bề dày lịch sử văn hóa cùng truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của Thủ đô Hà Nội.

1. Trống đồng Hoàng Hạ (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Chỉ đứng sau trống đồng Ngọc Lũ về độ tinh xảo, trống đồng Hoàng Hạ được phát hiện tại thôn Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) năm 1937. Đây là hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn được tìm thấy ở địa phận Hà Nội.

2. Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long (Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long). Hiện vật nguyên gốc, độc bản này từng được dùng để trang trí tại chính giữa mái cung điện hoàng thành Thăng Long thời Lý, có giá trị quan trọng trong nghiên cứu nghệ thuật ở kinh thành Thăng Long những thế kỷ đầu tiên sau khi được thành lập

3. Bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Gồm 82 tấm bia, khắc tên 1.307 lượt Tiến sĩ thi đỗ trong 82 kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc, bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám vật chứng cho thời hoàng kim của nền khoa cử ở kinh thành Thăng long xưa.

4. Bộ thành bậc điện Kính Thiên - thế kỷ 15 (Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long). Hiện vật này gồm cặp rồng đá nguyên khối chầu hai bên lối lên thềm trước điện Kính Thiên, cung điện quan trọng nhất ở Hoàng thành Thăng Long xưa. Đây được đánh giá là di sản kiến trúc tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ.

5. Bộ thành bậc điện Kính Thiên - thế kỷ 17 (Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long). Nằm phía sau điện Kính Thiên, hiện vật này có niên đại muộn và quy mô nhỏ hơn so với bộ thành bậc ở phía trước. Đây là một tác phẩm tiêu biểu cho nền nghệ thuật ở kinh thành Thăng Long thời Lê Trung Hưng.

6. Hai bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long (Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long). Có niên đại vào thế kỷ 15-16, hai chiếc bát này từng là đồ dùng của hoàng gia trong hoàng thành Thăng Long. Hiện vật có độ trong của xương gốm rất cao, minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ.

7. Bia điện Nam Giao (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Được dựng năm 1679, thời vua Lê Hy Tông, tấm bia này là dấu tích duy nhất còn lại của đàn tế trời Kinh thành Thăng Long xưa. Hiện vật được trang trí hoa văn rất tinh xảo, thể hiện các đề tài đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng.

8. Tượng Phật giáo thời Tây Sơn (chùa Tây Phương). Thường được biết đến với tên gọi "18 vị La Hán chùa Tây Phương", Bảo vật quốc gia này có niên đại vào cuối thế kỷ 18, là những tác phẩm tiêu biểu cho nền nghệ thuật ở mảnh đất Hà Tây xưa, ngày nay là một phần của Thủ đô Hà Nội.

9. Tranh “Em Thúy” (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Người thực hiện tác phẩm này là họa sĩ Trần Văn Cẩn, một tên tuổi vĩ đại của nền mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh vẽ năm 1943, tái hiện chân dung em Minh Thúy, một bé gái 8 tuổi sống trong gia đình người họ hàng của họa sĩ tại phố Hàng Cót, khu phố cổ Hà Nội.

10. Máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324 (Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Lập kỷ lục bắn rơi 14 bay các loại của không quân Mỹ, chiếc máy bay chiến đấu huyền thoại này đã góp công to lớn trong công cuộc bảo vệ vùng trời Thủ đô Hà Nội và miền Bắc trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/10-bao-vat-quoc-gia-dam-chat-ha-noi-phai-chiem-nguong-o-thu-do-1919461.html